Khán giả xem chương trình KCT (đài Truyền hình Việt Nam), rất thích cách giải thích vấn đề khoa học dễ hiểu, hóm hỉnh của GS.TS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng. Lúc nào trên khuôn mặt hiền hậu của ông cũng nở nụ cười thân thiện. Phong cách đó đã giúp ông dù bước vào tuổi 75 và mang trong mình bệnh tim vẫn luôn tràn đầy sức sống.

Chậm mười phút nữa coi như…


Hẹn gặp GS Dũng không dễ bởi ông có lịch làm việc kín cả tuần. Nào việc ở viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, tham gia hội thảo, hội nghị, đi nói chuyện khoa học ở các tỉnh, tham gia đều đặn cho các chương trình truyền hình Hỏi đáp FAQ ở VTV2, Mr. Vitamin ở HTV, trả lời trên mục Hỏi gì đáp nấy hàng ngày của báo Nông nghiệp Việt Nam, làm cố vấn cho chương trình Ai là triệu phú, viết báo, viết sách và đang phấn đấu hoàn thành cuốn Từ điển Anh – Việt Vi sinh vật học và công nghệ sinh học khoảng 30.000 từ (hiện mới xong chữ A mà đã trên 250 trang)… Với cường độ làm việc như vậy, chẳng ai nghĩ ông đang mang trong mình bệnh tim.

Năm 2009, trong một lần tiếp xúc cử tri tại Dăk Lăk (GS Dũng còn là đại biểu Quốc hội), ông thấy người hơi mệt. Tuy nhiên, để kịp cho buổi ghi hình chương trình Chào buổi sáng của VTV1 đã lên lịch, ngay tối đó ông bay ra Hà Nội. Sáng sớm hôm sau, dù người chưa khoẻ giáo sư vẫn đến trường quay đúng hẹn vì biết rất khó có người thay thế. Buổi lên hình được hoàn thành nhưng sau đó ông thấy người choáng váng, mồ hôi đầm đìa, mắt mũi sa sầm, nên vội lên taxi về nhà ngay. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình bị cảm chứ không nghĩ đến bệnh tim vì không thấy đau gì ở ngực”, GS Dũng nhớ lại.

Từ trước đến lúc ấy, do chưa bao giờ phải đi bệnh viện nên ông rất tin tưởng vào sức khoẻ của mình. Nhưng lần đó, giáo sư kêu mệt khiến cả nhà lo lắng xúm vào kiểm tra sức khoẻ cho ông(*). Ngay cả TS.BS Nguyễn Lân Hiếu cũng không tin bố mình mắc bệnh tim. Anh chẩn đoán bố bị đau bụng, nhưng GS Dũng nghĩ nếu đau bụng sao trong người mệt mỏi thế. “Con xem lại cho bố, bố chưa bao giờ mệt thế này”, GS Dũng nói với con trai. BS Lân Hiếu mượn máy điện tim về kiểm tra và thốt lên: “Bố bị nhồi máu cơ tim cấp”. Cả nhà nháo nhào đưa ông vào viện.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, viện Tim quốc gia cũng lo lắng: “Chỉ chậm mười phút nữa là bác không qua khỏi đâu!”

Ca phẫu thuật cấp cứu diễn ra ngay sau đó. GS Dũng được chẩn đoán có ba chỗ tắc ở động mạch vành và cần đặt stent. Rất may thời điểm đó trong kho có sẵn stent phù hợp. Lần lượt trước sau hai chiếc stent được đặt vào động mạch vành. Sau đó, chiếc stent thứ ba không đặt được, các bác sĩ tính đến phương án mổ bắc cầu, lấy một mạch máu dưới chân để nối vào. Tuy nhiên, phương án này khá mạo hiểm do tuổi ông đã khá cao, việc mổ hở khó an toàn. Cuối cùng, mọi người quyết định chỉ đặt hai stent mà thôi. Sau vài ngày nằm viện, GS Dũng về nhà và tiếp tục công việc ngay.

“Niềm vui công việc đem lại sức khoẻ”


GS Nguyễn Lân Dũng bảo, ba năm qua sau ca phẫu thuật ông không một lần kiểm tra lại sức khoẻ dù bác sĩ có yêu cầu. Tuy nhiên, việc uống thuốc hàng ngày, tập luyện thể dục và giữ chế độ dinh dưỡng hợp lý thì ông không quên. “Trong cuộc sống hãy lạc quan, yêu đời, sống thoải mái, tinh thần là quan trọng nhất. Lấy công việc làm niềm vui. Có như vậy sẽ khoẻ mạnh và sống lâu”, GS Dũng chia sẻ quan điểm sống của mình.

Bên cạnh những công việc đã lên lịch hàng ngày, dù tuổi đã cao và khá bận nhưng giáo sư không bao giờ từ chối khi các địa phương mời đi nói chuyện khoa học. Thời gian rảnh không nhiều nhưng nếu không đi công tác, không giúp đỡ các đồng nghiệp, ông lại quay vào viết cho xong cuốn từ điển đang dở dang. Giáo sư bảo: “Cụ Nguyễn Lân viết cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2.200 trang) năm 90 tuổi, đến 95 tuổi thì hoàn thành. Tôi còn trẻ hơn nhiều, còn sức nên sau ba năm nữa tôi sẽ cố gắng hoàn thành cuốn từ điển này”.

Theo SGTT 


TS.BS Phạm Mạnh Hùng, tổng thư ký hội tim mạch Việt Nam:

Cảnh giác với cơn đau ngực kèm thở nhanh

Nhồi máu cơ tim là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành. Nhồi máu cơ tim, nghĩa là có một nhánh mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm chết vùng cơ tim mà nhánh mạch máu này nuôi dưỡng. Trong khi ở các nước, bệnh về mạch vành giảm thì tại Việt Nam số người mắc lại tăng. Nguyên nhân cơ bản nhất là chế độ ăn uống thiếu hợp lý, căng thẳng và thiếu tập luyện. Biểu hiện của bệnh là những cơn đau thắt ngực, dữ dội, khó thở. Đôi khi đau ngực kèm thở nhanh, báo hiệu bị nhồi máu cơ tim.

Cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim tốt nhất là giữ cho tinh thần thật thoải mái, thư giãn. Cần chú trọng bữa ăn có đầy đủ thành phần dinh dưỡng, nên ăn nhiều cá, sử dụng sinh tố C, E, tiền sinh tố A, kiểm soát cân nặng, ăn nhiều rau quả, ít muối, hạn chế mỡ, chăm tập luyện thể thao, không hút thuốc lá và có cuộc sống tinh thần thoải mái.

Trong trường hợp bị nhồi máu cơ tim, biện pháp tốt nhất là nghỉ ngơi tại chỗ, không cố gắng vận động. Sau đó bệnh nhân phải được nhanh chóng đưa vào bệnh viện để điều trị tích cực chứ không được điều trị tại nhà. Với những người đã được xác định bị bệnh mạch vành hoặc từng bị nhồi máu cơ tim, biện pháp
cấp cứu là dùng ngay thuốc giãn mạch vành.