"Số cô không giàu thì nghèo, không cao thì thấp"...

Tầm 9h tối, đi qua khu “Chợ sinh viên” cuối đường Xuân Thủy – Cầu Giấy sẽ dễ dàng bắt gặp một cô gái sinh năm 1987, tự xưng là thấy bói, trải một tấm bạt đã nhàu cũ, một chai nước khoáng, một bộ bài cùng miếng bìa cũ có dòng chữ “Xem chỉ tay” đặt đứng. Để tạo vẻ “kì bí” và... chân chất hơn cho mình, “thầy” sử dụng một chiếc xe đạp cà tàng, ăn vận đơn giản với chiếc quần đen và áo trắng kiểu cũ.
Tối nào "thầy" cũng đông khách đến xem. Hết tốp này lại đến tốp khách khác chờ được xem bói.

“Địa bàn” hoạt động của “thầy” nằm gần chợ sinh viên luôn đông đúc người ra vào mua bán mỗi tối, xung quanh lại tập trung nhiều trường đại học, thế nên tối nào vây quanh “thầy” cũng trên dưới 10 tốp sinh viên qua xem bói. Có lẽ "thầy" cũng tính toán kĩ rồi mới chọn địa điểm này để hành nghề, bắt trúng tâm lý thích xem bói của sinh viên trẻ, thiếu kinh nghiệm sống nhưng lại thừa tò mò về tương lai và tình duyên.

“Tối nào cũng phải vài chục người đến coi bói, hầu hết là sinh viên, nam nữ đủ cả. Tính ra thu nhập cũng phải tầm 3-400 ngàn mỗi tối là chuyện thường, cả tháng phải kiếm được chục triệu ấy chứ.” – Cô bán nước chè ở cổng chợ sinh viên nói

Trước khi xem bói, thủ tục bắt buộc của “thầy” là phải đặt tiền trước: "Đặt tiền tùy tâm, nhưng muốn xem đặt ít nhất 20 ngàn, chị xem cho mọi đường". Nhiều sinh viên vì muốn được “phán” nhiều hơn, lấy lòng thầy hơn thì đặt đến 40, 50 ngàn. “Chị bói” cũng nhấn mạnh “Chị chỉ xem chỉ tay” – chiêu bài đánh trúng tâm lý của người xem, bởi xem chỉ tay xưa nay vẫn được cho là "khoa học" hơn so với hình thức bắt bài, xem tuổi. Sau khi có tiền dắt túi rồi, “thầy” mới yên tâm rào trước: "Điều gì thấy đúng thì em bảo đúng, còn không thì bảo không".

Sau đó, “thầy” ngắm nghía bàn tay của khách, ra vẻ nghiên cứu đường chỉ tay cẩn thận, nhưng thực ra trong thời gian đó thầy tranh thủ gài một vài câu kiểu“Nhìn em thế này thì chắc cũng phải 21 tuổi rồi nhỉ?” – để nhằm biết tuổi của khách, từ đó dễ “chém gió” hơn. Nếu khách nói đúng thì suy ra tuổi, còn nếu khách nói sai thì lại nhanh mồm: “À thế à, thì ra là đã 23 tuổi rồi, tức là sinh 1989, nhìn trẻ thế này mà đã 23 tuổi rồi nhỉ”. Biết được tuổi, lại nhìn vào vẻ bề ngoài, cách ăn mặc, lập tức “thầy” liến thoắng một tràng giang đại hải về công danh, sự nghiệp, tình yêu, sức khỏe của khách một cách “Nguyễn Y Vân” như trong các sách xem tuổi, tướng số thường có.

Chưa kể, khi xem bói, “thầy” còn thường xuyên hỏi ngầm khách để lấy ý mà “chém”, kiểu như: “Em sinh ra ở đồng bằng chứ không phải miền núi”, “Nhà em mặt tiền đường phố chứ không phải ở quê”, nếu đúng thì tốt, mà nếu không đúng thì “thầy” lại phản pháo bằng cách khen để đánh lạc hướng khách: “Em ở quê mà tay mềm, mặt mũi sáng sủa như con gái thành phố ấy”. Tương tự, chỉ bằng một loạt các câu hỏi moi thông tin như thế, “chị bói” tiếp tục phán về gia cảnh, sức khỏe, công danh sự nghiệp. Người xem như lạc vào mê hồn trận "hỏi xoáy đáp xoay" của "thầy", cứ thế mà gật gù liên tục khen "Chị nói đúng quá".
Liên tục "hỏi xoáy đáp xoay" rồi phán như "thần"!
Một mẹo của “thầy”, là khi xem chỉ tay hầu như “thầy” thường khen khách để tránh bị phản pháo, hoặc để làm khách thích thú. Những câu nói chung chung vô thưởng vô phạt kiểu luôn được "thầy" áp dụng: “Em sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố mẹ có thể không giàu có nhưng luôn chăm lo, thương yêu em đầy đủ, không để em thua kém bạn bè. Bố mẹ buôn bán hoặc đi làm" (?!!),  "Không phụ công cha mẹ, em cũng cố gắng học hành tốt, bây giờ sinh viên của một trường đại học chính quy" (Trong khi thầy biết thừa khu này toàn sinh viên qua lại). "12 năm học hành em cũng là học sinh giỏi, tiên tiến… ra trường nếu gặp may thì số em sẽ tìm được một công việc tốt”(!). Hoặc một loạt câu chung chung như: "Em trang nhã, đường hoàng, đôi lúc nóng tính, nhưng bụng tốt, thích đi đây đi đó, thích khám phá những điều mới mẻ" - Câu phán của "thầy" nghe sặc mùi chung chung, ai cũng có thể nói được, vậy mà khách lại tin "thầy" sái cổ. Ai cũng gật gù ra chiều tín nhiệm lắm!

