Gặp chị Mén đi ngoài đường, không ai có thể hình dung người phụ nữ 39 tuổi này đã có đến 10 đứa con. Sự “vô tư” trong cuộc sống khiến chị Mén sinh tì tì từ năm 1996 đến nay.
 
“Quả bom dân số”

 
Xét cho cùng, người khổ vẫn là 10 đứa con của chị Mén, những con người đang lớn và sẽ lớn bị lạc lõng trong chính tư duy của bố mẹ. Thi thoảng ra phường làm giấy tờ cho bọn trẻ, bố chúng còn không nhớ nổi được tên con vì đông quá. Thật khó hiểu được chị Mén nghĩ điều gì nếu lần này chị không đi đình sản thật…
Chúng tôi đến P.17, Q. Phú Nhuận, TPHCM để tìm con hẻm vào nhà chị Mén. Chị Mén tên thật là Trần Thị Uyên Phương (SN 1974), vợ anh Mai Thanh Tú (SN 1970), hai vợ chồng và 10 đứa con hiện đang trú cùng 3 hộ khác (gia đình bên chồng) trong căn nhà 2 tầng có diện tích sàn chưa đến 16m2.

Nếu trong tháng 3 này, chị Mén không đình sản, liệu một em bé nữa lại sắp chào đời (!?).  Ảnh: TG
 

Trong ngôi nhà quá chật hẹp, hai người phụ nữ trẻ đang la hét om sòm điều khiển một bầy con nít xúm xít ăn trên nền nhà. Mẹ chồng chị Mén về quê, chồng chị thì đi làm chưa về. Trong số bầy trẻ có 3 cháu không thuộc “đội quân” của chị Mén mà là con chị Nguyễn Thị Hải - chị em dâu với chị Mén. Ngoài 2 cháu trai và 3 cháu nhỏ đang cởi trần trùng trục, có 2 cháu gái mặc đồng phục cũng đang “tiếp tế” lương thực buổi chiều. “Con nhỏ bận áo dài là đứa thứ 3, đang học cao đẳng ngành du lịch-khách sạn. Còn con cả đang làm bảo mẫu ở CLB Lan Anh chưa về”, bà mẹ trẻ vừa mặc quần áo cho chú “út” vừa giải thích.

Vợ chồng chị Mén cưới nhau ít lâu thì sinh đứa con đầu Hồng Loan (năm 1991), lúc đó chị Mén chỉ 17 tuổi. Tuy gia cảnh khó khăn nhưng vợ chồng chị Mén chẳng phải làm thuê làm mướn gì cho ai, chỉ quanh quẩn ở nhà bán buôn lặt vặt. Cuộc sống khó khăn nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn đều đều cho ra đời một đội quân con nít có cùng “số sê-ri”: Thủy Tiên (1/1993), Ngọc Trâm (11/1996), Thanh Thái (9/1998), Thanh Ngân (3/2001), Thanh Nga (12/2002), Thanh Trung (10/2005), Ngọc Trinh (1/2007), Thanh Hằng (3/2009), Thanh Nghĩa (7/2010). Ngoài Loan đang đi làm và Trinh-Hằng-Nghĩa còn nhỏ, “quân số” còn lại đang theo học các lớp 1-4-5-8-10 đến cao đẳng.

Anh Tú đang phụ xe tải nhưng công việc không thường xuyên, chủ xe có hàng thì gọi đi, tiền công tính theo ngày. Chị Mén bán hàng vặt buổi sáng như khoai lang, bún riêu, xôi… cũng chỉ đủ “tiếp tế” lương thực một cách hạn chế cho “đội quân” 10 đứa con. Vợ chồng chị Mén với thu nhập không đủ lo thân của mình, để nuôi sống bầy con thì phải trông cậy chị chồng cung cấp gạo, dì chồng, mẹ chồng buôn bán lo thức ăn cả nhà. Nay chị chồng cũng “oải”, dì chồng thì đổ bệnh, mẹ chồng đã gần 80 tuổi, vợ chồng chị Mén phải chạy ăn từng bữa.
 
Ai thiếu trách nhiệm?


Chúng tôi tìm gặp những cán bộ dân số, cán bộ phụ nữ “cựu trào” để hỏi cho ra lẽ về “quả bom dân số” giữa lòng một thành phố hiện đại đang nỗ lực thực hiện công tác DS-KHHGĐ thời gian qua.

