Tiếng chuông điện thoại reo liên hồi, anh đứng dậy, một tay vịn vào thành giường, tay kia chống lên đầu gối rồi bước tập tễnh từng bước một đến bên bàn điện thoại. Nhìn cách di chuyển khó nhọc của anh, khó ai có thể tin được người đàn ông khuyết tật này hàng ngày vẫn đều đặn vượt qua con dốc dựng đứng dài hàng trăm mét lên tận đỉnh Mã Yên Sơn trong suốt 28 năm qua. 

Anh là Nguyễn Đình Năm, làm nghề trông coi phần mộ vua Đinh Tiên Hoàng (một di tích trong quần thể di tích Cố đô Hoa Lư) trên đỉnh núi Mã Yên (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Chân dung Năm "gàn" trên đỉnh Mã Yên Sơn. Ảnh: PL&XH

Tôi biết anh Năm trong chuyến thăm cố đô Hoa Lư hai năm trước. Lần đó, nhóm sinh viên đại học chúng tôi sau khi thăm thú hết các ngóc ngách trong quần thể di tích đền thờ vua Đinh, vua Lê đều mệt nhoài, cả bọn sà vào một quán nước dưới chân núi Mã Yên để nghỉ. Lời giới thiệu của bà chủ quán nước về một nhân vật kì lạ tên gọi Năm "gàn" trông coi phần mộ vua Đinh trên đỉnh Mã Yên Sơn làm cho tất cả chúng tôi đều hiếu kì. Chẳng kịp nghỉ ngơi, cả bọn lại lục đục kéo nhau, lê từng bước nặng nhọc vượt qua 45 bậc đá dựng đứng lên đỉnh núi để rồi đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Lên núi để được… an ủi tinh thần

Sinh năm 1965, tuổi thơ của cậu bé Năm, cũng giống như biết bao đứa trẻ khác sinh ra và lớn lên trên vùng quê núi đá Hoa Lư nghèo khó này đều gắn liền với con trâu, ngọn cỏ. Sau mỗi buổi cắp sách tới trường, đầu đội chiếc nón rách, tay cầm liềm, nách kẹp một bao tải quấn vội, Năm lại theo chân đám bạn len lỏi lên những sườn núi đá cao chót vót tìm những mảng cỏ rừng tươi, non nhất cắt về làm thức ăn cho bò. Những chuyến đi như thế đối với Năm không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội du ngoạn, khám phá những vùng đất mới. "Hồi ấy núi Mã Yên là nơi bọn tôi thường lui tới nhất, vì trên đỉnh núi có phần mộ vua Đinh, lại có nhiều cây to, hang sâu. Cứ mỗi khi cắt cỏ xong, cả lũ lại nằm dài trên những tảng đá lớn ngủ. Ngay cả khi lớn, có gia đình những lúc buồn tôi vẫn thường một mình trèo lên núi, cứ nằm dài trên mỏm đá, gió lộng, không khí tĩnh lặng, thanh bình cảm thấy lòng rất thanh thản", anh Năm nhớ lại.

Thấy cậu con trai có tình cảm đặc biệt với núi Mã Yên, năm 1982 khi Ban quản lí quần thể di tích Cố đô Hoa Lư cần tuyển người trông coi di tích phần mộ vua Đinh Tiên Hoàng, bố mẹ Năm đã đồng ý để cậu con trai tình nguyện nhận công việc này. Từ đấy, hàng ngày từ 5h sáng, Năm đã thức dậy cơm đùm cơm nắm trèo lên núi. Công việc hàng ngày của anh là quét dọn sạch sẽ khu lăng mộ, thay nước, thắp nhang rồi đợi nếu có khách lên thì hướng dẫn, chỉ đường cho họ hành lễ. Khoảng 17h, khi mặt trời khuất dần sau những rặng núi, anh mới bắt đầu xuống núi về nhà nghỉ ngơi.

Trời cho nghỉ nhưng vẫn không thể nghỉ

Năm 1997, tai nạn bất ngờ ập xuống đầu anh Năm khiến anh từ một chàng thanh niên khỏe mạnh phải trở thành tàn tật suốt đời. Đó là một buổi sáng cuối năm khi ngoài trời gió bão đang vần vũ, như thường lệ, anh vẫn thực hiện cuộc hành trình lên núi của mình. Nhưng khi vừa lên đến gần đỉnh núi, một cơn gió to bất ngờ cuộn tới làm anh chới với, bậc đá bị nước mưa nhuộm ướt nhèm, trơn như bôi mỡ khiến những đầu ngón chân chai dày vốn quen với việc leo núi của anh, đã cố gắng bấm chặt xuống mặt đá vẫn cứ trơn tuồn tuột. Anh loạng choạng té nhào rồi cứ thế, toàn bộ cơ thể anh lăn lông lốc dọc theo triền đá với tốc độ lăn tự do. Rất may, một bụi cây dại mọc bên triền núi đã giữ được anh lại trước khi gờ đá thẳng đứng với độ sâu hàng trăm thước kịp thời nuốt chửng anh. Nhưng những cú va đập trên dốc đá khiến anh bị thương nặng, sau đó vết thương lành, sức khỏe dần hồi phục nhưng đôi chân anh cứ yếu, đôi bàn tay thì bị co rút, teo tóp. Từ một người khỏe mạnh anh trở thành tàn tật suốt đời.

Sau tai nạn, ai cũng nghĩ anh Năm sẽ "giải nghệ" không lên núi nữa. Bởi cứ nhìn vào đôi chân run rẩy, đôi bàn tay co rút của anh, đi trên mặt đất bằng phẳng đã là cả một vấn đề rồi chứ đừng nói đến chuyện vượt qua hàng mấy trăm mét dốc núi dựng đứng. Ấy vậy mà cái việc không ngờ đó đã xảy ra. Thời gian phải nằm dưỡng thương, nỗi nhớ đỉnh Mã Yên Sơn cứ thôi thúc mãi trong lòng anh đến không chịu nổi.

