- Uống thuốc ngủ tự sát nhưng được người thân phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời, M. thoát khỏi lưỡi hãi tử thần nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn lại mãi. Hai năm trôi qua kể từ cái lần dại dột ấy, chưa bao giờ M. có được một giấc ngủ trọn vẹn.


Ám ảnh cả cuộc đời

Sống trong cảnh bố mẹ luôn mâu thuẫn, cãi vã, Nguyễn Thị Hồng M. (học sinh lớp 10, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội), bình thường đã là người ít nói, ít giao tiếp với bạn bè.

Khi mẹ phát hiện bố có bồ nhí ở bên ngoài, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến bố mẹ M. quyết định ly hôn. Bố M. bắt em phải lựa chọn ở với bố hoặc mẹ nên M. ức chế tinh thần, em nghĩ quẩn nên đã uống thuốc ngủ tự tử.
 

Ảnh minh họa

May mắn vì bố thức giấc, phát hiện M. nằm bất động bên lọ thuốc ngủ đã uống hết hơn một nửa. M. được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê phải thở máy và lọc thận. Sau 4 ngày điều trị, M. cũng được xuất viện.

May mắn thoát khỏi cái chết, sức khỏe thể chất của M. đã bình phục nhưng những ám ảnh về vụ tự tử vẫn luôn đeo bám em.

Trở về nhà sau khi nằm viện, M. không muốn đến trường vì sợ bạn bè biết chuyện mình tự tử sẽ xấu hổ. Cứ có khách lạ đến nhà là em lại khóa trái cửa nhốt mình trong phòng không chịu gặp ai.

Hai năm trôi qua kể từ cái ngày dại dột ấy, M. chưa bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn. Đi học vẫn thui thủi một mình một góc. Thỉnh thoảng nhìn thấy viên thuốc hình hài giống viên thuốc ngủ M. lại run cầm cập, mồ hôi toát đầy sống lưng.

M. phải đến gặp bác sĩ tâm lý hàng tháng, thỉnh thoảng lại phải nhờ thuốc an thần để đưa mình vào giấc ngủ, không biết đến bao giờ cuộc sống của M. mới trở lại bình thường.

Hành động dại dột không cướp đi mạng sống của M. nhưng nỗi ám ảnh thì còn lại mãi.

Và những hậu quả không thể tưởng tượng

Cứ tưởng rằng chết là hết, nhưng đâu có thế, người ra đi thì cứ ra đi còn người ở lại phải gánh chịu nỗi đau, nỗi ám ảnh. Ngay cả những người may mắn được cứu sống, họ vẫn phải chịu những tổn thương nhất định cả về mặt tâm hồn lẫn thể xác.

Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trung tâm phòng chống khủng hoảng về tâm lý cho biết hậu quả tự tử liên quan trực tiếp đến con người, phá hủy con người chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế, vật chất.

Với bản thân người tự tử nhưng may mắn thoát chết thì có hai khả năng: một là bị stress, hai là để lại dị tật và di chứng. Thông thường người tự tử hụt đều để lại những di chứng khá nặng nề. Di chứng về mặt thể chất như liệt, nhiễm trùng máu, rất nhiều hậu quả phụ thuộc vào phương tiện mà họ dùng để tự tử. Nhưng di chứng nghiêm trọng hơn là về mặt tâm lý, nó giống như một vết cắt trong não họ, ám ảnh họ và nếu không được hỗ trợ thì đôi khi hành động tự tử sẽ bị lặp lại. Cuộc sống mất hạnh phúc và bệnh tật.

Với gia đình, nỗi đau nào có thể so sánh khi nuôi con mười mấy hai mươi năm trời đùng một cái mất con.

Và ngay cả nhóm bạn chơi với người tự tử, chứng kiến vụ tự tử cũng bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Đó là cú sốc, thậm chí nó tạo cho các em sự đau khổ, hoảng sợ, có thể là bắt chước hành động tự tử của bạn.

Điển hình là cái chết của đôi tình nhân "đũa lệch" treo cổ tự tử trong phòng trọ ở khu phố 13, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, Đồng Nai xảy ra đầu tháng 3/2012. Ngay sau đó, những công nhân trọ tại dãy nhà này đã lần lượt dọn đi. Lý do là họ luôn bị ám ảnh bởi cái chết của đôi uyên ương "đũa lệch" chung tình này. Các nữ công nhân yếu bóng vía thường tự hoảng loạn và mất ngủ, vì vậy họ chuyển đi nơi khác.

"Ngoài ra còn có hậu quả về kinh tế. Mọi người nghĩ đơn thuần là tự tử chẳng tốn kém gì nhưng thực ra cứu chữa cũng tốn rất nhiều tiền của. Có người mất sức lao động hoàn toàn, có người tự tử xong liệt, không có khả năng kiếm tiền", bà Điệp nói.

Tự tử không đơn thuần là việc của cá nhân, mà nó còn ảnh hưởng đến xã hội. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội, xét ở một khía cạnh khác, nếu chúng ta không phòng tránh tốt thì hành vi tự tử của các bạn trẻ có thể bị lặp lại. 

Ý kiến học sinh: Bạn từng có ý định tự tử?
1. Trần Anh Vũ - HS lớp 9: “Em từng có ý nghĩ tự tử, ngay cả bây giờ…”

Ý nghĩ tự tử trong em nhiều nhất vào năm học lớp 8 vì em phải học hành quá vất vả, lại bị bố mẹ mắng mỏ suốt. Bố mẹ chỉ bắt em học. Hầu như em không thể nói chuyện với bố mẹ. Em đã định cầm dao cứa vào cổ tay hoặc đập đầu vào tường. Ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng em vẫn có thoáng qua suy nghĩ ấy.

2. Nguyễn Minh Lâm (15 tuổi - Hà Nội): Em có ý nghĩ tự tử từ năm lớp 6:

Em từng có ý nghĩ tự tử năm em học lớp 6. Vì bố mẹ quá quan trọng điểm số, cứ ngày nào em đi học về cũng bị hỏi điểm khiến em vô cùng ức chế... Em nghĩ ngay trong lớp em cũng có các bạn từng có ý nghĩ ấy, giống như em. Khi có chuyện buồn mà nghĩ tiêu cực một chút, như là bị mọi người bỏ rơi, cảm giác cô đơn... hay các bạn có hoàn cảnh như bố mẹ chia tay hoặc hay cãi nhau thì cũng có thể nghĩ đến chuyện này.

Q.Anh ghi  

La Hoàn