Những ông chồng này buộc các bà vợ không chịu nổi. Họ quyết định vùng lên khiến chồng ngậm ngùi nuốt "trái đắng".
Coi thường vợ, luôn phê phán và có những hành động vô lý thái quá…, những ông
chồng này đã buộc các bà vợ không thể chịu nổi và quyết định vùng lên khiến cho
họ - những người đàn ông trụ cột, vốn quan trọng hóa trong gia đình phải ngậm
ngùi nuốt "trái đắng" do mình tạo ra.
Từ bi kịch vợ là… cái đinh
“Cô có muốn ăn bạt tai không thì bảo” đó là những lời mà chị Mai (Hà Đông – Hà
Nội) suốt ngày được nghe kể từ khi bước chân về làm vợ anh Quang. Theo lời chị
Mai cho biết thì trước khi lấy nhau, anh Quang vốn đã là người cục mịch, tính
tình lầm lì và dễ nổi cáu. Tuy nhiên ngày yêu nhau, anh Quang không một lần
“sửng cồ” với chị Mai.
Đâu rồi người đàn ông oai phong chỉ thích "dìm hàng" vợ? Ảnh minh họa |
Theo lời những người thân trong gia đình của anh cho biết thì chị Mai vốn là cô
con dâu hiểu chuyện, thấu tình đạt lý với gia đình nhà chồng nhưng không hiểu
sao suốt ngày vợ chồng lục đục và anh Quang thì liên miên, suốt ngày đòi đánh
vợ.
Hay như hoàn cảnh của chị Liên (Hoàng Cầu – Hà Nội), chịu cảnh “chồng chán và
luôn chê bai, dè bĩu trước mặt thiên hạ”. Chị Liên cho biết rằng, không hiểu anh
Minh – chồng chị thấy gai mắt điều gì ở chị mà đột nhiên 2 năm trở lại đây anh
hoàn toàn thay đổi với vợ. Trước anh tỏ ra nhã nhặn, thương vợ, quý con bao
nhiêu thì giờ trở nên hờ hững, bất cần bấy nhiêu. Hễ ai buột miệng nhắc đến chị
trong câu chuyện với anh thì ngay lập tức anh thở dài não nuột: “Nhắc đến làm
gì, đã xấu người lại chả ra làm sao. Chỉ được cái nghe lời chồng còn lại hỏng
hết…”.
Thái độ của anh Minh khiến cho những người thân tình với gia đình anh chị khi
nghe anh Minh nói vậy thì thấy cảm cảnh cho chị Liên, còn những người không hiểu
chuyện thì cứ xì xào bàn tán rằng chắc anh “bắt được quả tang” gì đó nên mới bị
đối xử như vậy. Chính vì điều này mà dần dần chị Liên hết chịu nổi, sự ấm ức bị
dồn nén khi chồng không ngừng rêu rao, miệt thị vợ trước bàn dân thiên hạ. “Thà
rằng tôi không đoan chính, tôi hỗn hào hay tôi có tội lỗi gì đó với anh ấy thì
nhận được hệ quả coi thường của chồng. Đằng này…”, chị Liên thở dài, bỏ lửng câu
nói của mình.
Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, đã có không ít người đàn ông cho rằng, việc
ra oai, thể hiện uy lực và dìm được vợ xuống thì mình sẽ được ngưỡng mộ vì là
ông chồng ra dáng, đáng kính trọng. Vì thế để thể hiện oai với vợ, nhiều ông
chồng không ngại ngần vung tay đánh vợ hoặc chê bai vợ đủ điều để hạ nhục danh
dự của vợ trước mọi người. Và hậu quả là chính những người chồng đó sẽ nhận được
trái đắng khi không tôn trọng người phụ nữ mà mình đã quyết định lấy về làm vợ.
Đó là hệ quả tất yếu mà anh Quang và anh Minh phải hứng chịu khi chị Mai cũng
như chị Liên quyết tâm đưa đơn ra tòa đòn li hôn vì “không thể chịu nổi thói ích
kỷ cùng những lời nhục mạ của chồng”. Hai người đàn ông vốn nghênh ngang, oai
phong giờ bỗng lùi lũi, ngậm ngùi trước sự kiên quyết của vợ.
