Khoảng 17 giờ, tôi điện lại, thông báo đang ngồi nhậu và đợi tại ngã ba đường Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Chánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Bà M. cũng đang ngồi cà-phê gần đó, bảo chỉ có được một em, nó vừa đi làm về, đang tắm rửa, chút xíu nữa sẽ ghé quán.
Đúng như lời bà, chỉ một lát sau em xuất hiện, tự giới thiệu tên V. (ở Quảng Nam) hiện đang làm công nhân nhà máy đồ chơi (KCN Hòa Khánh). Bà M. tiếp thị, đây là công nhân chính hiệu đúng như yêu cầu, nếu cần sẽ cho xem thẻ. Qua vài câu hỏi thăm dò, quả thực V. đang là công nhân, làm việc tại nhà máy này cũng được vài năm. Tuy vậy, việc cô “tăng ca” kiếm thêm thu nhập chỉ thực sự bắt đầu khoảng 3 tháng nay, nhưng không phải thường xuyên, mà lâu lâu có “mối” mới đi khách. Cô kể, làm công nhân lương thấp, lại lao động tối mày tối mặt trong nhà máy mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống.
V. "chuẩn bị" để tiếp khách tại nhà trọ. |
Cô thường than với người bạn thân ở gần nhà bà M. về việc thiếu tiền, chật vật xoay xở trong cuộc sống. Cô bạn này đã hiểu, thông cảm và chia sẻ bằng cách giới thiệu V. cho bà M. để “phục vụ” khách làng chơi. Cuối tuần hay những bữa nhà máy hết việc, V. lại về nhà bà M. hoặc ở sẵn phòng trọ, có mối, bà M. sẽ gọi điện tới phục vụ. Một “cuốc” phục vụ nhanh tại nhà bà M. giá 150 ngàn đồng, V. chỉ được trả một nửa số đó. Nếu có khách gọi đi nhà trọ mà qua đầu mối bà M., V. phải nộp lại 50 ngàn đồng, và mỗi lần đi “tàu nhanh” như vậy giá 200 ngàn, nếu đi cả đêm là 500 ngàn đồng.
V. tính tình vui vẻ, nhẹ nhàng, da trắng, vóc người tương đối chuẩn và khuôn mặt khá bắt mắt. V. không trang điểm phấn son, cũng chẳng ăn mặc mát mẻ, lòe loẹt, nhìn bề ngoài và tính cách thì như con gái nhà lành, quê mùa. Phải chăng cũng vì cái giản dị, chân quê ấy mà nhiều khách làng chơi muốn tìm tới, như một trải nghiệm với món “rau sạch” mà “rẻ”? Không như những cô gái mà chúng tôi đã gặp ở các quán nhậu, cố tình gọi nhiều món ăn ra để “ghi điểm” với chủ quán, chứ mấy khi động đũa. Còn ở đây, V. không yêu cầu, chúng tôi tự gọi món, thích gì kêu nấy.
Có phải tại số?
Ai cũng có một số phận và cái số của V. được cô tự nhận là hẩm hiu. Cô kể: cũng một đời chồng, cũng một mụn con, những tưởng cuộc sống sẽ mỉm cười với V., với cái gia đình bé nhỏ ấy. Nào ngờ, sống với nhau một thời gian V. mới biết chồng mình là kẻ lăng nhăng, vũ phu. Không thể chịu đựng được sau nhiều lần bị chồng hành hạ, cô quyết định chia tay, bồng con ra đi tay trắng. Lúc đầu, cô bồng con nhỏ ra Đà Nẵng, vừa làm công nhân, vừa nuôi con, nhưng ông bà ngoại thấy thương cháu, đã đón về nuôi. Trở về quê không biết làm gì, mà bám trụ thành phố thì ngày càng nghiệt ngã. Tiền lương công nhân mãi lẹt đẹt cho dù giá cả đã tăng chóng mặt.
Vậy mà, không phải lúc nào cũng có việc để làm. Cứ làm một thời gian, nhà máy hết việc, công nhân lại nghỉ, lại chơi dài. Để kiếm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng gửi về quê nuôi con, để trang trải tiền phòng, tiền ăn... cái áp lực nghiệt ngã ấy đã khiến V. thiếu tỉnh táo, dấn thân vào làm “gái bán hoa”. Trong những căn phòng ẩm thấp, mờ tối của những dãy nhà trọ chỉ có giá 30 ngàn đồng cho một lần thuê “hành lạc”, V. đã “tiếp” biết bao người đàn ông xa lạ. Những hơi người thuộc đủ thành phần xã hội đã vện vào V. từ đó.
V. kể, cám cảnh nhất là lúc hết tiền, phải xuống nhà bà M. “tăng ca”. Khách ngồi nhậu ở nhà ngoài bảo ra cho xem mặt, V. sợ gặp người quen không dám ra. Cô cứ ngồi trong cái phòng tối mờ ấy chờ khách. Bà M. có la thế nào cô cũng đành chấp nhận, bảo đã cố hết sức, không thể cố hơn được nữa.
Từ quán nhậu tới dãy nhà trọ cạnh đường ray không xa, dù trời tối, nhưng trước khi dẫn tôi đi, V. cũng lấy khẩu trang che kín mặt. Có lẽ, cô sợ ai đó bắt gặp mình trong cảnh thế này. Có lẽ, dãy nhà trọ cô dẫn tôi tới cũng là địa điểm quen thuộc, nơi cô đã tiếp biết bao khách. Vì vậy, cô phi xe thẳng vào chỗ kín rồi đi nhanh vào phòng như sợ bắt gặp một ánh mắt ai tại đây. Như một phản ứng nghề nghiệp, chủ trọ cũng nhanh tay trao “đồ nghề” giúp cô. Cũng phải nói thêm, V. không phải dân bán dâm chuyên nghiệp, chỉ lâu lâu “đánh dù” kiếm cơm, nên chuyện không có sẵn “đồ nghề” bên mình cũng dễ hiểu.
V. khoe có người đàn ông ở Liên Chiểu đã bỏ vợ rất thương cô. Nhưng cô không đủ tin, bảo dễ gì người ta thương mình thật lòng. Dẫu sao cũng một đời chồng nên V. tỏ ra cảnh giác. Đang ngồi nhậu, người đàn ông ấy gọi điện, V. không dám nghe máy. Cũng theo lời V., nếu thứ bảy tuần sau, chúng tôi có nhu cầu, V. sẽ kéo thêm một người bạn nữ công nhân nữa đi “phục vụ” vì hiện giờ cô này đang về quê.
Những cô gái bỏ ruộng đồng, quê hương ra thành phố, vào các nhà máy lập nghiệp với mơ ước cuộc sống sẽ bớt khổ hơn. Nhưng, chính cái mưu sinh nghiệt ngã chốn thị thành đã đẩy không ít người trong số họ (những người thiếu bản lĩnh) vào con đường bán thân phục vụ khách làng chơi.
Trong mắt người thân chốn quê nhà, họ vẫn là cô công nhân cần mẫn, làm lụng vất vả để chắt chiu mỗi tháng vài trăm ngàn đồng gửi về. Họ hay đổ cho hoàn cảnh, hay số phận đã đẩy mình tới chỗ “bán thân”. Nhưng cũng phải hỏi, có biết bao con người số phận còn nghiệt ngã hơn, hoàn cảnh cùng cực hơn, vẫn vươn lên, bươn chải mưu sinh chân chính?
Theo CADN