Đọc bài viết của Trang Hạ, điều đầu tiên tôi cảm thấy lạ đó là tại sao một ngòi bút có tiếng trong giới văn chương của nước nhà lại chỉ dựa trên sự cay nghiệt của ngôn từ mà không dùng cái tâm của mình để soi xét điều mình viết.

Bài viết của chị mở đầu và đưa ra những luận điểm về lối sống của ‘những phụ nữ hãnh diện vì được trai bao’ dựa trên mối quan hệ của một người bạn của chị. Người bạn đó, theo tôi chính là một điển hình cho sự băng hoại đạo đức đang hiển hiện trong xã hội chúng ta và ngày càng có xu hướng trở nên công khai, thách thức cả pháp luật. Chị căn cứ vào lời người đàn ông này nói về cô gái bao của anh ta để khái quát về một người chị cho là gái bao, mà nói cho thẳng thắn ở đây là cô Ngọc Trinh, liệu có phải là quá cay nghiệt không?

Ảnh minh họa

Bàn về sống bám, chúng ta có thể thấy trong xã hội bây giờ, hiện tượng này không hiếm. Sống bám không chỉ quẩn quanh trong giới showbiz với quan hệ chân dài – đại gia, mà nó có ở nhiều lĩnh vực cuộc sống. Nó nhan nhản trong các tư dinh, biệt thự, nơi những ông bố bà mẹ kiếm được nhiều tiền sẵn sàng chu cấp cho các cậu ấm cô chiêu của mình, dù cho chúng đã ngoài 20, thậm chí 30 hay nhiều tuổi hơn thế; Nhưng họ không muốn người đời nói con họ là kẻ sống bám, thế nên họ mở công ty cho con mình làm giám đốc, dù những công ty dưới tay các thiếu gia, các công chúa đó làm ăn lỗ chổng vó, giải tán phá sản thì lại mở công ty khác. Thế nhưng, những người đó lại được xã hội chấp nhận, một số còn được tôn vinh nếu khéo che đậy.

Sống bám không chỉ có ở giới nhà giàu, mà còn biểu hiện ở những cô cậu học trò đòi tự tử để ép bố mẹ mua vé cho đi xem buổi diễn của ban nhạc nước ngoài, hay đòi mua “dế xịn”, xe xịn... bằng những đồng tiền bán rau, chạy xe thồ của bố mẹ.

Sống bám len lỏi cả trong giới học sinh sinh viên, với những cô cậu nam thanh nữ tú sẵn sàng làm gái bao, trai bao, đi khách kiếm tiền với lý lẽ không thể thuyết phục được ai là “cần tiền đi học”.

Thời tôi đi học, tôi và nhiều bạn bè tự đến trường từ khi mới vào lớp 1, không cha đưa mẹ rước. Đi thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp, thi vào trường chuyên, thi đại học, chẳng mất công ai đưa đi, tự mình làm được hết và cảm thấy đó là điều đáng tự hào. Trẻ bây giờ nếu không được đưa rước, chúng thấy tự ti trước bạn bè, và tệ hại hơn, chúng không đủ tự tin để làm tất cả những việc đó.

Tôi cho rằng, sống bám bắt nguồn từ chính sự bao bọc mà xã hội hiện đại tạo ra cho trẻ. Thế mà khi tư tưởng sống bám được phát triển thành hệ tư tưởng trong một bộ phận người trẻ, chính xã hội lại quay lại lên án họ, lên án chính sản phẩm – thứ phẩm của mình. Việc lên án như thế có phải là quá nặng nề với họ hay không? Tôi không mong xã hội có thêm bất kỳ ai phải sống và có lối sống như kiểu cô Ngọc Trinh, tuy nhiên tôi thiết nghĩ, chúng ta luôn cố gắng sống đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội, nhưng chúng ta không có quyền dùng lời lẽ sâu cay để miệt thị, phỉ báng những người sống khác với cách ta chọn, bởi vì, họ cũng có quyền lựa chọn cách sống của họ, họ hoàn toàn không áp đặt chúng ta phải sống như họ, và hơn nữa, họ không vi phạm pháp luật.

Không riêng gì những người tự cho là sống tự lập, sống đúng chuẩn mực mà chính những người đang bị lên án bằng những ngôn từ nặng nề xúc phạm nhất cũng làm nên vẻ muôn màu của cuộc sống.

Độc giả Thong Thong