- Ngoài giờ đi học, đi chơi cùng gia đình, thời gian còn lại hầu hết bị giới hạn sau cánh cửa nhà với những phương tiện công nghệ, nhiều trẻ em Hà Nội đang bị “nhốt” trong sự vô tâm của người lớn.

Tuổi thơ tù túng

Vừa hổn hển quẳng chiếc cặp sách nặng trịch lên bàn, em Bùi Yến Trang (lớp 7 một trường THCS ở Mỹ Đình) đã vớ lấy chiếc điều khiển bật ti vi – chương trình ca nhạc 24/24 mà em yêu thích: Một nhóm nhạc Hàn Quốc đang biểu diễn ca khúc theo em là đang “hot”.

Yến Trang bật điều hòa, nằm nghe nhạc. Mặc kệ dưới nhà bà nội giục đi tắm, Trang mải miết dán mắt vào chiếc ti vi. Chỉ một lát sau là cô bé chìm vào giấc ngủ mệt. Ti vi vẫn để tiếng ồn ào, cho đến khi ai đó trong nhà đi lên đánh thức em dậy đi tắm, đi ăn cơm tối.

“Ngày nào nó cũng dán mắt vào cái ti vi với máy tính. Ngày trước ti vi để dưới phòng khách, nhưng bố mẹ nó mua thêm một cái nữa nên ti vi chuyển lên phòng cho cháu nó dùng. Thành ra bây giờ, cháu nó cứ ru rú cả ngày trên phòng riêng, chẳng mấy khi xuống nhà trò chuyện với ông bà” – bà nội của Trang thở dài.

Còn Trang thì vùng vằng biện hộ: “Xuống nhà thì cũng chỉ xem ti vi thôi mà bà…”.

 

Trẻ em nhiều lứa tuổi chen chúc cày game trong một quán net. Ảnh: Tuổi trẻ
 

 

Thời gian biểu của Trang ngoài giờ lên lớp thì chẳng còn mấy cho vui chơi, giải trí. Còn những lúc được “giải trí” thì cô bé cũng không biết như thế nào mới là “giải trí lành mạnh”:

“Bố mẹ em quản chặt lắm. Em muốn đi chơi công viên, đi hiệu sách với bạn thì cũng phải năn nỉ chán chê bố mẹ em mới cho đi, mà cũng chỉ cho đi một, hai tiếng là cùng. Có lần, em xin tự đi xe đạp đến nhà bạn dự sinh nhật, không ngờ mẹ em dù đồng ý cho đi nhưng rồi lại theo dõi em. Từ lần đấy trở đi em chán, cũng chẳng muốn xin đi đâu nữa” – Trang tâm sự. Dẫu biết rằng mẹ lo cho mình, nhưng cô bé vẫn không thể nào chịu được cảnh bị giám sát như vậy.

“Xung quanh nhà em cũng có vài công viên nhưng chẳng lẽ ra xem các ông bà, các bác tập thể dục? Em thấy chẳng có chỗ nào đi chơi cả vì đi đâu bố mẹ, ông bà cũng sợ này sợ kia. Thế mà đến xem ti vi em cũng bị mắng!” – Trang bảo.

Hỏi, những năm tuổi thơ đã qua của Trang như thế nào, cô bé ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo: “Hồi em bé thỉnh thoảng được bố mẹ cho về quê với ông bà ở gần sân bay Nội Bài, em cũng thích lắm. Nhưng lâu rồi ông bà chuyển lên nhà em nên em cũng không về quê mấy nữa. Cuối tuần bố mẹ em được nghỉ làm thì cho em lên phố cổ chơi, đi siêu thị... Chiều tối thì cũng được ra xóm chơi với các chị, các bạn, còn nhiều khi bố mẹ đi vắng em phải ở nhà một mình, khóa cửa trong nhà thật cẩn thận không được đi đâu cho đến khi mẹ đi làm về”.

Xót xa cho lứa trẻ “gà công nghiệp”

Những ngày hè đang đến cũng là lúc nhiều bậc cha mẹ thêm một nỗi lo: Cho con em mình chơi ở đâu?

Tại nhiều khu tập thể, khu chung cư lớn ở Hà Nội, sân chơi chung dành cho trẻ em đang bị thu hẹp một cách xót xa. Những khoảng không gian đáng lẽ dành cho trẻ chơi đùa, chạy nhảy nay trở thành nơi đỗ xe, rửa xe, họp chợ, bán hàng, trưng biển quảng cáo... Lũ trẻ vẫn vô tư chơi đùa giữa những kiot hàng hóa, những dãy ô tô, xe máy san sát bên dưới những tòa nhà cao vời vợi.

Có những sân chơi mà thoạt nhìn, người ta không thể nhận ra khi phần lớn diện tích là các quán nước, nhà hàng, chỉ còn lơ thơ một vài chiếc xích đu, cầu trượt cũ kỹ, các phụ huynh cho con ra đây chơi cũng phải căng mắt dè chừng.

 

Những trò chơi dân gian ngày càng trở nên xa vắng với con trẻ. Ảnh: PLVN

 

Bà Mai – làm người trông trẻ cho một gia đình ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính kể: “Chiều chiều bọn trẻ con muốn đá bóng, chạy nhảy ở đây thì cũng phải để mắt, ô tô xe máy ra vào ầm ầm. Mà bụi bặm với nguy hiểm nên nhiều khi, muốn cho chúng nó ra ngoài hóng gió bố mẹ cũng lăn tăn lắm. Như cháu bé mà tôi đang chăm, học lớp 2 rồi nhưng tồ tẹt lắm. Có bảo ra công viên chơi cũng ù ì mãi mới chịu đi! Cứ như thế này trẻ ở thành phố thì đúng là gà công nghiệp hết”.

Không có chỗ vui chơi, những đứa trẻ thành phố lại chúi đầu vào những quán game online ngoài phố hay những ti vi, máy tính... mà bố mẹ trang bị cho để chúng chơi an toàn trong nhà. Đó là lý do mà “mới tí tuổi đầu chúng nó đã bật, bấm nhoay nhoáy. Như thằng cu tôi chăm đây, mới 2 tuổi đã biết dùng cái máy tính nhỏ nhỏ của bố nó thành thạo lắm. Tôi chẳng biết bật tắt thế nào đâu, nhưng đưa vào tay nó một tí là nó tự biết bật lên rồi ngồi chơi, ngoan lắm!” – lời một người bà đang trông cháu tại khu Làng Quốc tế Thăng Long.

Cách đó không xa, nơi chiếc bập bênh cũ kỹ đặt gần một dãy dài ô tô đang đỗ, có hai cô bé đang thích thú chơi cùng nhau. Những tiếng cười vô tư nắc nẻ khiến nhiều người phải ngoái nhìn cười theo, nhưng không ít người, ngay sau đó là cái thở dài hay cái chẹp miệng xót xa, chẳng biết bao giờ những đứa trẻ này mới được vui chơi, chạy nhảy vô tư như đúng cái tuổi của chúng đáng ra được hưởng.

Quỳnh Anh

(còn nữa)

KÍNH MỜI ĐỘC GIẢ CHIA SẺ Ý KIẾN HOẶC NHỮNG CÂU CHUYỆN TƯƠNG TỰ THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC GỬI THEO HÒM THƯ DOISONG@VIETNAMNET.VN
TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!