Bà Sung - một “lão thành” dân số nay đã về hưu, ở cách nhà chị Mén chỉ vài chục bước chân, phụ trách khu vực này từ năm 1990 đến năm 2004, vốn nổi tiếng là “cao tay ấn” trong hoạt động dân số, chỉ biết lắc đầu khi chúng tôi đề cập đến trường hợp này. “Tôi tốn không biết bao nhiêu tiền của, bao nhiêu thời gian để tiếp cận, vận động cô này đi đình sản, nhưng có được đâu. Gặp bà Bông (mẹ chồng chị Mén) thì bà ấy bảo “ôi trời!, rỗi hơi đi lo chuyện ấy” (?!). Gặp chú Tú, chú ấy lý sự: Nhà người ta giàu có tivi để xem cho vui, nhà con nghèo chỉ có “chuyện đó” để vui thôi…”. Tôi giải thích hết cách, đến độ nói thẳng là đi đình sản đi rồi tha hồ “làm chuyện đó” mà không phải lo bầu bí chứ ai cấm cản gì đâu!  Vậy mà chú ấy chẳng chịu nghe, hầu như ngày nào cũng gặp để khuyên mà chẳng được. Lắm khi còn lớn tiếng với tôi”, cựu Chủ tịch Hội phụ nữ P.17 kiêm phụ trách công tác DS-KHHGĐ nhớ lại.

“Còn chị Mén phản ứng với bác về chuyện đình sản thế nào?”- tôi hỏi. Bà Sung lại lắc đầu quầy quậy: “Khi  sinh đứa thứ 3, cô ấy đồng ý đi cùng tôi đến bệnh viện Phú Nhuận để đình sản. Tôi lo tiền bạc tàu xe hết. Tới bệnh viện, nhân lúc mình đi làm thủ tục thì Mén… chuồn thẳng. Lần thứ 2, tôi đưa cô ấy tới tận bàn mổ luôn. Thấy cô ấy nằm chờ bác  sĩ , tôi chạy ù ra mua mấy bịch sữa để cô ấy uống sau khi thủ thuật xong cho khỏe. Ai dè, vừa quay lưng đi, cô ấy đã chuồn từ lúc nào. Tính luôn hai lần đó, Mén hẹn tôi tổng cộng 4 lần đi đình sản nhưng có thực hiện được đâu”.

Trong khu vực chị Mén ở, từ người dân đến đoàn thể, chính quyền địa phương đều ra sức truyền thông từ khi chị mang bầu lần thứ 3 đến lần thứ 10. Nhưng gặp ai, chị  Mén cũng gật đầu vâng dạ rồi đâu lại hoàn đấy. Thậm chí, người nào trẻ hơn mà đả động đến chuyện kế hoạch là người phụ nữ này mắng luôn. Thời gian trôi qua, từ người dân đến những người có trách nhiệm đều “ngán” chị Mén như “ngán cơm nếp nhão”…
 
Muộn vẫn hơn không

Cách đây hơn 1 tuần, bà Bông (mẹ chồng chị Mén) đã mở miệng than cùng những người có trách nhiệm: “Tôi ngán lắm rồi, giờ nói nó cũng không nghe, trăm sự nhờ mấy anh, mấy chị giúp dùm”. Còn anh Tú (chồng chị Mén) cũng không còn thấy nói câu “vui không cần tivi” nữa.

Về phía chị Mén, chị đã hứa với phường và cán bộ dân số địa phương về một ca triệt sản sẽ diễn ra trong tháng 3 này. Trưởng ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ phường 17 Nguyễn Quốc Thái nói với chúng tôi:  “Hy vọng lần này sẽ là thật chứ không như những lần trước. Mà tháng 3 sắp hết rồi…”.

Chị Oanh, cán bộ chuyên trách dân số phường 17, thông tin thêm: Mình xuống vận động chị Mén riết mà chị Hải (chị em dâu) còn hiểu ra và thực hiện đình sản đã 3 năm qua. Còn chị Mén thì bỏ ngoài tai hết. Mong là lần này chị Mén đình sản để còn tập trung lo cho tụi nhỏ.

Theo GDXH