Những trường hợp khi yêu nhau, chưa đăng ký kết hôn mà đã
gây bạo lực với đối tượng là bạn đời, bạn tình của mình thì chắc chắn 100% khi
lấy nhau rồi bạo lực sẽ xảy ra và còn tăng lên rất nhiều lần...
“Khi bị sỉ nhục, điều đầu tiên tôi thấy người phụ nữ làm là chạy ra đóng cửa
lại. Họ xấu hổ, họ đóng cửa lại để người ngoài không biết đến, nhưng khi họ đóng
cửa lại tức là họ không còn con đường chạy thoát. Như thế là không hiểu biết,
bản thân họ phải hiểu là khi bạo lực xảy ra thì người gây ra bạo lực đáng xấu hổ
chứ không phải là mình. Cho nên khi bạo lực xảy ra, việc đầu tiên người phụ nữ
làm là phải mở cửa ra”, bà Hoàng Thị Kim Thanh nói.
Bạo lực tinh vi của ông chồng trí thức
Bà Hoàng Thị Kim Thanh (Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa gia đình, Khoa Văn hóa học, ĐH
Văn hóa Hà Nội) cho rằng, tình trạng bạo lực tinh thần bằng cách chửi bới, lăng
mạ, sỉ nhục vợ trong gia đình trí thức không phải chuyện hiếm.
Những ông chồng trí thức, có học hành luôn có cách nói như thế nào để khiến
người vợ đau nhất, tổn thương nhất mà không cần đánh đập. Bà Thanh vẫn chưa quên
câu chuyện sỉ nhục vợ tinh vi của một ông chồng mang học vị tiến sĩ:
“Ông chồng đi nghiên cứu sinh nước ngoài về, nói về học hàm học vị, tri thức thì
ông ấy đầy mình. Khi ông về, vừa bước đến sân bay thì ông ấy nói với bà vợ một
câu còn kinh khủng hơn cả đánh: Hàng quá đát thì không dùng nữa. Người quá đát
thì ông cũng không sử dụng. Bà ấy thì cũng đến tuổi quá đát rồi. Bà vợ nói với
tôi là nghe xong câu đấy chị cảm thấy rất choáng váng, không bao giờ nghĩ ông
chồng của mình lại nói với mình một câu khủng khiếp như thế”.
|
Ăn miếng trả miếng có thể càng làm bạo lực gia tăng. Ảnh minh họa |
Thông thường khi bực tức người đàn ông hay chửi thề, văng
tục. Nhưng đàn ông ít người hiểu điều đó tác hại như thế nào. Người vợ khi nghe
thì đau, và nhớ lâu, thậm chí có lúc cảm thấy coi thường chồng, thấy hình ảnh
chồng trở nên thô lỗ, cục cằn, vô học.
Về lý do dẫn đến tình trạng này, bà Thanh cho rằng không hẳn vì hết yêu. “Sau
khi lấy nhau mà không còn tình yêu, có người tìm cách chia tay, có người chọn
cách thay đổi để làm mới lại tình yêu nhưng có người lại chọn cách dùng bạo lực,
cả tinh thần và thể xác. Thậm chí có người đang rất yêu vợ mà họ vẫn bạo lực với
vợ, vẫn làm cho người phụ nữ tổn thương để làm cho người phụ nữ thấy là mình yếu
kém, nhỏ bé, lệ thuộc.
Thế nên để nói rằng không còn tình yêu mà bạo lực thì đó không phải là nguyên
nhân chính. Mà nguyên nhân chính vẫn là người đàn ông muốn thể hiện quyền lực,
người đàn ông muốn chứng tỏ mình, người đàn ông muốn là người vợ phải nằm trong
tầm kiểm soát của họ”, bà Thanh nói.
Bà Thanh cũng cho biết, người phụ nữ chịu “sống chung với lũ” khi người nam giới
gây bạo lực có rất nhiều lý do. Có thể vì con cái, vì quan hệ gia đình, hoặc vẫn
còn yêu chồng.
“Bản thân người đàn ông gây bạo lực không phải lúc nào cũng gây bạo lực mà là
bạo lực có các chu kỳ. Tức là họ gây bạo lực, sau đấy họ lại ngon ngọt, họ dỗ
dành, làm mọi cách để làm lành với vợ. Chính vì điều đó mà người phụ nữ vẫn còn
hi vọng là chồng mình sẽ thay đổi cho nên họ ở lại với chồng”, bà Thanh nói.
Hãy mở cửa ra!
Bà Thanh cho biết, cách phản ứng của người vợ “dùng bạo lực đáp trả bạo lực” là
tiêu cực. Bởi vì họ chửi mình, lăng nhục mình, mình chửi lại họ, lăng nhục họ
thì cái đó làm cho bạo lực ngày càng gia tăng, không thể lùi lại được.
