Không có móng được chôn chặt dưới đất, đứng phía dưới ngửa cổ nhìn lên có thể trông thấy cả nền nhà, người yếu bóng vía, chỉ nhìn không đã thấy toát mồ hôi, thế mà, ít có ai biết rằng, trong căn phòng lơ lửng ấy lại là nơi sinh sống của rất nhiều hộ dân...

Đi vệ sinh cũng phải... xin phép

Trong căn phòng có chuồng cọp đua ra bao gần kín khoảng không gian giữa hai khu nhà trong khu tập thể Cao su Sao Vàng (Thanh Xuân - Hà Nội) ít ai biết rằng đó lại là nơi sinh sống của 3 thế hệ trong gia đình anh Thiện và chị Hoan.

Theo chị Hoan, 20 năm về trước, khi mới về làm dâu, căn phòng tập thể với diện tích 16m2 là nơi sinh sống của cả một đại gia đình gồm: bố mẹ chồng, 2 vợ chồng chị, và 2 cô em chồng.
 

Những căn phòng lơ lửng chìa ra ở nhiều khu tập thể ở Hà Nội.

Sau này khi 2 cô em lần lượt đi lấy chồng thì cũng là lúc anh chị có thêm 2 đứa con một trai, một gái. Cho nên, khi các con lớn lên, thì việc phân chia chỗ ngủ cho cả nhà trở nên phức tạp hơn...

Chỉ vào căn phòng với ngổn ngang là đồ đạc, quần áo, và... 3 chiếc giường, chị Hoan cho biết, chiếc giường đôi trước của ông bà, nay là của 2 vợ chồng. Chiếc nệm đặt sát cạnh giường là chỗ ở của cậu con trai 15 tuổi, và xa hơn chừng ...1m là chiếc giường đơn cho cô con gái năm nay đã bước sang tuổi 18.

Còn bố mẹ chồng, vì muốn có một không gian riêng, yên tĩnh để nghỉ ngơi, nên anh chị đã tu sửa lại căn phòng cơi nới, làm chỗ nghỉ ngơi cho ông bà.

Theo chị Hoan, căn phòng đó trước là phòng cưới và là phòng sinh hoạt của 2 vợ chồng, và 2 đứa con lúc chúng còn nhỏ.

Gọi là căn phòng cho sang, chứ thực ra, nó chỉ là khoảng không gian được cơi nới bởi những thanh sắt, nhô ra trong khoảng trống giữa 2 khu nhà tập thể.

Ban đầu, “căn phòng” này có diện tích chừng 10m2, được sử dụng làm nơi phơi quần áo, để đồ đạc, nhà bếp, và nhà vệ sinh. Sau này nó được chia ra thành 2 nửa, một nửa dùng để làm phòng ngủ, còn nửa kia làm bếp và nhà vệ sinh.

Khổ một nỗi, theo thiết kế từ xưa, nên để đi vào được nhà vệ sinh và bếp thì phải đi qua một cánh cửa duy nhất, nằm ngay cạnh chiếc giường hiện là nơi nghỉ ngơi của bố mẹ chồng. Thế nhưng, tuổi càng già thì việc nhớ nhớ quên quên của ông bà càng biểu lộ một cách rõ rệt.

“Nhiều lần, cứ vào đến phòng là bà chốt ngay cửa trong, đêm đến, cần đi “giải quyết” nỗi buồn, nhưng mở cửa mãi mà không được lại đành phải gọi cửa. Gọi bé thì ông bà không nghe, mà gọi to thì y như rằng cả nhà thức giấc".

“Rồi đầy hôm, đang rón rén đi qua giường ông bà để vào nhà vệ sinh thì tiếng bố chồng quát làm mình giật bắn cả người. Rồi phải xưng danh thì ông cụ mới chịu nằm xuống ngủ tiếp". - chị Hoan kể.

Nửa đêm “hành sự” cũng không yên

Hơn 20 năm về làm dâu, mang tiếng là lấy chồng Hà Nội, nhưng chưa có khi nào chị dám mời bạn bè đến nhà vì không biết để khách ngồi đâu. Đã vậy, trong gia đình, chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng lại là một vấn đề nan giải.
 
Bên trong một chuồng cọp
 

“Nói ra thì xấu hổ, hồi mới về làm dâu, đã kéo nhau vào một góc “chuồng cọp” rồi mà chuyện vợ chồng cũng không được tự do, lúc nào cũng lén lén lút lút, như đi ăn vụng. Cứ đang lên đến cao trào thì lại có người mở cửa đi vệ sinh, hoặc xuống bếp có việc gì đó. Thế là cuộc vui lại bị đứt đoạn giữa chừng". - chị Hoan tâm sự.

Đấy là còn chưa kể, mỗi đêm, những người trong căn hộ ở tầng trên cứ đi đi lại ngay trên đỉnh đầu gây nên tiếng động mạnh cũng khiến cả hai vợ chồng toát mồ hôi, vì sợ phòng tầng trên sập xuống.

“Từ khi đổi cho bố mẹ ra nhà ngoài, không bị giật mình thon thót mỗi đêm, nhưng 2 vợ chồng lúc nào cũng lo ngay ngáy, lỡ mà căn phòng đó có vấn đề gì thì ân hận cả đời”.

Theo lời chị Hoan và qua sự khảo sát của PV thì hầu hết các phòng trong khu tập thể này đều được cơi nới, nhà cơi nới nhiều thì cũng được đến 15m2, nhà cơi nới ít thì cũng được chừng 10m2.

Hầu hết các hộ dân sinh sống ở đây đều nói rằng, họ không thấy sợ khi phải sống trong khu chuồng cọp. Vì bao đời nay chưa xảy ra vấn đề gì.

Tuy nhiên, theo lời tâm sự nhỏ của chị Hoan thì “nhiều lúc cũng thấy rờn rợn. Vì dù sao căn phòng cũng chỉ được tạo thành từ mấy thanh sắt được đua ra, nhưng bao nhiêu năm mưa gió cũng đã han rỉ đi rồi".

L.V

(còn tiếp)