- Người tiêu dùng đang ngày ngày bị móc túi, người bán cứ tự do tung hỏa mù còn cơ quan chức năng thì chẳng thấy ai làm động tác giám định, cảnh báo hành vi buôn bán gian dối, lừa đảo người tiêu dùng.


Gạo nồng nặc mùi nilon


Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Duy Mạnh, đang là sinh viên trú tại ngõ 88 phố Giáp Nhị, P. Thịnh Liệt, Q. Hoàng Mai đã mua nhầm phải loại gạo lạ. Loại gạo này trông bề ngoài cũng giống như gạo thật, dài, to, màu trắng đục, nhưng khi vo gạo và nấu, không có mùi thơm mà chỉ có mùi ni long xen kẽ mùi nhựa tổng hợp, không thể ăn được.

Được biết, gạo này có hình dạng dài và to hơn các loại gạo bình thường, gạo có màu trắng đục và bề ngoài bóng bắt mắt. Ngoài ra, gạo này không có mùi thơm đặc trưng của cám gạo, mà có mùi "lạ", gần giống như mùi nhựa.

Khi nấu chín, cơm không như các loại gạo bình thường các hạt gạo rời rạc bất thường. Thay vì mùi thơm của cơm, cả nồi nồng nặc mùi nilon, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi và không thể ăn. Mặc dù, cơm nấu để 4 ngày nhưng không có dấu hiệu thiu như gạo bình thường khác mà chỉ bị mốc.

Trước đó, hiện tượng gạo giả đã xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh khi phát hiện một loại gạo có hình dạng thon dài, màu vàng ngà đều tăm tắp, không hạt nào gãy đôi hay sứt mẻ, có dấu hiệu đàn hồi như được làm từ cao su. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên dùng gạo lạ vì có nguy cơ gây hại sức khỏe.

Móc túi người tiêu dùng bằng xăng dỏm

Xăng giả đã được phát hiện tại nhiều nơi trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bắc Giang,...Hóa chất được pha vào xăng A92 là methanol (CH3OH) với hàm lượng 20-30%.
h


Xăng dỏm, pha chế theo “công thức” xăng A92 với methanol, được bán ở một số cây xăng tự phát, “cây xăng cục gạch” làm ăn gian dối. Theo các chuyên gia, xăng dỏm rất độc cho sức khỏe và môi trường, làm động cơ xe mau hỏng.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, xăng A92 đã bị pha chế với methanol giúp những người bán xăng lời thêm 4.000-6.000 đồng/lít. Loại xăng dỏm này đang được tiêu thụ khá nhiều tại TP.HCM, Hà Nội mà bất kỳ ai đổ xăng lẻ đều có thể sập bẫy.

Theo tìm hiểu của nhóm PV báo Tuổi trẻ, do ham rẻ, những người nhận mối xăng có thể biết hoặc không biết phần lợi mà họ thu được từ loại xăng dỏm này chỉ bằng một góc mà người bỏ mối cho họ thu được. Mỗi lít xăng pha chế với methanol, sau khi trừ chi phí 4.000-5.000 đồng, có thể lời đến 6.000 đồng/lít. Mỗi ngày, dân bỏ mối chỉ cần giao trên 300 lít xăng có thể đút túi hơn 1 triệu đồng chỉ sau một vài giờ giao hàng.

Tiêm thuốc cấm cho lợn siêu nạc

Vì hám lợi, người chăn nuôi đã sử dụng hóa chất không chỉ để “thổi” trọng lượng mà còn phù phép cho heo nở mông, vai, tạo nạc bắt mắt nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Loại hóa chất được sử dụng để thổi trọng lượng cho lợn siêu nạc là một chất cấm trong chăn nuôi. Khi heo nuôi bằng cám ăn thẳng được khoảng 80 kg đến 100 kg là đến lúc họ bắt đầu sử dụng “thần dược” siêu nạc. Loại hóa chất này không hề có nhãn mác, dạng bột màu trắng được các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở địa phương bán lẻ với giá 500.000 đồng/kg.

Hóa chất này có tác dụng “biến” một con heo đang gầy gò thành một con heo mông vai căng tròn. Đặc biệt, "thần dược" còn có tác dụng “đánh tan” mỡ heo ở mông vai, biến mỡ thành những thớ thịt nạc dày đến tận da làm các lái heo không thể chê vào đâu được, hớp hồn người tiêu dùng ngay ở quầy thịt heo, tạo sức hút vô hình những tay thợ làm giò chả chuyên nghiệp.

Được biết khi được dùng thần dược, mỗi chú lợn có thể tăng 2 kg mỗi ngày.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN cho biết ăn thịt siêu nạc bị loạn nhịp tim, run cơ, rối loạn tiêu hóa...

Người tiêu dùng đang ngày ngày bị móc túi, người bán cứ tự do tung hỏa mù còn cơ quan chức năng thì chẳng thấy ai làm động tác giám định hành vi buôn bán gian dối, lừa đảo người tiêu dùng. Chỉ đến khi sự việc bị phanh phui, cơ quan chức năng mới bắt tay vào xử lý!
K. Minh (tổng hợp)
Tại sao đạo đức kinh doanh lại ngày càng xuống cấp như vậy? Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm ra sao trước những sự việc này? Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình như thế nào? Mời độc giả chia sẻ ý kiến theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc hòm thư doisong@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!