Những “cụ tổ” của thế hệ thuốc hỗ trợ tình dục hiện đại như Viagra, Levitra...
đã tồn tại ở Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm dưới cái tên khá mỹ miều “xuân
dược”, chủ yếu lưu hành trong cung đình, giới quý tộc.
Đó là những phương thuốc được bào chế từ động - thực vật hoặc khoáng vật có khả
năng tăng cường khoái cảm, thúc đẩy nhu cầu tình dục ở nam lẫn nữ. Xuân dược trở
thành một trong những nội dung chính yếu của “phòng trung bí thuật”, tức thuật
phòng the của Trung Quốc cổ đại.
Chết vì xuân dược
Chứng tích cổ nhất là những tác phẩm Tạp liệu phương, Dưỡng sinh phương từ đời Hán (thế kỷ I trước Công nguyên) được khắc trên thẻ tre, tìm thấy ở đồi Mã Vương, tỉnh Hồ Nam, trong đó có chép những phương thuốc gọi là “nội gia” (thuốc tráng dương dành cho nam) và “dược” (thuốc tráng âm dành cho nữ).
Những phương thuốc này chia làm hai loại uống trong và dùng ngoài. Uống trong là sắc uống, nghiền uống, nhiều phương thuốc còn lưu truyền đến nay như Ích đa tán, Thốc kê tán... hầu hết có công dụng cường dương rất mạnh; dùng ngoài là nước thuốc dùng ngâm rửa bộ phận sinh dục, như Linh nam tử âm đại phương, Linh nữ ngọc môn tiểu phương... có tác dụng kích thích nhất định.
Thận tuất giao còn gọi là Tục huyền giao, là phương xuân dược cổ nhất được
biết ở Trung Hoa nhưng thành phần của thuốc không ai rõ. Trong Triệu Phi Yến
ngoại truyện có nói rằng “uống một viên Thận tuất giao có thể làm tăng thêm một
lần giao hoan”.
Nhưng oái oăm, hầu hết các phương xuân dược bào chế của Trung Hoa cổ đại đều có
độc tính, nếu lạm dụng có thể nguy hại đến tính mạng.
Cái chết của Hán Thành Tổ Lưu Ngao (thế kỷ I trước Công nguyên) không có gì ghê gớm nhưng đây là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa băng hà vì lạm dụng xuân dược để đáp ứng nhu cầu tình dục được chép vào chính sử (Tư trị thông giám của Tư Mã Quang). Lưu Ngao mê đắm nhan sắc của hai chị em ruột Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức, lập làm hoàng hậu và chiêu nghi.
Chị em họ Triệu này sử dụng một loại xuân dược gọi là Hương cơ hoàn khiến cho
da dẻ lúc nào cũng thơm tho, mịn màng, hừng hực xuân sắc, khiến vua không thể tự
chủ được.
Hán Thành Tổ - vị vua đầu tiên chết vì xuân dược. |
Nhưng tác hại của loại xuân dược này là cả hai phi đều không có con. Vì thế, cả hai điên cuồng tìm mọi cách để giết những phi tần có thai, thậm chí giết luôn cả hai hoàng tử mới ra đời của Hứa mỹ nhân và Tào cung nữ. Dù vậy, cả Triệu Phi Yến lẫn Triệu Hợp Đức đều được hoàng đế Lưu Ngao sủng ái.
Sử sách nhận xét ông vua này “yêu mỹ nhân hơn yêu quốc gia”, chỉ cần nhìn thấy Triệu Phi Yến múa hoặc nắm được chân của Triệu Hợp Đức là vua hăng hái tinh thần, vui cuộc truy hoan, không còn đoái hoài gì đến xã tắc nữa. Về sau, Lưu Ngao tinh lực ngày càng suy giảm, hai chị em họ Triệu nhờ thuật sĩ luyện xuân dược cho vua.
