- Trong khi phần lớn công chức ở Việt Nam có thói quen nhậu trưa thì hầu hết các nước phát triển đều không chấp nhận việc sử dụng chất kích thích trong bữa trưa.

TIN BÀI KHÁC:

Không cấm nhưng là quy tắc

Ông Kim Pilger, người Canada, giảng viên ĐH Rmit Việt Nam cho biết, người trong chính phủ Canada không thường xuyên sử dụng chất kích thích (bia, rượu) trong bữa trưa mặc dù điều đó không phạm luật. Chính phủ Canada không cấm, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Ví dụ như cảnh sát, quân sự, phi công, giáo viên, những người đang làm việc nguy hiểm, người trông trẻ... thì không khuyến khích sử dụng rượu, bia trong bữa trưa.

Ở các nước phát triển, người ta không chấp nhận sử dụng chất kích thích trong bữa trưa. Ảnh minh họa

"Những công ty ở Canada thường không đồng ý cho nhân viên sử dụng rượu, bia trong bữa trưa. Không sử dụng rượu bia là một phần của công việc. Điều ấy cũng giống như bản thân tôi, mặc dù chính phủ không cấm dùng chất kích thích trong bữa trưa nhưng bản thân tôi thì không dùng, đó cũng là quy tắc của Rmit", ông Kim nói.

"Thực tế, tôi không nghĩ rằng bất cứ công việc nào ở Canada có thể chấp nhận việc sử dụng rượu bia trong bữa trưa, ngoại trừ doanh nhân!", ông Kim nói thêm.

Ông Bhaskar Sen, người Ấn Độ, giảng viên ĐH Rmit Việt Nam cũng cho biết, người Ấn không chấp nhận việc uống rượu bia trong giờ hành chính.

Thông thường tất cả các tổ chức đều có quy định về việc không sử dụng chất kích thích trong giờ làm việc. Và bất cứ ai vi phạm đều bị kỷ luật như là một nội quy của công ty. Nhưng trong một số trường hợp bạn phải chấp nhận, ví dụ như một giám đốc người nước ngoài sử dụng rượu bia trong bữa ăn như một phần của món ăn và điều ấy đã thành thói quen ăn uống rất khó bỏ của họ. Chúng có thể là những thứ lặt vặt trong tủ lạnh của họ. Chính vì vậy cần phải chỉ rõ ràng tới các nhân viên rằng sử dụng chất kích thích trong giờ hành chính là một hành vi sai trái và bất kỳ ai vi phạm đều phải chịu hình phạt từ nội quy.

"Tất cả đều phụ thuộc vào văn hóa của từng tổ chức nơi bạn đang làm việc. Tôi đã từng đối mặt với những vấn đề tương tự nơi tôi đang công tác (vấn đề sử dụng rượu bia trong giờ hành chính). Một số nhân viên ngoại quốc gần như là những người giỏi nhất đến làm việc tại Ấn Độ có thói quen sử dụng rượu bia trong bữa trưa. Và chúng tôi đã phải ngoại giao với họ một cách mềm dẻo để giải quyết vấn đề này", Partho, một người Ấn Độ cho biết thêm.

"Làm việc ở Mỹ cần ý thức được rằng sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc là hành động không được chấp nhận. Tôi thấy một số tổ chức còn khuyến khích không sử dụng rượu bia trong và cả sau giờ làm việc. Đặc biệt là những công ty nơi mà công nhân thường xuyên làm việc trong nguy hiểm hoặc dễ xảy ra tai nạn.

Tôi cho rằng trách nhiệm lớn thuộc về những giám đốc điều hành và giám đốc quản lý. Họ cần làm gương cho nhân viên thấy rằng họ thực hiện những quy định của công ty một cách nghiêm ngặt. Và hơn nữa, nhân viên cũng cần chỉ rõ trách nhiệm của giám đốc nếu phát hiện ai đó làm trái quy định của công ty", một du khách tên Paladin cho biết.

Công chức ở Việt Nam quá nhàn?

Chị Mayumi Utsunomiya, người Nhật Bản, đã từng sống ở Việt Nam 2 năm cho biết ở Nhật Bản nếu phải làm việc buổi chiều thì chắc chắn người ta không uống rượu bia. Điều đó là không chấp nhận được.

"Người làm công sở thường không có nhiều thời gian để ăn trưa. Chỉ khoảng 30 đến 40 phút thôi. Phụ nữ Nhật thường mang hộp cơm để tiết kiệm và đảm bảo sức khỏe. Đàn ông thì hay đi ăn ngoài hơn. Nhưng hầu như mọi người đều vào siêu thị mua cơm hộp sau đó mang về văn phòng ăn", chị Mayumi nói.

"Theo tôi thì thói quen ăn trưa của người Việt Nam thoải mái hơn. Còn thông thường các công ty ở Nhật Bản chặt chẽ nên người ta phải ăn nhanh", chị Mayumi nói thêm.

Anh Nguyễn Nam, một cán bộ làm việc ở Bộ Ngoại giao, am hiểu về văn hóa ăn trưa ở nhiều nước trên thế giới cũng cho biết, công chức các nước rất ít sử dụng rượu bia trong bữa. Sở dĩ người Việt có thời gian la cà nhậu nhẹt buổi trưa cũng một phần vì công việc còn nhàn rỗi.

"Anh bạn người Nhật Bản là bạn của tôi nhận xét thế này, làm công chức ở Việt Nam quá nhàn, kiếm tiền quá dễ. Chứ ở Nhật Bản, chỉ cần anh nghỉ giải lao ra hành lang hút thuốc thôi, sếp nhìn thấy đã chỉ vào mặt ngay mà nhắc "anh rảnh đến mức vẫn còn thời gian hút thuốc cơ à", anh Nam kể.

La Hoàn