Ngay khi lành vết thương, dù sức khỏe còn yếu, anh đã bắt vợ chặt cho hai thanh tre già chắc chắn, rồi hàng ngày, với hai thanh tre ấy, anh đánh vật với sức khỏe, với cái cảm giác tê dại, co rút của đôi tay, đôi chân để tập đi. Đi thành thạo trên mặt đất, anh quyết định tập leo núi, và ngọn núi anh chọn cũng chính là Mã Yên Sơn. Sau mấy tháng trời tập luyện không biết mệt mỏi, anh đã chinh phục được đỉnh Mã Yên Sơn trong niềm vui khôn xiết: "Việc tập đi của tôi thì tất cả mọi người trong gia đình ai cũng ủng hộ. Nhưng đến khi thấy tôi tập leo núi, mọi người hiểu tôi quyết không từ bỏ đỉnh Mã Yên nên ai cũng hoảng.

Không lên được núi, càng thấy yếu

Sau một thời gian dài vắng bóng, người dân xã Trường Yên lại có cơ hội được nhìn thấy anh Năm "gàn" với công việc quen thuộc ngày nào. Trở lại với những chuyến leo núi, ngoài chiếc làn cũ đựng nước uống và những đồ dùng cần thiết cho cuộc sống một ngày trên núi, trong hành trang của anh Năm còn có thêm hai vật dụng mới,một là đôi gậy tre, hai là chiếc túi nhỏ đựng đầy những vỉ thuốc.
Cảnh vật Hoa Lư nhìn từ đỉnh Mã Yên Sơn. Ảnh: Báo Ninh Bình

Những di chứng của vụ tai nạn kinh hoàng vẫn không thôi hành hạ anh, những cơn đau, cơn co giật có thể bất ngờ tìm đến bất cứ lúc nào và những viên thuốc kia sẽ ứng cứu kịp thời cho anh mỗi khi cần kíp. Cơm trưa anh cũng không thể mang theo được nữa mà phải nhờ người nhà đưa. Dù thời gian đầu, không ít người hàng xóm cho anh là kẻ gàn dở (biệt danh Năm "gàn" của anh cũng xuất hiện từ thời gian này)  nhưng anh vẫn rất vui, vì cuối cùng, anh vẫn có thể tiếp tục thực hiện được cái niềm đam mê lớn nhất đời mình. Chỉ có một điều làm anh trăn trở nhất là tình cảm vợ chồng.

Anh bảo, khi quyết định quay lại với công việc cũ, anh đã có dự cảm trước về điều này nhưng vẫn không ngờ được tình hình lại diễn biến xấu và nhanh đến vậy. "Cô ấy là người ngăn cản tôi quyết liệt nhất. Ngay từ khi tôi chưa bị tai nạn, cô ấy đã không hài lòng lắm với công việc của tôi vì tôi làm việc không có lương, tất cả những gì tôi có được từ công việc này là lộc của những khách đến thăm viếng di tích. Khi thì hộp bánh, lúc thì nải chuối, oản xôi. Thi thoảng mới có người đặt tiền nhưng khách vắng lắm, trừ dịp lễ 3/3 âm lịch hàng năm ra, những ngày thường không có nhiều người lên núi. Đến khi tôi quay lại làm việc sau tai nạn thì mâu thuẫn vợ chồng đã thực sự căng thẳng. Cứ nhìn thái độ của cô ấy vào mỗi buổi sáng lúc tôi xách làn lên núi là tôi hiểu".

Hai năm sau ngày anh Năm bị tai nạn, ngay khi vừa sinh đứa con trai thứ 2 được chưa lâu, vợ anh ra nước ngoài trong một chuyến xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) rồi từ đó không bao giờ quay lại nữa. Người con trai lớn (sinh năm 1988) sau đó cũng đi theo mẹ còn lại hai bố con (cậu con trai út của anh sinh năm 1999) ở lại gồng gánh nuôi nhau. "Những ngày đầu mẹ nó bỏ đi, nó mang cơm cho tôi. Tối về hai bố con lại ôm nhau ngủ", anh nói với giọng buồn rầu.

Trái với những lần trước, chuyến ghé thăm đỉnh Mã Yên Sơn lần này của tôi đã không thấy anh Năm trên đỉnh núi. Chỉ có bà Dương Thị Sửu, mẹ đẻ của anh Năm làm công việc quét dọn lăng mộ thay con trai. Năm nay đã bước sang tuổi 86 nhưng mỗi khi anh Năm đau ốm, bà Sửu vẫn phải lên núi thay con. Từ đỉnh Mã Yên Sơn, tôi phóng thẳng xe đến nhà gặp anh. Vẫn vóc người gầy gò, vẫn dáng đi tập tễnh ngày nào, nhưng lần này trông anh Năm có vẻ xanh xao và hốc hác hơn. Mấy ngày gần đây anh đã không đủ sức leo núi đành nằm nhà nhờ mẹ đẻ lên thay. "Càng không được lên núi tôi càng thấy yếu. Mấy ngày nữa khi đỡ ốm tôi phải trở lại đỉnh núi thôi. Ở nhà không chịu được. Một mình bơ vơ trong căn nhà lạnh lẽo này, tôi sẽ chết vì buồn mất", anh nói, đôi mắt buồn rầu nhìn ra khoảng không ngoài cửa. Trong đôi mắt ấy, hình ảnh về đỉnh Mã Yên Sơn và khu lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng cứ sáng dần lên.

(Theo PL&XH)