- Gần chục người đàn bà sống với nhau trong một xóm trọ tồi tàn. Đây là chốn nương thân của họ sau cả ngày trời mưu sinh bán dạo bóng bay dọc ngang khắp Hà Nội. Hàng tháng trời, những người phụ nữ ấy chịu cảnh xa chồng, xa con mong kiếm tiền lo cho gia đình ở quê.
Cuộc mưu sinh của họ chốn đô thành thấm đẫm nước mắt và nụ cười, kết lại
thành những chuyện đời dài dằng dặc.
Xóm đàn bà
Xóm trọ nhỏ nằm hun hút trong một con ngõ trên đường Cầu Giấy. Ngay trước cổng xóm là những ngôi mộ cũ kỹ. Gọi là “xóm”, thực chất đây là khu nhà tạm, bãi đất xây dựng hoang phế đang được xây dựng dở dang.
Chị Đỗ Thị Hạnh – quê Hưng Yên cho hay, cả thảy 5 phòng trọ, hơn chục người, mỗi người chỉ mất khoảng 200 nghìn đồng/tháng. Đó quả là cái giá thuê nhà “không tưởng” ở đất Hà Nội đắt đỏ này.
Sinh hoạt buổi sáng sớm ở “xóm đàn bà” chật chội, bất tiện. |
Thế nhưng, khoản phí ở trọ khá rẻ ấy gộp với tiền ăn uống, sinh hoạt hằng tháng cũng là cả một vấn đề đối với những người dân “ngụ cư” ở đây vì: “Giá cả bây giờ tăng chóng mặt. Hàng hóa ế ẩm, khó bán hơn trước bao nhiêu, mà người đổ về buôn bán nhiều hơn, khó khăn lắm. Dạo trước mỗi ngày có khi cũng kiếm được 200, 300 nghìn tiền lãi, trừ đi ăn uống, cũng còn kha khá tích cóp. Nhưng bây giờ, chẳng được đến từng ấy mà tiền ăn tiền ở lại tăng” – lời chị Hạnh tâm sự.
Vì sự khó khăn ấy nên hầu như cả ngày xóm im lìm như không có người ở. Họ đi làm từ tinh mơ đến tối mịt. Chị Hồng, cũng người Hưng Yên – một trong những thành viên lâu năm nhất tại đây cho biết, xóm có gần chục người, cùng quê Hưng Yên, Hà Nam, mà hầu hết là đàn bà con gái ở với nhau.
“Đàn bà thì mới ăn ở được thế này, chứ các ông mà lên đây, chưa chắc chịu được ba bảy hai mươi mốt ngày” – một chị nói.
Mà quả đúng thế. Tuy xóm có 5 phòng nhưng mỗi phòng bé tí xíu. Cửa chỉ một người đi lọt. Nhà vệ sinh, kiêm khu giếng nước sinh hoạt chỉ đủ một người ngồi. Cổng ra vào dắt cái xe cũng phải “khéo”. Nhìn cách các chị, các cô xếp sắp đồ đạc, từ chiếc xe, hàng hóa, cần móc (để treo bóng), quần áo và hàng trăm thứ đồ lỉnh kỉnh khác trong gian phòng chỉ khoảng 6, 7 mét vuông thì đủ biết các chị chẳng dễ dàng để tính toán, xoay xở khi sống ở đây.
Chị Hồng cùng một người bạn cùng xóm trọ miệt mài ngồi bơm căng những quả bóng bị xẹp hơi, “vá” lại những quả bóng bị thủng rồi khéo léo sửa soạn lại tất cả hàng hóa của mình lên xe đạp. Một cái chậu nước con con, hộp keo 502, cái bơm bóng bằng nhựa cũ kỹ và chiếc xe đạp lùm xùm những quả bóng đủ hình dáng, sắc màu… chính là bạn, là cần câu cơm của các chị.
“Vất vả lắm, nhưng chẳng biết làm gì khác. Đất chật người đông mà!” – chị Hồng khe khẽ nói.
Năm nay 32 tuổi, nhưng chị cũng đã có tròn 7 năm sống ở Hà Nội. 7năm trời chị kinh qua nhiều nghề, từ cửu vạn, bán hoa quả, bán rau…
Chị tâm sự: “Cách nay vài năm, tôi còn khỏe mạnh lắm, cứ hùng hục lao đi làm đủ nghề, đủ kiểu. Cứ lao đi như thiêu thân suốt từ sáng đến tối. Thế rồi bị lao phổi, chạy chữa mãi mới đỡ được. Sức khỏe yếu hơn, nên cuối cùng chọn cái nghề này. Vốn ít, không quá lao lực, lại có lợi thế là thông thạo đường sá”.
