Theo ông Dê, nếu người đàn ông nào yếu “cái món đó”, lấy vợ đã lâu không có con thì mỗi tối trước khi đi ngủ uống một chén nhỏ tứn khửn và uống liền trong một tháng thì “đâu sẽ có đó” ngay.
Thơm, mát, bổ...
Người Mông hiếu khách lắm, ai đến nhà là họ mời rượu nhắm với thịt rừng treo gác bếp. Biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi, ông Giàng Dua Dê lặng lẽ vào góc nhà tối như hũ nút rồi khệ nệ bê ra 1 bình rượu. Bên trong bình có những lát củ rừng màu đen óng, rượu đã ngả màu nhờ nhờ như nước canh hến.
Ông Giàng Dua Dê chỉ tay về cánh rừng Pà Cạch, nơi săn tìm tiên dược. |
“Muốn biết bài thuốc “tứn khửn” hiệu nghiệm đến đâu, nhà báo cứ thử một chén khắc biết” - ông Dê vừa mở cái nút bình ra, mùi thơm cay sực nức lập tức bay khắp căn nhà sàn. Ông rót rượu ra bát rồi đưa cho người ngồi gần ông nhất thưởng thức. Như thường lệ, đến nhà bà con dân tộc Mông, bao giờ rượu cũng được rót đầy bát và khách phải uống cạn mới coi là “thật cái bụng” với gia chủ. Tuy nhiên, lần này tôi thấy ông Dê chỉ rót được chút rượu, đủ láng cái đáy bát rồi đưa cho khách.
Khi đã uống xoay vòng được 1 lượt, ông Dê mới khề khà bảo: “Cái thứ thơm, ngon, mát, bổ… này là thần dược cho đàn ông đấy. Hôm nay chỉ mời nhà báo thưởng thức cho biết thôi. Chứ uống nhiều vào là gay go đấy…”.
Điều này được thiếu úy Mùa Láo Táng ở Trạm Biên phòng Pu Hao giải thích: Anh em đi làm công tác dân vận, khi bà con rót rượu “tứn khửn” ra, ai cũng từ chối, vì cái món đó khi đã uống thì dương khí rất sung, phải có “âm” bên cạnh mới hài hòa được.
Hóa ra ông Dê không rót đầy bát cũng có cái lý của mình. Tuy chúng tôi là khách quý, vậy mà mỗi người chỉ được nhấp tý rượu, chỉ đủ ngấm đầu lưỡi. Một lát sau tôi đã thấy tim đập nhanh, người rạo rực, toàn thân nóng sừng sực…
Thấy công dụng kỳ diệu của rượu tứn khửn, tôi hỏi cặn kẽ về mấy loại củ cắt lát ngâm trong bình, ông Dê chỉ cười tủm tỉm rồi nói đó là loại củ thuốc bắt buộc phải ngâm cùng quả Chí Chiền Chùa, nhưng củ của cây gì thì ông không thể nói bởi đó là bí mật tổ truyền phải giấu kín.
Không lo hiếm muộn?
Ông Dê kể, cánh đàn ông ở bản không phải ai cũng biết đến thứ biệt dược này. Trong mấy chục nóc nhà của người Mông ở bản Pu Hao (Sốp Lộp, Sơn La), chỉ có vài người biết thôi, đa phần là các cụ già. Loại rượu thuốc này quý và hiếm bởi kiếm được cây thuốc đã khó nhưng nếu phối chế không đủ vị và đúng quy cách thì cũng chẳng có công dụng gì.
Khi kiếm đủ số quả Chí Chiền Chùa lập tức mang về cho vào ống tre bịt kín, đun cách thủy 1 đêm rồi cho ngay một số vị thuốc khác vào bình, đổ rượu ngập thuốc, hạ thổ suốt 1 năm, khi đào lên phải làm mâm cơm thắp hương bái tổ tiên, rót đầy 1 bát tứn khửn để trên ban thờ, làm lễ xong lại rót vào bình, kể từ lúc đó mới được phép uống loại rượu này.
Biết ông Dê có rượu quý, nhiều người từ nơi xa đến tìm mua, họ trả giá rất cao nhưng ông Dê không bán. Theo ông Dê, ngoài việc tiêu diệt căn bệnh “chồng ngồi, vợ buồn” thì rượu tứn khửn có thêm một công năng nữa là điều trị bệnh hiếm muộn. Nếu trong bản, trong dòng tộc có người đàn ông nào yếu “cái món đó”, lấy vợ đã lâu không có con thì mỗi tối trước khi đi ngủ uống một chén nhỏ, uống liền trong một tháng thì “đâu sẽ có đó” ngay (!?).
Rất hồ hởi, ông Dê khoe rằng, nếu nhà báo không tin, cứ đi khắp bản tìm hiểu xem tộc họ Giàng có đúng là đều đã có con cái đề huề, chẳng có nhà nào buồn phiền vì chậm sinh con cả. Đám thanh niên mới lớn trong bản nhiều khi cũng đến nhà xin ông đôi chén. Trước khi rót rượu cho đám trai trẻ, bao giờ ông cũng phải pha loại rượu này với một vị thuốc “hãm” khác. Bởi lẽ ông Dê ý thức rằng, đám thanh niên mới lớn kia còn chưa lấy vợ, sau khi uống rượu “tứn khửn” nguyên chất xong, đi chơi lung tung dễ gây họa...
Nên tham khảo bác sĩ đông y
Nguyên nhân về việc "chồng ngồi, vợ buồn" có rất nhiều lý do như bệnh mãn tính, ăn uống không điều độ, sinh hoạt tình dục bừa bãi, cơ thể suy nhược hoặc bệnh tật từ nhỏ, thậm chí cả do yếu tố tâm lý tình cảm. Mỗi loại bệnh cần phải điều trị một cách khác nhau. Bài thuốc dân gian lại chỉ có một công thức, nếu uống bừa bãi, quá liều không những “thằng nhỏ” chẳng "tứn khửn" mà các bộ phận khác trong cơ thể cũng rệu rã, ủ rũ khi gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Đối với những người bị bệnh bất lực do dùng các thuốc tân dược trị bệnh lâu ngày như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch... thì việc uống thuốc “cường dương” theo lời đồn thổi mà không có sự chỉ định của bác sĩ thì vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những cơn đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp lạm dụng thuốc cường dương bị “nghiện” thuốc, có thuốc mới “tứn khửn” được. Vì thế, trước khi dùng các bài thuốc “biệt dược phòng the” dân gian, cánh đàn ông vẫn nên tham khảo lời khuyên của các bác sĩ đông y. Đồng thời, các vị vẫn nên trị cho dứt điểm các bệnh vốn là nguyên nhân hàng đầu của bất lực như cao huyết áp, tiểu đường, bất lực… Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - (Trung tâm Nam học, Viện Chăm sóc và phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng) |