- Hiện nay, bố mẹ đầu tư “khủng” cho con cái học hành là điều dễ thấy, họ đặt áp lực quá lớn đối với những đứa trẻ, thế nên một bài điểm kém của con cũng khiến họ phản ứng mạnh theo nhiều hướng khác nhau…

Đổ lỗi tại nhà trường

Theo lời kể của cô Thủy, giáo viên một trường tiểu học, bé Minh học lớp 2, lực học trên lớp cũng khá, trong một lần kiểm tra toán, Minh do không cẩn thận nên đã nhận về điểm 3. Ngay ngày hôm sau, mẹ bé Minh đã đến tận trường, đòi gặp hiệu trưởng với vẻ mặt vô cùng tức giận. Giáo viên chủ nhiệm của Minh ra tiếp chuyện thì chị Lan mắng xối xả vào mặt: “Chị dạy dỗ con tôi như thế à?”.  Mặc cho bao nhiêu người xung quanh đang nhìn, bé Minh thì đang khóc dưới chân mẹ, chị Lan vẫn nói những lời xúc phạm cô giáo của con trai mình. “Phụ huynh bây giờ họ không tôn trọng giáo viên như xưa đâu, con học kém đi họ chỉ biết đổ lỗi cho nhà trường mà không quan tâm tới cách dạy con của chính gia đình họ” – cô Thủy chia sẻ. Dường như nhiều bậc phụ huynh quá tin tưởng vào lực học của con mình, để đến khi phát hiện con bị điểm kém thì họ lại quay sang phía nhà trường trách móc.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ con mình bị điểm kém là do thầy cô.

“Chúng tôi đi làm cả ngày, bận rộn như thế, lấy đâu ra thời gian mà dạy con học bài, nhà trường là phải có trách nhiệm dạy cả kiến thức lẫn văn hóa cho cháu” – Anh Phong, phụ huynh của bé Dương chia sẻ, theo lời anh Phong, Dương học rất giỏi, bố mẹ không phải phàn nàn nhiều, đã từng giành được nhiều giải thưởng của trường… nhưng để có được kết quả như thế anh chị đã tốn bao công sức để con được vào những lớp có chất lượng tốt. “Cháu học rất giỏi, chưa bao giờ bị điểm kém, mà nếu có bị điểm kém thì cũng do trình độ của thầy cô giáo chưa tốt” – anh cười nói.

Nhiều gia đình dồn hết trách nhiệm dạy con cho nhà trường, trong khi họ không hiểu rằng chính bố mẹ mới là những người có ảnh hưởng lớn tới tâm, sinh lý của trẻ. Khi con bị điểm kém, bố mẹ nên tìm cách động viên để trẻ cố gắng hơn thay vì đổ lỗi cho nhà trường.

Phạt nặng khi con bị điểm kém

Chị Hà, có con gái đang học lớp 6, một hôm khi cả nhà đang ngồi xem ti vi, chị thấy đứa con gái rón rén lại gần, mặt cúi gằm, đằng sau có giấu cái gì đó, chị Hà hỏi có chuyện gì thì Trang mới từ từ đưa tờ bảng điểm cho mẹ xem và lí nhí nói: “Cô giáo dặn là phải có chữ kí của phụ huynh ạ”, chị cầm tờ bảng điểm trong tay được vài giây thì đứng phắt dậy, cầm tay đứa con gái lôi vào phòng, sập cửa lại và hỏi dồn dập: “Sao lại chỉ được 7 điểm môn Toán, mẹ đã dặn là phải ôn kĩ cơ mà, con học hành kiểu gì đây?, trong lớp có nhiều bạn bị điểm 7 không?”

Trang im re một hồi lâu, nước mắt đã rơm rớm, biết thế nào mẹ cũng nổi giận nên Trang lắp bắp: “Con xin lỗi, mẹ đừng đánh!”. Chị Hà không nén nổi tức giận, đầu tư biết bao nhiêu tiền bạc cho con học hành mà lại chỉ được 7 điểm là điều chị không chấp nhận được, chị chỉ tay ra chiếc bàn học và nói với giọng khó chịu: “Ra kia ngồi chép lại bài 10 lần cho mẹ, chưa xong thì đừng đi ngủ. Nhanh”.

“Làm tốt thì thưởng, còn làm sai phải phạt chứ, có thế cháu mới cố gắng vươn lên được” – Bác Toàn nói. Gia đình bác có con đang học lớp 10, cô con gái học lớp chọn này là niềm tự hào của hai bác, đi đâu hai bác cũng được khen là có con vừa ngoan lại học giỏi. Thế nên Mi luôn phải cố gắng để nhất nhì trong lớp, sau khi báo điểm thi học kì 1 năm lớp 10, Mi đứng nhất lớp, bác Toản đã quyết định mua tặng con gái 1 chiếc máy tính và nối mạng để con tiện tra cứu tài liệu.

Nhưng sau khi có máy tính, Mi dành nhiều thời gian để lang thang trên mạng nghe nhạc, xem phim…nên lực học giảm sút, trên bảng điểm bắt đầu xuất hiện những điểm 4, điểm 5. Sau khi biết con bị điểm kém, bác Toàn lập tức cắt mạng và không cho phép Mi động đến máy tính và tệ hơn nữa là cấm xem ti vi, nhiều lần bác ở cơ quan về đột xuất, nghe tiếng khóa mở cổng là Mi vội tắt ti vi và vọt lên phòng ngồi vào bàn chỉnh tề. Trong bữa cơm nào bác cũng lôi chuyện bị điểm kém ra để mắng mỏ, Mi chỉ biết cúi gằm mặt xuống bát cơm, nước mắt cứ rơi.

Các bậc cha mẹ hãy để cho con trẻ được sống hồn nhiên, đừng dùng đòn roi hay những sự cấm đoán để ép con học tập, điều đó chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi và lo lắng khi nhận về điểm kém. Thay vì đổ lỗi tại nhà trường hay do con chưa thật sự chăm chỉ thì bố mẹ hãy nghĩ đến cách giáo dục và cư xử của mình trước đã.

(tên nhân vật đã được thay đổi)

Nguyễn Nhung