- "Họ bảo, các cô sang Đài Loan là để làm gái rồi chuyên rửa ráy, lau chùi, vệ sinh cho các ông già
Đài Loan, họ cho đồng nào thì mới có để gửi về cho chồng, cho con kiếm bát cơm
chứ công to việc lớn gì đâu ....”
“Cô ấy xa nhà đã 10 năm rồi”
Vượt qua bao nhiêu những dèm pha, dị nghị và cả một thời vất vả đến quắt queo cả
người để chăm sóc và lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình trong những ngày vợ
đi xuất khẩu lao động, anh Đặng Văn Tương (Yên Trung - Ý Yên - Nam Định) mới
trải lòng mình về những ngày tháng xa vợ mà anh đã và đang phải trải qua.
Anh Tương kể, năm ấy, thấy mấy người trong xã nói có hợp đồng cho chị em xuất
khẩu sang Đài Loan làm osin, hoặc hộ lý, lương tháng có thể kiếm được 5 - 6
triệu.
“Mình thì không biết làm ô sin là làm gì nhưng nghĩ đến cảnh có thể kiếm được 5
- 6 triệu trong một tháng, bằng số tiền 2 vợ chồng phải lam lũ cả năm nên 2 vợ
chồng bàn nhau vay tiền để cho vợ đi một chuyến, biết đâu ông trời thương mà
thoát được cái nghèo:.
Anh Đặng Văn Tương trải lòng về những ngày xa vợ. |
Nghĩ là làm, năm 2002, sau khi chạy đôn chạy đáo vay được gần 50 triệu thì anh Tương quyết định đăng ký cho vợ là chị Ngô Thị Cương (sinh năm 1974) đi Đài Loan.
“Vẫn nhớ ngày tiễn vợ ra sân bay, 2 vợ chồng cứ ôm nhau mà khóc, vì lúc đó, 3 đứa con vẫn còn bé quá. Cô con gái cả khi ấy mới lên 10. Cậu con trai út thì mới được 6 tuổi. Nhưng cứ ở nhà thì các con biết lấy gì mà ăn. Bằng chứng là, bao nhiêu năm bám lấy đồng ruộng, làm hùng hục cả ngày cả đêm, mà nhà mình nghèo vẫn hoàn nghèo, chỉ lo cho con được ngày 3 bữa cơm không phải độn sắn độn khoai đã thấy chật vật lắm rồi. Nên mình lại phải động viên cô ấy rất nhiều”.
“Thế là cô ấy đi. Ban đầu, cũng chỉ định để cho cô ấy đi 3 năm, kiếm chút vốn rồi về, vợ chồng làm ăn, chứ hay ho gì cái cảnh vợ xa chồng, phiêu bạt nơi xứ người làm ô sin phục vụ cho người ta. Trong khi chồng mình, con mình thì ở nhà lem luốc. Nhưng rồi, hết thời hạn 3 năm, thì cô ấy viết thư về nói muốn ở lại làm thêm 3 năm nữa để kiếm thêm chút tiền. Vì về lúc này thì tiền kiếm được không đủ để trả số nợ đã vay lúc đi. Thế là cô ấy ở lại, rồi cứ lần lữa mãi cũng chưa về được, tính đến nay, cô ấy sang đó đã được 10 năm rồi".
Tôi hỏi anh Tương: “Để vợ đi lâu thế anh không thấy nhớ vợ sao?”. Anh thở dài: “Nhớ chứ! thật lòng là chẳng muốn cho vợ đi chút nào đâu, nhưng chung quy lại thì tất cả chỉ tại cái nghèo!”.
“Họ bảo các cô sang đó làm gái”
Rồi anh Tương kể tiếp: “Hồi đấy là đánh liều mới quyết định vậy thôi, chứ lúc vợ đi rồi thì cũng chua chát lắm. Vì làng xóm họ dèm pha. Họ bảo, các cô sang Đài Loan là để làm gái, rồi rửa ráy, lau chùi, vệ sinh cho các ông già Đài Loan, họ cho được đồng nào thì mới có mà gửi về cho chồng cho con kiếm bát cơm, chứ công to việc lớn gì đâu!”.
Lúc đó, mình nghe mà thấy nhục nhã ê chề lắm, chỉ muốn gọi vợ về ngay. Về nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, không thì chấp nhận cả đời làm con trâu con ngựa đi làm mướn cho người ta. Chứ đi để kiếm đồng tiền mà bị người ta đồn thổi như vậy thì sống làm sao được.
Nhưng rồi nhìn sang, thấy mấy đứa con đang đói dạc đói dài, mình lại cầm lòng. Với lại ngày đó, điện thoại không có, chả biết liên lạc bằng cách nào cho nhanh. Viết thư thì có khi cả tháng mới đến tay vợ, rồi vợ viết thư trả lời thì phải một vài tháng sau mới nhận được.
Hơn nữa, mình cũng nghĩ, người ta nói chán rồi cũng thôi, chứ ai hơi đâu mà nói mãi. Chỉ cần vợ mình không phải làm cái nghề đó để nuôi thân là được. Chứ đã chấp nhận đi làm xa, thì cực thế chứ cực nữa cũng phải cố thôi. Nếu không nghèo thì làm gì có người đàn ông nào muốn cho vợ đi làm như vậy.
Minh Minh (ghi)
(còn nữa)