- Lại một lần nữa, xăng và gas đội giá vùng lên, thử thách cả những người tiêu dùng thông thái và tiết kiệm nhất. Đứng trước cơn bão giá, cuộc sống của những sinh viên nghèo và người có thu nhập thấp vốn dĩ đã không mấy dễ dàng, nay lại rơi vào cảnh lao đao.

Cửa hàng lo nhưng khách vẫn được no

Lo lắng khi phải nghĩ đến việc đổi mỗi bình gas mất gần 500 nghìn đồng, chị Hồng cửa hàng ăn Học viện Báo chí – tuyên truyền cho biết: “Khi giá các loại rau quả, thực phẩm tăng, rồi gas cũng liên tục tăng. Mà ngày bây giờ mỗi suất cơm giá 15, 20 nghìn đã quá sức đối với nhiều em sinh viên trong ký túc xá. Khó có thể tăng giá được thì chúng tôi biết làm thế nào?”.


Từ khi xăng lên 23 nghìn/ lít, mỗi lần đi chợ chị Hồng lại giật mình vì giá các loại rau, thịt, củ, quả... lại tăng thêm 10% một mặt hàng, lý do là giá xăng tăng, người bán hàng phải bù vào phí vận chuyển.
 
Nấu nướng bằng bếp than để giảm bớt chi phí.
 
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Hồng liên tục đặt ra những câu hỏi: Phải làm thế nào bây giờ, không lẽ phải mua thêm bếp than, hay thu thêm tiền, hoặc mỗi suất cơm bớt đi một ít… nhưng rồi tự mình trả lời hết những câu hỏi đã đặt ra.

“Bếp than chỉ dùng cho các món hầm, kho, đun nước, không thể rán hay xào đồ bằng bếp than được vì đồ ăn sẽ không ngon, rau sẽ không giòn, rồi thời gian đâu để chờ cho được một nồi. Nếu thu thêm tiền sợ các em sinh viên sẽ không chịu được, bố mẹ ở nhà quê lấy đâu ra tiền để gửi nuôi con, cuối tháng bao nhiêu em phải ăn mì tôm thay cơm. Nếu bớt đồ ăn đi, suất đầy, suất vơi, lại có em phải đói…”, chị thương cảm.

Khi nhiều quán ăn đã rục rịch tăng giá với lý do: giá thực phẩm tăng, giá gass tăng thì các quán ăn sinh viên nằm gần các trường đại học vẫn cố gắng cầm cự mức giá từ năm ngoái để phục vụ sinh viên. Chị Hiền, chủ một quán cơm trên đường Nguyễn Phong Sắc cho biết: “Từ hột muối, nhánh hành đến bình gass giá cũng cao hơn trước kia nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để không tăng giá đối với sinh viên”.

Trung bình mỗi quán cơm bình dân phục vụ 200-300 suất ăn mỗi bữa, 1 bình gas sẽ được sử dụng trong khoảng 3,4 ngày. Nhiều cửa hàng đang chấp nhận lấy công làm lãi nhưng bản thân họ cũng không chắc chắn còn có thể tiếp tục cầm cự đến bao giờ.

“Thời gian tới đây sẽ giảm dần dần số lượng các suất ăn, và có thông báo, giải thích rõ ràng với các cháu sinh viên để các cháu thông cảm, bây giờ đang là thời kỳ khó khăn chung” bác Nhung, cửa hàng cơm gần trường ĐH Bách khoa cho biết.

Giảm cân nhờ xăng, gas tăng giá

Đời sống của những người thu nhập thấp tại Hà Nội trước biến động của giá gas cũng không lấy gì làm tươi sáng hơn.

Chị Ngọc, giáo viên một trường mầm non tại quận Cầu Giấy, vẫn sống đời sống độc thân, chia sẻ về cuộc sống gần đây của chị như một “vở bi hài kịch”. Chị cho biết, với tấm bằng cao đẳng của tỉnh, ăn lương giáo viên mầm non tư thục như chị, mỗi tháng kiếm được chỉ gần 2 triệu đồng mà cái gì cũng đổ lên con số còm cõi ấy.
 
Bữa ăn còm cõi giá 10 nghìn đồng của sinh viên.
 

Tiền thuê nhà, tiền điện nước, rồi tiền xăng xe, đi lại…luôn có chiều hướng tăng nên lương tháng chẳng bao giờ là đủ. “Bây giờ, giá xăng, gas tăng nữa thì đúng là thử thách đối với tôi và cô bạn cùng phòng” – chị chia sẻ thành thực – “Vì thế, sau khi bàn bạc thì chúng tôi quyết định không nấu vào buổi tối, ăn bánh mỳ hoặc mì tôm, chỉ nấu nướng vào cuối tuần thôi. Bữa trưa hai chị em đã ăn tại trường rồi mà”.

Chị cười sau thắc mắc của tôi về sức khỏe sẽ duy trì được bao nhiêu lâu, rồi hóm hỉnh: “Bạn thấy đấy, thân hình mình cũng khá đẫy đà, đang muốn giảm cân mà không được, nhân tiện có điều kiện cho phép thì giảm cân luôn. Sau một vài tháng, chắc người mình sẽ đẹp lên trông thấy”.

Một người phụ nữ trung tuổi khác, là công nhân quét dọn tại một khu kí túc xá tư nhân cho biết: “Gas tăng, vợ chồng cô méo mặt, nhưng không có cách nào “nhịn” dùng gas được”. Hỏi ra mới biết, người phụ nữ này cùng chồng sống tại khu kí túc xá, hai thằng con trai đều đã lập gia đình và mua nhà ở riêng, nhưng mấy đứa con của chúng đều được đưa về cho ông bà chăm cả.

Nhưng, hai ông bà không chỉ chăm cháu mà chăm cả con, hễ thích là chúng lại về ăn uống, sinh hoạt cùng vợ chồng bà. Số tiền chúng phụ với ông bà thì đều đều hàng tháng, nhưng ngặt nỗi giá cả tiêu dùng ra Tết có phần tăng, mà tiền thì không đẻ thêm ra được.

Cô than thở: “Mấy đứa con, thu nhập cũng không khá là bao, đồng lương công chức phọt phẹt, thôi thì tiết kiệm cho chúng nó được đồng nào hay đồng ấy. Thành ra, cứ mỗi lần chỉ có hai thân già là hạn chế dùng gas lắm cháu ạ, nấu một ăn hai. Nhà cô có trẻ nhỏ, nên là cô chú vẫn dùng bếp than để hầm xương, nấu cháo, bếp gas chỉ để nấu những món đồ nhanh, ít cho trẻ thôi”.

Gas tăng giá liên tục, nay lại thêm giá xăng khiến giá tiêu dùng leo thang, không ít  gia đình rơi vào hoàn cảnh lục đục. Ông V.An (Cầu Giấy, HN) sống cùng con trai đã lập gia đình cho biết: “Trước kia khi giá cả chưa tăng, con dâu đưa cho chúng tôi 2 triệu để ăn uống, sinh hoạt nhưng bây giờ tính ra 2 triệu đổi được 4 bình gas thì biết lấy gì để ăn, để sống. Kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng không phải không làm nên không có ăn nhưng thử hỏi với đồng lương ít ỏi khi giá cả mọi thứ đều tăng chuyện gia đình lục đục là điều khó tránh khỏi”.

Khổng Chiêm - Nguyễn Thảo