Bản án ly hôn là dấu chấm hết cho mối quan hệ vợ chồng. Người mẹ và đứa con thường là hai đối tượng thiệt thòi nhất trong những gia đình bị chia cắt. Có những trường hợp, đứa bé có mẹ mà sống như mồ côi, bởi người bố được nuôi con ngăn cấm vợ cũ không được quyền thăm đón con chung.

1. Tôi gặp chị Trà An (Kim Mã Thượng – Ba Đình – HN) trong một ngày nhiệt độ ở Hà Nội xuống mức thấp nhất. Đôi môi chị tím tái vì gió lạnh, khuôn mặt võ vàng nhưng không giấu nổi một thời hương sắc của người con gái Hà Thành. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, chị đã sụt sùi khóc, nước mắt của người mẹ nhớ con làm nao lòng người.

Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, khi chị lấy chồng, câu cha chị nói với con gái trước lễ rước dâu là: “Con nhớ rằng xuất giá tòng phu!”. Bởi thế, từ lúc theo chồng, chị chỉ luôn luôn tâm niệm sống hết mình để vun đắp tình yêu, xây dựng tổ ấm.

Vì điều kiện công tác, chồng chị vắng nhà thường xuyên. Việc nhà cửa, con cái, đối nội, đối ngoại đều do một tay chị vun vén. Chị cứ nghĩ rằng “gái có công, chồng chẳng phụ”. Nào ngờ, ngược lại với sự vun đắp của chị, chồng chị ngày càng rời xa tổ ấm. Những cuộc tình ngoài vợ ngoài chồng đã lấy hết tình cảm của một người chồng, để đến khi về nhà, gã cư xử với chị như đối với một “con sen”.

Ảnh minh họa

Từ khi con trai làm ăn khấm khá hơn, bố mẹ chồng chị cũng ra sức đe nẹt, cay nghiệt với cô con dâu chỉ là một viên chức quèn với đồng lương ba cọc ba đồng. Sống giữa thủ đô, chị không ngờ mình lại có ngày phải nếm những đắng cay của cảnh nàng dâu ở thời kỳ phong kiến. Chị vẫn cố gắng gượng với mong muốn một ngày nào đó tình yêu sẽ trở lại trong người bố của con mình.

Khi đứa con thứ hai chào đời mang theo căn bệnh bại não, sự dằn vặt, khinh miệt của người chồng và gia đình chồng càng nặng nề hơn, sức vóc của người đàn bà nhỏ bé đó đã không còn đủ để chịu được gánh nặng bấy lâu đè nén. Và bản án ly hôn là kết cục không tránh khỏi.

TADN Quận HBT (Hà Nội) đã ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn, đồng thời quyết định giao con lớn cho chồng chị nuôi dưỡng, chăm sóc. Với hai bàn tay trắng, chị bế đứa con bệnh tật ra khỏi nhà chồng. Chị không ngờ rằng cũng kể từ lúc đó, chị đã bị “cướp mất” đứa con lớn. Mặc dù quyết định của Tòa án đã nêu rất rõ về việc hai bên được quyền thăm nom, chăm sóc con chung. Nhưng ngay từ khi quyết định còn chưa kịp ráo mực, chị đã không thể thực hiện được quyền thăm nom con của mình.

Mỗi lần chị đến thăm con, mặc chị chờ đợi đến mòn mỏi, mặc chị khóc lóc, van xin, cánh cửa nhà chồng cũ của chị vẫn im ỉm đóng. Cũng có hôm, chị gặp được người này, người khác, nhưng họ đều đưa ra những lý do để chị không thể gặp được con. Cực chẳng đã, chị phải đến trường con học để mẹ con gặp nhau. Nhưng cũng chỉ được một vài lần, ngay khi chồng cũ của chị phát hiện, các cô giáo của con chị cũng viện lý do để từ chối, không cho chị được thăm con.

3 năm nay, số lần chị được nhìn thấy con chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là những khi chị xin được về sớm để đến trực ở cổng trường con đúng giờ tan học.