Đó là Xuân tuất giao - một thứ đan dược luyện trong lửa đúng 100 ngày mới thành, sau đó cho thuốc vào lu nước lớn, nước sôi lên ùng ục, đổi nước mới, qua 10 ngày như vậy mới uống, công hiệu như thần, giao hoan không biết mệt. Lưu Ngao và chị em họ Triệu rất vui nhưng thuốc dần dần mất tác dụng, vua phải uống tăng liều lên mãi.
Một đêm, Triệu Hợp Đức uống say, ép hoàng đế uống cả 10 viên một lúc để mạnh gấp 10, không ngờ vua uống xong thì hôn mê, “tinh khí thoát ra ướt cả long sàng”, sau đó chết ngay không kịp trăng trối.
Vương thái hậu cùng triều thần nghị luận, khép Triệu Hợp Đức vào tội “thí
quân” (giết vua), bắt phải tự sát. Cháu Lưu Ngao là Lưu Hân lên ngôi, tức Hán Ai
Đế; Triệu Phi Yến vẫn được tôn làm hoàng thái hậu. Sáu năm sau, Ai Đế qua đời,
đại tư mã Vương Mãng ghép Triệu Phi Yến vào tội sát hại hoàng tử, bức phải tự
sát.
Xuân dược cũng là đan dược
Từ cuối đời Đông Hán, các phương sĩ chuyên về thuật trường sinh bất lão hình thành Kim đan đạo. Đại biểu là Ngụy Bá Đương, ông hợp nhất Chu Dịch, Hoàng Lão, luyện đan, viết thành tác phẩm Chu Dịch tham đồng khế có ảnh hưởng rất lớn. Kim đan đạo độc tôn đan đạo, phản đối các phương thuật khác, cho rằng thuật phục khí, lập đàn cúng tế là đi ngược với đạo, chỉ có uống kim dịch hoàn đan (thuốc chế từ đan sa, vàng, các loại đá…) mới có thể phản lão hoàn đồng.
Kim đan chia làm thượng dược, trung dược và hạ dược. Các loại Cửu chuyển hoàn đan, Thái ất kim dịch là thượng dược, uống vào có thể thành tiên; vân mẫu, hùng hoàng là trung dược, uống vào có thể trường sinh, khiến được quỷ thần; các thứ thuốc luyện từ cây cỏ là hạ dược, chỉ có thể trị bệnh, kéo dài tuổi thọ chứ không thể trường sinh.
Đến thời Ngụy - Tấn (thế kỷ III - IV), rất thịnh hành thuật luyện đan và uống
kim đan, trong đó nổi tiếng nhất là các phương dược Ngũ thạch tán, Hồi long
thang... Nguyên liệu luyện đan thời kỳ này có các loại khoáng thạch, hùng hoàng,
tằng thanh, tiêu thạch, vân mẫu, nam châm, sắt, muối, thiếc… Sang đời Nam triều
có đạo sĩ - lương y Đào Hoằng Cảnh (456-538) lừng danh, gọi là “tể tướng trong
núi”, được Lương Vũ Đế ban tặng vàng, chu sa… để luyện đan. Ông viết Hợp đan
pháp thức, Kim đan tiết độ, Phục nhị luyện đan, Dưỡng tính diên mệnh lục… có
nhiều cống hiến về hóa học, thảo dược học.
Thịnh hành khắp thế giới Thời Trung cổ, ở châu Âu cũng thịnh hành xuân dược, những tài liệu cổ khuyên nam giới nên ăn cá nước mặn, còn nữ giới ăn cá nước ngọt. Ngoài ra, còn có rất nhiều thứ khác liên quan đến tình dục theo quan niệm của
người xưa nhưng do nền văn hóa khác nhau nên thể hiện khác nhau, như nam giới
châu Mỹ thường đeo những chiếc bùa hộ thân làm theo hình dương vật hoặc những
vật trang sức bằng sừng bò; đàn ông châu Á thì thích ăn lươn vàng, lộc nhung… |
(Theo NLĐ)