Thông thường một nhóm có 3 người, một người đẩy xe, một người cầm micro nghêu
ngao hát và một người cầm kẹo đến mời khách mua hoặc “ngả nón” xin tiền ủng hộ
của các khán giả bất đắc dĩ.
Gánh hát đường phố
Thời gian gần đây, trên những con phố của Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều những gánh hát di động do vài 3 thanh niên cùng nhau lập nên để đi hát rong kiếm tiền. Đặc biệt, vào buổi tối những gánh hát này hoạt động càng nhộn nhịp, nhất là ở những khu vực quán ăn hay các tụ điểm nhiều người đến ngồi uống cà phê.
Đồ nghề của gánh gát nhìn qua cũng rất đơn giản, chỉ một chiếc xe đẩy, bên trên đặt một chiếc loa to chạy bằng điện của bình ắc quy, chiếc loa chính là công cụ để các thành viên trong gánh hát thay nhau thể hiện giọng hát qua micro.
Qua vài sự giới thiệu, tôi gặp được anh chàng Hồ Quang chuyên hành nghề hát rong trên đường phố ở Hà Nội . Sinh ra ở vùng quê đồng chiêm trũng Hà Nam, sau khi học hết cấp 3, không thi đỗ đại học, Quang đã phiêu dạt lên Hà Nội để kiếm việc làm ăn. Quang nổi tiếng là một trong những thanh niên đầu tiên xây nên “đế chế hát rong” và cũng là một trong những ca sĩ đường phố có giọng hát “mượt mà” nhất trong giới đồng nghiệp.
Chỉ với một chiếc loa đặt trên xe đẩy cùng bộ ắc quy, các ca sĩ đường phố dễ dàng di chuyển đi khắp các con phố để hát rong bán kẹo, kiếm tiền. |
Thông thường một nhóm có 3 người, một người đẩy xe, một người cầm micro nghêu ngao hát và một người cầm kẹo đến mời khách mua hoặc “ngả nón” xin tiền ủng hộ của các khán giả bất đắc dĩ. Đồ nghề của mỗi nhóm hát rong đắt tiền nhất là ở chiếc loa thùng loại to để phát đươc âm thanh cỡ lớn, thu hút sự chú ý của mọi người. Cộng thêm những đồ lặt vặt tất cả chi phí khoảng 5 triệu đồng, chia đều ra cho mỗi thành viên trong nhóm đóng góp.
Hát theo yêu cầu và…hát “nhép”
Vì đối tượng khách hàng hướng đến phần lớn thuộc tầng lớp người trẻ, nên các gánh hát rong đường phố phải luôn làm mới mình bằng việc “cập nhật” liên tục những bài hát đang ăn khách trên thị trường âm nhạc. Điều này đồng nghĩa các giọng ca cũng phải bỏ thời gian để chọn lọc và tập luyện ở nhà trước nếu không muốn bị quên lời hoặc hát sai lời.
Để có thể bám trụ được với nghề hát rong, mỗi một ca sĩ trong gánh hát ngoài việc thể hiện tốt các bài “tủ” của mình, cần phải biết “quan hệ công chúng”, tùy cơ ứng biến theo yêu cầu của khách hàng nếu muốn bán được hàng và nhận được những đồng tiền bo hào phóng từ hầu bao của các vị thượng khách. Bình thường có người chỉ "ủng hộ" 5.000 - 7.000 đồng nhưng có nhiều nam thanh niên đi cùng bạn gái sẽ “mạnh dạn”, chi hẳn 50.000 – 100.000 là chuyện bình thường như cơm bữa.
“Có lần đi hát trên phố cổ, có ông khách yêu cầu em hát cho nghe một bài nhạc Trịnh. Chiều lòng khách em liền ca luôn một “liên khúc” nhạc trịnh khiến vị khách này thích thù và hào phóng bo cho hẳn 500.000 đồng”, Hồ Quang kể lại.
Để có thể bám trụ với nghề hát rong cần phải biết chiều khách và có những thủ thuật riêng. |
Khi tôi hỏi về việc có gánh hát rong chỉ có một người hát chính tới hơn chục bài hát mà không nghỉ thì lấy hơi sức đâu, Quang tủm tỉm cười ranh mãnh: “Đấy là người ta không biết thôi, chứ thằng nào đi hát rong cũng phải thu âm trước đến vài chục bài, lúc nào thấy mệt thì bật lên rồi vờ cầm micro để hát, chứ sức đâu mà gào thét cả ngày, cả đêm như thế. Đi bộ khắp phố cũng đủ mệt mỏi lắm rồi. Ngoài ra, mỗi thành viên khi đứng hát rong cũng phải có một chút "vũ đạo" để tránh nhàm chán khi biểu diễn".
Hát rong thu bạc triệu
Mới nhìn tưởng nghề hát rong cũng là để kiếm miếng ăn qua ngày, công việc tạm thời của những đám thanh niên thất nghiệp thế nhưng khi nghe Hồ Quang nói tôi hoàn toàn bất ngờ về mức thu nhập cực kỳ “khủng” của một gánh hát đắt hàng.
“Một gánh hát rong kèm bán kẹo cao su với giá 10.000 đồng/vỉ, trong khi vốn
bỏ ra chỉ 3000 đồng/vỉ. Nếu chỉ tính riêng về đêm, thời gian đi bán từ 19hh đến
23h30 ra về, trung bình một đêm lời 1.500.000 đồng. Có gánh hát đêm bán đến gần
400 vỉ kẹo cao su lãi hơn 3 triệu đồng, chưa tính khách bồi dưỡng thêm.”, Quang
kể.
Cứ thế nhân lên, 1 tháng làm việc đều đặn của một gánh hát thu hàng chục triệu
đồng là chuyện quá đối bình thường. Đem chia đều ra, mỗi người cũng có hơn một
chục triệu, hơn rất nhiều lương của một kỹ sư lành nghề.
Nghề hát rong tưởng như bình thường nhưng đem lại thu nhập "khủng". |
Ấy vậy, cái nghề hát rong đôi lúc cũng gặp những khó khăn, gặp phải hôm trời
nổi cơn mưa bão thì chỉ có nước nghỉ việc nằm nhà hoặc chẳng may Công an “sờ
gáy” rất dễ bị tịch thu đồ nghề. Đặc biệt, các ca sĩ rất hay phải tiếp xúc với
các “ma men” ở quán ăn, không cẩn thận sẽ phải gánh những trận đòn oan uổng chỉ
vì những lý do như “nhìn ngứa mắt, hát quá to…”.
Địa bàn của các gánh hát cũng được phân chia rõ ràng, mỗi nhóm chỉ được hoạt
động trong một phạm vi nhất định chứ tuyệt nhiên không được đi quá “giới hạn”
tranh giành khách của nhau. Vì nếu đã có một nhóm hát đi qua hát rong bán kẹo,
xin tiền khách thì nhóm đi sau có hát bở hơi tai cũng chẳng nhận được đồng nào
nữa
(Theo Infonet)