Trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài (từ năm 1627 đến 1646), Alexandre de
Rhodes đã có những đoạn viết cực "sành" về thổ sản Việt Nam.
Alexandre de Rhodes sinh ngày 15/3/1591 tại Vignon, miền Nam nước Pháp. Ông là
giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa, đến nước ta để truyền đạo trong khoảng thời gian
từ năm 1624 đến 1646. Ông để tâm nghiên cứu về phong tục tập quán, lịch sử, tài
nguyên thiên nhiên nước ta.
Lĩnh vực nào Alexandre de Rhodes cũng quan sát và khảo cứu đến nơi đến chốn. Ông
đã kiên trì tìm tòi học hỏi và dày công nghiên cứu tiếng Việt đến mức nói rất
sõi. Ông đã kế thừa một cách xuất sắc sự nghiệp của một số giáo sĩ Bồ Đào Nha,
Tây Ban Nha - đã dùng chữ cái La tinh để phiên âm tiếng Việt. Ông đã soạn ra
nhiều truyện ký, được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Phép giảng tám ngày (tiếng La
tinh và tiếng Việt), Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh, Diễn giải vắn tắt về
Hành trình truyền giáo Đàng Ngoài, Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài…
Ảnh minh họa: Corbis |
Trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài (từ năm 1627 đến 1646), Alexandre de Rhodes đã có những đoạn viết về thổ sản Việt Nam như sau:
Trên khắp nước này, không có nho nên cũng không có rượu nho và người ta cũng không gieo lúa mì. Cũng không thấy cây ô liu nào, thế nên cũng chẳng có dầu ô liu. Đó là những thổ sản mà chính Thiên Chúa đã ban. Thế nhưng, ở đây lại có rất nhiều hoa trái khác, nên cũng chẳng phải ái náy về sự thiếu sót, trừ về việc dâng thánh lễ, thì phải đưa bánh mì và rượu nho từ Macao tới.
Về các nguồn lợi thì có thóc gạo là dồi dào và đất rất phì nhiêu. Có hai mùa gặt vào tháng sáu và tháng một vì thế giá rẻ tới ba lần so với Trung Quốc. Cơm gạo ở đây thay cho bánh mì. Từ thứ gạo này người ta cất một thứ rượu ngon và thơm, không hại dạ dày và để thay cho rượu nho của ta. Còn về canh cháo (potage) và các thứ thịt khác, chúng ta dùng dầu thì họ đổ một chất lấy ở tổ chim, giống chim sẻ ở trên các mỏm đá và cồn đá ngoài biển gần bờ. Họ trộn với thịt nấu chín làm cho có một hương vị khá tinh vi. Những thứ tổ chim này không có ở nơi nào khác trên thế giới. Những thương gia người Trung Quốc mua lại rất đắt để đem về bán ở nước nhà.
Chỉ người giàu có sang trọng ở xứ Đàng Trong mới dùng thứ nước này, còn đa số quần chúng chỉ dùng một thứ nước cốt gọi là mắm, ép ở một loại cá muối đánh được ở biển. Thứ nước cốt này vừa dùng cho dầu và như nước ép ở nho ra, trộn vào thịt làm cho món ăn có mùi vị thơm ngon. Mà vì người ta còn trộn với cơm thay bánh mì, nên nhà nào cũng đều có tích trữ.
Bây giờ tới trái cây. Không nói tới những trái cây chung cho xứ Đàng Ngoài và các miền Ấn Độ như vả, lê, dứa, mít, carambola, xoài và những trái cây tương tự, chúng tôi đã kể và giới thiệu với người Âu châu, còn có những trái cây riêng, theo tôi biết, không có ở đâu chỉ có ở xứ này.
Thứ ngon nhất là trái vải màu sắc và hình thù giống như trái coing của ta, nhưng thêm một vòng triều thiên để chỉ sự đặt biệt của nó mà trái của ta không có. Vòng này không như vòng ở trái lựu của ta, không thơm ngon và như thứ trang hoàng vô bổ, nhưng vòng ở trái này chứa đầy nước ngọt giống như vú dầy căng có yếm bao bọc. Người ta bóc vỏ có vị đăng đắng rồi ăn. Trừ một thứ lớn hơn hết, người ta bóc lớp vỏ thứ nhất như da, rồi ăn tất cả, có mùi vị như trái đào và trái lê của ta. Thứ này không những chỉ ăn vì mùi vị và để giải khát mà còn bồi bổ sức khoẻ, nên ăn bao nhiêu cũng không sao, có lần tôi dùng tới mười trái cùng một lúc. Vì thế, hết các nơi đều thấy bày bán với giá rất rẻ, rất thông thường, khắp xứ này đều có.
Còn một loại trái to như trái đào lớn, mùi vị thì giống như trái lê khi chín muồi, người ta quý trái này vì còn làm thuốc rất hiệu nghiệm để chữa bệnh lị, không những dùng thịt trái và da mà còn cả vỏ cùng lá cây nữa.
Ở xứ này còn một thứ như trái vả, mùi vị và hình thù giống trái của ta: sắc thì đo đỏ khi thật chín, mềm như trái của ta nhưng lành hơn. Khi còn xanh và khá cứng thì không có mùi vị. Tôi không muốn quả quyết là trái cây của ta tốt hơn, ngon hơn. Thế nhưng, khi chúa Đàng Ngoài thưởng thức những trái vả Âu châu trồng trong vườn thì ngài rất khen và muốn dành tất cả cho ngài.
Mía thì có rất nhiều đường và rất ngọt, rất phổ thông, nhưng người Đàng Ngoài không có kỹ thuật lọc nên đường hoá ra đen, tuy sắc đen mà người ta vẫn chuộng và mua, nhất là người Nhật.
(Theo Đất Việt)