Trăm “dâu” đổ… đầu vợ
Anh Nam (Hoàng Mai-Hà Nội) nổi tiếng trong khu phố là người thích “úp” tất cả
tỗi lỗi, trăm nghìn các lý do sai trái lên đầu vợ. Chị Thu – vợ anh Nam vốn là
người hiền lành được mọi người quý mến. Thế nhưng trong con mắt của anh Nam thì
chị Thu là người “không có giáo dục”, làm gì cũng gây ra tội. Chị Thu phàn nàn:
“Thật quá chán nản với anh ấy, có điều tiếng gì là anh ấy trút hết lên đầu vợ.
Ai chê gì anh ấy cũng “tại vợ”, tự thân anh ấy làm gì sai lầm cũng là do vợ cứ
như tôi là đồ vô tích sự, không thể làm được điều gì cho ra hồn. Đi đâu anh ấy
cũng miệng oang oang dương dương tự đắc là người đàn ông hoàn hảo lấy phải vợ
vụng, đụng đâu đổ đấy, kém đối nội, dốt đối ngoại”.
Điều khiến chị Thu ấm ức hơn đó là việc chồng đối xử với mình khiến cả nhà chồng
cũng hùa theo, đối xử với chị không ra gì, em chồng thì sai chị như người giúp
việc, chị có trót bận việc không làm giúp thì họ cũng “nhảy bổ” vào kẻ nhiếc
móc, đứa chì chiết. Mang nỗi ấm ức về than thở với chồng thì ngay lập tức, anh
Nam bực bội đáp lại: “Còn oan à, nhìn lại bản thân mình đi…”.
Chị Thu ngậm ngùi: “Lắm khi tụ họp với mấy cô bạn thân, nghe đứa này kể chồng
chiều thế này, đứa kia khoe chồng chăm sóc thế kia mình không khỏi chạnh lòng.
Đúng là chồng tốt thì vợ được nhờ. Mình có phải là đứa không biết lo lắng, thu
vén cho gia đình đâu. Lúc nào cũng quần quật chăm lo cho cả gia đình ấy vậy mà
cũng chỉ là thứ vô tích sự trong mắt chồng”.
Cũng có thể nhiều người đàn ông có thể yêu cầu người phụ nữ của mình cầu toàn,
phải răm rắp nghe theo và làm theo mọi thứ theo ý mình, cho nên việc gì vợ làm
cũng là chướng tai, gai mắt. Tuy nhiên nếu vì thế mà đổ mọi trách nhiệm và tội
lỗi lên đầu người phụ nữ không chỉ không khiến vợ nể phục mà sẽ khiến người bạn
đời của mình “trở mặt” như chính những gì họ đã dựng… Như chị Thu vì trót mang
tiếng “bất tài, vô dụng” nên chị từ một người con dâu, chị dâu, người vợ hiền
lành bỗng quay ngoắt thái độ. Chị không ngại miệt thị lại em chồng, cãi lại lời
bố mẹ chồng và ôm con bỏ về nhà ngoại khi chồng xử sự vô lý.
Lời kết
Hôn nhân là một điều tuyệt vời, nhưng đây sẽ là một công việc vô cùng khó khăn
nếu bản thân mỗi người luôn muốn cuộc hôn nhân của mình thành công mĩ mãn. Theo
các nhà nghiên cứu về tâm lý để có được một cuộc hôn nhân thành công, người
trong cuộc phải tránh được những yếu tố có thể phá hủy cuộc hôn nhân của mình,
đồng thời luôn giữ được “chìa khóa” nếu muốn có một gia đình hạnh phúc. Cả người
vợ và chồng cần phải tập trung vào những điều tốt đẹp để giúp duy trì một cuộc
hôn nhân lành mạnh. Luôn tạo cho mình và bạn đời có một cảm giác hài hước, chứ
không nhất thiết phải làm cho mọi thứ trở nên quá nghiêm trọng. Hãy bộc lộ sự
quan tâm đến nhau và dành cho người bạn đời của mình thật nhiều những khoảng
thời gian vui vẻ để bù lại những quãng thời gian khó khăn và vất vả. Nếu không
sẽ chính tự tay mình khiến cuộc hôn nhân của mình tan vỡ lúc nào không hay.
(Theo Afamily)