Mấy chị bạn cùng xóm nghe chị nói, thì che miệng cười bảo, cứ nói không lao lực, cô ấy chỉ đốt sức thôi. Ngày mưa, ngày nắng cũng lao đi, bây giờ mà khám lại không biết phổi nó còn được bao nhiêu phần khỏe mạnh!
Xóm trọ tự nhiên lặng đi, chẳng ai nói gì thêm. Ai cũng đều hiểu, đằng sau sự lao lực ấy là những cố gắng cùng tận của mỗi người vì cuộc sống.
Lao lực vẫn bám trụ
Phải 3, 4 lần hẹn, tôi mới gặp được chị Hồng ở nhà, để nghe chị tâm sự đôi chút về những năm tháng kinh qua của chị ở Hà Nội. 7 năm trời là khoảng thời gian không ngắn ngủi, đã để lại cho chị biết bao kỷ niệm.
“Ngày nào mới theo một chị họ hàng lên đây làm giúp việc cho nhà người ta, tôi vẫn còn lớ ngớ, chẳng biết đâu vào đâu, thế mà nay cũng đã quen hết, như “ma xó” ở đây rồi” – chị cười nói vui.
Chiếc xe chở bóng bay theo chị đi khắp nơi. Ngày mưa cũng như ngày nắng. Nhiều hôm dông bão, gió mùa bạt cả bóng, đổ cả xe… chị vừa sợ cho mình vừa nơm nớp sợ bóng bị “nổ” là lỗ vốn.
Chị Hồng đang sửa sang lại hàng, chuẩn bị một ngày làm việc mới. |
Chị tâm sự rất thật rằng, nhiều khi bán hàng cho khách mà không tránh được nỗi chạnh lòng: “Thấy người ta mua bóng bay cho con, lại nghĩ đến con mình chẳng bao giờ được chơi món đồ chơi nào tử tế. Nhìn đôi lứa người ta tặng bóng bay cho nhau, lại nghĩ đến mình lấy chồng gần 10 năm, chưa từng được nhận một bông hoa, một món quà… Những lúc tủi thân ấy, chỉ biết tự an ủi mình. Nhưng nhiều khi mưa bão, nắng gắt, ế hàng, hay bị xua đuổi trên phố, nước mắt cứ trào ra không nén được”.
Nhớ lại những năm 2005 khi mới lên Hà Nội, trước khi đi bán hàng chị từng đi làm ô sin cho một gia đình ở Ngọc Khánh. Khổ nỗi, ngay từ lần đầu tiên, chị đã gặp phải gia chủ ghê gớm, chẳng ra gì. Chịu không nổi, chị đành xin nghỉ, chuyển sang nghề bán hàng rong.
“Nhà chủ đó hai vợ chồng đều trí thức, có học, Ông chồng đạo mạo lắm, vậy mà một hôm lại định “làm trò”. Tôi hoảng quá, vội vàng nói với bà chủ. Không ngờ bà ta chẳng những bảo ban chồng, mà còn lớn tiếng vu oan đổ vạ cho tôi. Cực, nhục, tôi nghỉ việc, ngậm ngùi không lấy tiền công hơn nửa tháng trời làm ở đó”.
Tiền không có, nhà không có, chị lang thang vào ngủ nhờ dưới mái hiên một ngân hàng ở khu vực Cầu Giấy. Tủi cực, chị ngồi khóc rưng rức.
“Sợ nghề giúp việc từ đó, tôi đánh liều vào mấy khu xây dựng xin làm phụ hồ, sau đó hết việc thì theo mấy người quen ở đó đi làm cửu vạn… Ngày ấy còn chưa biết thuê trọ, mấy chị em cứ xin ở nhờ nhà chủ, hoặc xin vào chùa ngủ nhờ. Tài sản chỉ có chiếc xe đạp, đôi quang gánh và túi quần áo, chúng tôi đi khắp các phố các phường, không nghề gì là không nhận...”.
Cũng có lẽ vì làm việc quá sức mà gần đây chị hết đau lưng, thoái hóa khớp lại đến huyết áp…
“Bệnh tật thật đấy, nhưng không làm thì chẳng ai làm thay mình. Thôi thì sống chết có số cả, chỉ mong ông trời cho chân cứng đá mềm, bám trụ nốt ở đất Hà Nội này cho đến khi con cái học hành xong, tôi mới yên tâm về quê được” – chị Hồng tâm sự.
Quỳnh Anh
(còn tiếp)