Bà Thanh chia sẻ: “Đúng là bị bạo lực mà cam chịu, chịu đựng thì bạo lực không
bao giờ có thể giải quyết được. Tuy nhiên khi họ chửi mình cũng chửi, cái đó
càng kích thích cho bạo lực tăng thêm phần nguy hiểm và nó có thể khiến người
đàn ông thay đổi chiến thuật để làm sao đó cho người phụ nữ bị tổn thương. Chính
vì vậy mình không thể nào chạy theo chiến thuật của người đàn ông để trả lại bạo
lực cho họ như vậy được”.
|
Bạo lực sẽ khó giải quyết hơn rất nhiều nếu không
có người khác giúp đỡ. Khi bị bạo lực, việc đầu tiên là hãy mở cửa
ra. Ảnh minh họa |
“Khi bị bạo lực, đầu tiên người phụ nữ phải vượt qua rào cản
về bạo lực. Đừng xấu hổ, đừng im lặng, phải tìm ra một cách nào đó nói câu
chuyện họ bị bạo lực với người xung quanh như người thân, bạn bè, gia đình, cộng
đồng. Bởi vì thực sự câu chuyện bạo lực khó nói nhưng sẽ khó giải quyết hơn rất
nhiều nếu không có người khác giúp đỡ.
Đừng bao giờ người phụ nữ nghĩ rằng đó là lỗi tại mình, mình có lỗi gì trong
chuyện đó, người gây ra bạo lực mới là người có lỗi. Khi nghĩ được như thế thì
họ mới dũng cảm đương đầu với chuyện này”, bà Thanh nói.
“Ngay hàng xóm của tôi cũng bị bạo lực. Khi mà bạo lực xảy ra thì điều đầu tiên
tôi thấy người phụ nữ làm là chạy ra đóng cửa lại. Đó là một việc rất nguy hiểm.
Họ xấu hổ, họ đóng cửa lại để người ngoài không biết đến, nhưng khi họ đóng cửa
lại tức là họ không còn con đường chạy thoát khi chuyện nguy hiểm đến với họ.
Như thế là không hiểu biết, bản thân họ phải hiểu là khi bạo lực xảy ra thì
người gây ra bạo lực đáng xấu hổ chứ không phải là mình. Cho nên khi bạo lực xảy
ra, việc đầu tiên người phụ nữ làm là phải mở cửa ra”, bà Thanh kể.
Bà Thanh cho rằng, bạo lực là vấn đề được hình thành trong máu thịt của người
đàn ông, hình thành lâu rồi, để thay đổi người đàn ông phải cho họ thời gian và
cần có một sự giáo dục nhất định họ mới thay đổi được hành vi. Tất cả phải kết
hợp bằng nhiều biện pháp, tác động đến người gây bạo lực mới có thể giải quyết
được vì đây là vấn đề vô cùng khó khăn.
“Cần thiết thì người vợ có thể tìm đến những nơi có thể can thiệp, hỗ trợ, bảo
vệ sự an toàn cho họ như công an, chính quyền, nhà tạm lánh. Bản thân họ cũng
phải hiểu được những vấn đề liên quan như họ có quyền gì, làm thế nào để tránh
được bạo lực khi bạo lực xảy ra, làm thế nào để ông chồng bớt bạo lực, làm thế
nào để bảo vệ được bản thân và con cái của mình.
Phải tác động nhiều phía, tác động tới phụ nữ để họ có hiểu biết để đương đầu,
đến người đàn ông để họ điều chỉnh hành vi, tác động đến cộng đồng xung quanh để
cộng đồng biết và giúp đỡ những người bị bạo lực chứ không thờ ơ cho đó là
chuyện riêng”, bà Thanh nói.
Bà Thanh cũng khẳng định, những việc này mà mình nhân nhượng từ đầu thì chắc
chắn sau này sẽ lấn tới. Người phụ nữ cần phải tỉnh táo, cần phải dũng cảm để
bảo vệ mình.
“Theo một nghiên cứu mà tôi đọc thì những trường hợp khi yêu nhau, chưa đăng ký
kết hôn mà đã gây bạo lực với đối tượng là bạn đời, bạn tình của mình thì chắc
chắn 100% khi lấy nhau rồi bạo lực sẽ xảy ra và còn tăng lên rất nhiều lần. Bởi
vì khi chưa lấy nhau, họ đang giai đoạn trăng mật, giai đoạn chinh phục nhau mà
đã giở cái thói côn đồ như thế rồi thì sau này khi thành vợ chồng rồi, va chạm
với nhiều yếu tố khác thì chắc chắn là bạo lực sẽ xảy ra.
Cho nên người phụ nữ phải tỉnh táo, khi yêu có dấu hiệu bạo lực gia đình là phải
nghĩ đến cuộc sống hôn nhân sau này sẽ có bạo lực gia đình xảy ra khi người
chồng có tính đó trong người. Cô ấy dũng cảm là cô ấy có thể cứu vớt được cả
cuộc đời mình sau này không phải sống với người gây bạo lực”, bà Thanh chia sẻ.
La Hoàn