- Trong khi mỗi đợt tăng giá xăng khiến cho dân tình điêu đứng thì nhiều đại lý ung dung bỏ túi hàng tỉ đồng. Một chủ cây xăng tiết lộ, đối với những đại lý xăng dầu cấp “cao”, lời lãi sau những vụ tăng giá thậm chí không tính nổi.

Những đợt tăng giá xăng có thể là cơ hội làm ăn cực lớn đối với các đại lý xăng dầu. Tùy vào điều kiện kinh tế và điều kiện “quan hệ” tốt đến đâu, các đại lý có thể thu lãi hàng chục, hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ đồng - Anh Nguyễn Văn T. – chủ một đại lý xăng dầu ở Hà Nội tiết lộ.

ảnh TN

Theo anh T., mức chiết khấu xăng dầu không cao, chỉ khoảng 150 – 300 đồng/lít. Nếu cứ như vậy mà tính ra con số, thì lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu không cao. Với nhiều ông chủ. kinh doanh xăng dầu chỉ để phục vụ cho các “mối quan hệ làm ăn” là chính.

Tuy nhiên, nếu có tiềm lực kinh tế, mối “quan hệ” tốt, khả năng phán đoán và thông tin nhanh nhạy thì các đại lý có thể thu lãi khủng mà người ngoài khó hình dung được. Đặc biệt, trong những đợt tăng giá xăng dầu, chỉ với chiêu găm hàng, trữ hàng, nhiều chủ đại lý nhanh tay bỏ túi tiền tỉ chỉ trong vòng 1 – 2 ngày, thậm chí là 1 – 2 giờ đồng hồ.

“Thông thường mỗi đại lý xăng dầu ít nhất cũng được trang bị từ 2 – 4 bể chứa, mỗi bể chừng 10m3 (10 nghìn lít), nếu có xe téc chở xăng với khoang hàng từ 20 nghìn lít trở lên, thì khi giá xăng tăng 2.100 đồng/l, chỉ cần trữ được vào xe và các bể chứa thì không cần bán hàng họ cũng đã thu lãi cả trăm triệu triệu đồng. Vì thế, trong những thời điểm “nhạy cảm”, nhiều cây xăng bất chấp kiểm tra, quy định sẵn sàng lấy lý do sửa máy, mất điện, hết hàng… để nghỉ bán vài tiếng, thậm chí vài ngày đợi xăng “lên”.

Tuy nhiên, những đại lý nhỏ chưa phải là đối tượng thu lãi “khủng” thật sự. Nhiều trường hợp đại lý chỉ biết thở dài tiếc ngẩn tiếc ngơ khi giá tăng vì bị đại lý cấp trên o ép.

“Giá xăng tăng, mình đi nhập hàng đôi khi còn bị làm khó dễ hoặc ép tiền, ép giá. Nhiều khi cũng phải nhờ ăn may nữa” – anh T. tâm sự.

Theo anh T., đối tượng chắc chắn lãi tiền tỉ trong những vụ xăng tăng giá là các đại lý cấp cao. Anh nói: “Đại lý cấp 1 là những đại lý có đủ trong tay 100 cơ sở kinh doanh xăng dầu trở lên. Họ nhập hàng trực tiếp từ tổng công ty. Nếu biết được xăng tăng giá, Thông tin giá, khi cần họ có thể thuê xe, thuê bể chứa, bến bãi chứa xăng dầu để “găm” hàng. Hàng chục chiếc xe téc lên tới 40 nghìn lít cũng được huy động để chở xăng. Những lúc đó, đại lý nhỏ dù đã chầu chực, đặt tiền sẵn có khi còn bị viện lý do hết hàng, xe hỏng… để đợi xăng lên giá. Tính ra chênh lệch giá từ hàng trăm nghìn lít xăng đều vào túi các tổng đại lý cả”.

Minh Tâm