Khi chị gặp tôi, cũng là lúc dường như mọi cảnh cửa có thể đến được với con đều đã đóng trước mặt chị. Những lá thư kêu cứu, những lá đơn đề nghị giải quyết của chị gửi đến các cơ quan, ban ngành… đều được trả lại, bởi chị không có đủ chứng cứ chứng minh cho hành vi ngăn cấm thăm con của người chồng cũ. Bên cạnh đó, gã chồng của chị vẫn giả lả mỗi khi ai hỏi đến, rằng cứ đều đặn hàng tuần, gã vẫn thường xuyên đưa con trai hắn đến thăm mẹ và em.

2. Cùng bức xúc chuyện thăm con, chị Xuân, nhà ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, kể: “Vợ chồng tôi ly hôn từ năm 2007. Khi ly hôn anh ấy nuôi con trai lớn, tôi nuôi đứa con gái nhỏ, không ai cấp dưỡng cho ai. Sau khi ly hôn, tôi thuê nhà ở riêng. Thực hiện đúng quyết định của tòa án, tôi tạo điều kiện thuận lợi để người cha đến thăm con. Nhà tôi ở, anh ấy đến bất kỳ lúc nào cũng được.

Tuy cảm thấy rất bất tiện, nhưng vì con tôi phải chấp nhận. Ngược lại, anh ấy luôn gây khó khăn khi tôi thăm đứa con mà anh ấy đang nuôi. Thay vì trực tiếp nuôi con, anh ấy phó thác hết cho bà nội, trong khi bà nội còn đang nuôi hai đứa cháu khác.

Ngày mới giành được quyền nuôi đứa con lớn, anh ấy đã dùng thủ đoạn liên tục thay đổi chỗ ở, giấu địa chỉ. Là người kinh doanh địa ốc, có nhiều nhà nên anh ấy cho con ở nhiều nơi. Sau nhiều lần kiên trì theo dõi, tôi cũng tìm được nơi ở của con tôi. Tuy nhiên, người cha và bà nội không tạo điều kiện cho tôi gặp. Tôi đến trường thăm con thì nghe được cha và bà nội dặn cô giáo là không cho thăm".

Ngụ tại Q.6, TP.HCM chị Lan là giáo viên, kết hôn từ năm 2002, hôn nhân đã mang lại cho chị một cậu con trai. Năm 2008, do không chịu được sự vũ phu của chồng, chị đã chủ động ly hôn. Khi ly hôn, do khó khăn về kinh tế nên chị đồng ý để người cha nuôi con.

Tuy nhiên, sau ly hôn, chồng cũ đã tìm đủ mọi cách không cho chị được gặp con, dù hai nhà chỉ cách nhau khoảng hơn 200m, cùng khu phố. Vài lần hai mẹ con lén lút gặp nhau, anh ta phát hiện, đã đánh mắng con mình, làm cháu không dám gặp mẹ. Có lần con chị Lan nhìn thấy mẹ là quay mặt bỏ đi, không dám sà vào lòng mẹ như trước.

3. Những câu chuyện trên chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp người bố/mẹ bị cản trở việc thăm đón con chung sau bản án ly hôn. Thực tế, nhiều người chưa hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con khi ly hôn, hoặc mặc dù hiểu, nhưng vì sự ích kỷ của bản thân hoặc những hiềm khích cá nhân nên đã gây khó, cản trở quyền thăm nuôi của người kia.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ. Luật cũng quy định rất rõ về trường hợp người nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi gây khó, cản trở quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng là hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, nếu người nuôi con có hành vi cản trở việc thăm đón con chung thì người kia có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành, có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Người bị ngăn cấm thăm nuôi con cũng có thể làm đơn thay đổi người nuôi con, một cách chính đáng và cần thiết, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trẻ.

Nhưng con đường ngắn nhất để nối lại tình mẫu tử trong những trường hợp này lại là sự thức tỉnh của những người cha đang được giao trách nhiệm nuôi con.

• Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000đ đến 100.000đ đối với hành vi thường xuyên cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau khi ly hôn. (Điều 15, Nghị định 87/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình).

• Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 300.000đ đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con. (Điều 13, Nghị định 110/2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ).

(Theo PLVN)