Với người khách nào, “thầy” cũng phán cho câu “Em thích tiêu tiền, sống khá thoáng, nhưng em cũng trân trọng đồng tiền, không phải đến nỗi hoang phí” - "Lời thầy" không cãi được thật!  Còn bói về đường tình yêu, hễ bạn nữ nào xinh xắn là y như rằng nhận được câu: “Em có nhiều người theo đuổi, nhưng em khá kén chọn người để yêu”, còn đối với bạn nữ nào không được xinh xắn lắm, “thầy” lại phán: “Đường tình duyên của em có nhiều trắc trở, có thể cũng phải tình đơn phương…”. Nói tóm lại, “thầy” luôn dựa vào bề ngoài để xem chỉ tay, vận mệnh, đường đời.

Điều khá ngạc nhiên là chị ta xem bói dưới ánh đèn mờ của đèn cao áp trên vỉa hè, ánh sáng nhập nhoạng, chưa kể bóng của nhiều người vây quanh che khá nhiều ánh sáng, thế nhưng "thầy" vẫn xem được chỉ tay và phán ngon ơ mọi trường hợp.

Hỏi “thầy” đã hành nghề lâu chưa, “thầy” cũng vui vẻ trả lời: “Đọc qua sách vở của người xưa, có năng khiếu tự trong người nó bộc phát ra, lại yêu nghề nên nói chung là mình cũng xem tốt, đông khách. Ban ngày mình bán hàng ở cửa hàng bếp ga, trực điện thoại, tối về rảnh thì ra chỗ sinh viên xem bói các bạn trẻ cho vui”. – “Cho vui” nhưng mỗi đêm "thầy" cũng kiếm chác được vài trăm ngàn là chuyện dễ dàng, nhiều bạn trẻ nghe như nuốt từng lời của "thầy", cứ gật gù dạ dạ, vâng vâng. Phải nói là quá hời!

Hốt bạc như "nghề" bói

Lợi dụng tâm lý sính thầy, sính coi bói của người Việt Nam xưa nay, đặc biệt là chị em phụ nữ, rất nhiều người tự xưng là “thầy bói” đã ngang nhiên trải chiếu, mở hàng giữa phố để kiếm tiền. Không biết xem chỉ tay có đem lại lợi ích gì cho tương lai, nhưng mất thời gian, mất tiền là điều dễ thấy khi chị em hò nhau đi xem bói. Thu nhập của nữ thầy bói nói trên khiến nhiều người phải choáng khi thử làm một phép tính nho nhỏ. Trong khi nhiều công chức, nhân viên thu nhập vài triệu một tháng, thì với 3-400 ngàn/ngày xem bói vỉa hè, chị ta đã đút túi tầm 10 triệu/tháng.

Không nói đến những nơi bói dạo như “chị bói” ở trên, ở những địa chỉ thầy có tiếng, người xem phải đợi đến 6,7 tiếng đồng hồ, bỏ ra một khoản tiền lớn để xem bói là chuyện thường. Mất công mất sức, nhưng nhiều người vẫn đua nhau đi xem bói chỉ để nghe những câu phán vô thưởng vô phạt, chẳng biết đúng được bao nhiêu phần trăm. Có "cô" ở phố H.V, xem bói bài nổi tiếng, mỗi khách phải trả ít nhất là 200 nghìn/lần xem. Mỗi ngày "cô" xem tầm 7-10 trường hợp, khỏi phải nói thu nhập mỗi tháng của "cô" khủng cỡ nào!

Chưa kể, các thầy có phán những điều tốt đẹp (dù đợi mãi chẳng thấy) thì không sao, nhưng nếu thầy phán điều xấu, tai họa thì đầu óc lại bị chi phối, lo lắng dẫn đến mất ăn mất ngủ. Nhiều người đâm ra nghi ngờ, nghi kị lẫn nhau chỉ vì tin vào lời thầy bói. Có chị em “tiên tiến” hơn, cho rằng “đi xem bói chỉ là tham khảo”, nhưng rồi cũng bị những lời phán của thầy chi phối, thêm lo nghĩ đau đầu.

Theo TTVN