- Gia cảnh nghèo khó, chồng mắc bệnh nan y, suốt 10 năm xoay xở làm thuê, làm mướn khắp nơi để chăm chồng, nuôi con nhưng chị Nguyễn Thị Tiến (Mê Linh – Hà Nội) vẫn phải hứng chịu những trận đòn dã man của nhà chồng. Âm thầm nín nhịn, cuộc đời làm dâu của chị đầy những đau khổ, đến nỗi, chỉ vài phút tĩnh lòng nhớ lại cũng khiến chị rơi nước mắt.

Kiếp làm dâu

Làm dâu từ năm 20 tuổi, đến nay đã hơn 25 năm trời, nhưng chị Tiến, chưa có một ngày được hạnh phúc với chồng. Cả một thời tuổi trẻ làm dâu, làm vợ, làm mẹ, chị đã phải nếm trải vô số những trận đòn oan, những lời xúc xiểm và những tủi nhục chỉ mình chị hiểu.

“Ngày lấy chồng tôi nào có biết đâu đời mình lại bảy nổi ba chìm long đong vô cùng vô tận đến như thế. Lấy nhau được vài tháng, chồng tôi đã lộ rõ là người vũ phu, lười lao động. Anh quanh năm ngày tháng chẳng chịu làm lụng gì, lại uống rượu như nước. Rượu vào thì lời ra, lại kiếm cớ mắng chửi. Tôi không nhịn được thì anh sẵn sàng đánh đập tàn tệ. Mẹ chồng tôi chẳng những không can ngăn, còn lớn tiếng hùa theo hạch sách…” – chị Tiến buồn rầu kể lại.

Minh họa: Internet

Nhiều đêm, gần 12h chị còn bị chồng gây sự đuổi đánh. Chống cự không được, không dám về nhà, chị lại lang thang đi trong làng, vật vờ chờ trời sáng lại về lo cơm nước, lợn gà.

Lấy nhau được gần 10 năm thì chồng chị đổ bệnh. Anh bị xơ gan cổ trướng – căn bệnh như một cái án tử treo lơ lửng trong gia đình. Một tay chị chăm sóc chồng, nuôi con nhỏ, phụng dưỡng mẹ chồng. Ấy vậy mà chị vẫn bị nhiếc móc đủ thứ, và không được bất cứ anh em nào trong gia đình chồng giúp đỡ.

“Có bao lúc khốn cùng, tôi đã chán chường nghĩ đến, hay là chết đi cho nhẹ nợ. Nhưng rồi tôi biết rằng, mình mà chết đi, thì khổ nhất là các con. Vì các con, tôi khóc rồi lại nín…” – chị nói.

“Tôi còn nhớ, có hôm con trai tôi xin tiền mua cuốn vở ô li có nghìn rưỡi, mà trong túi tôi không đủ tiền. chán nản, khóc lóc mãi cũng chán, tôi đi vay mượn hàng xóm rồi quyết định phải đi làm. Cũng chưa biết làm gì, nhưng nghĩ nhất định mình phải ra khỏi làng mới kiếm được tiền.

Nghĩ vậy nên chị bươn bả đi làm thuê khắp nơi khắp chốn. Đời cửu vạn của chị bắt đầu từ đó: “Tôi quyết định ra Hà Nội kiếm việc. Có lẽ tôi là một trong những người đầu tiên trong làng ra Hà Nội làm thuê, làm mướn. Cứ quang gánh, túi gạo buộc sau xe, rong ruổi hơn 40 cây số lên Hà Nội kiếm việc làm. Ban đầu còn xấu hổ, không biết đường sá… bị người ta lừa lấy mất cả xe. Có khi gặp người xấu, họ thuê mình làm việc cả ngày trời, rồi quỵt tiền, mình phản ứng nhưng thân cô, thế cô, bị đánh cho sưng mặt... Sau này mới quen hơn, lại gặp được nhiều người tốt giúp đỡ nên công việc dần dần suôn sẻ”.

Nuốt nước mắt vào trong

Một vai gánh vác việc nhà như vậy song chị lại bị mẹ chồng đổ tiếng oan cho là bỏ mặc chồng con. Mỗi lần chị đi làm về, bà lại tìm cớ lột sạch tiền. Không được thì cho cả con gái, con trai vào gây sự đánh đập vì chị “chống đối”.

Chị không thể nào quên được những lần chồng ốm vẫn nằm một chỗ mà mẹ chồng và các em chồng còn đến nhà chửi mắng, rồi lao vào đánh, đấm chị không thương tiếc.

“Có lần, đứa con gái út thấy tôi bị đánh thì thương quá, mới lao vào can ngăn rồi khóc lóc, nói lại với bà và các cô, các chú nó. Người chị chồng mới hung dữ quát nạt, tát con bé một cái. Giữa trời nắng tháng 6, cháu nó bỗng dưng lên cơn động kinh… tưởng chết. Nếu không có bà con làng xóm đến can thiệp kịp thời thì không biết giờ này còn cháu không” – chị ngậm ngùi kể lại.

Các con chị thương mẹ mà chẳng làm gì được vì còn quá nhỏ. Chúng chỉ biết ngoan ngoãn học hành, lo toan đồng ruộng cho chị đi ra Hà Nội làm thuê. Sau những đợt đi làm xa gần tháng trời mới được về thăm con, mấy mẹ con ôm nhau khóc trong căn buồng tối. Con chị còn bé nhưng đã sớm hiểu chuyện, chúng yên ủi, vỗ về giúp chị thêm động lực để sống tiếp.

Chồng chị bệnh ốm đau mãi chị đã khổ. Anh mất đi, chị càng khổ hơn vì cảnh “đàn bà góa”. Chị một mình ở vậy nuôi con, vẫn cố gắng làm tròn thiên trách của người mẹ, người vợ. Thế nhưng người em trai chồng lại tìm mọi cách đuổi chị ra khỏi nhà hòng chiếm đoạt mảnh đất cha ông để lại. Lúc ấy, chị đã muốn dứt áo ra đi cho đỡ khổ, song tiền không có, một tấc đất cắm dùi cũng không, còn ba đứa con chị biết đi đâu? Vậy là phải nín nhịn và kiên gan ở lại chứ không chịu khuất phục. Cũng may, họ hàng bên nội vẫn còn có tâm, họ bênh vực, bảo vệ chị để không bị đuổi khỏi nhà… Đằng đẵng cho đến khi các con chị bây giờ, đứa lớn cũng đã lấy chồng, đứa út cũng đã vào đại học…

Quỳnh Anh