- Đàn ông cũng nhiều người ích kỷ thật, họ bảo các bà bầu “đứng một tí thì đã chết ai?” vậy thì các ông “đứng lên một tí thì chết à ??? Hay là hao hụt đi cân nào ???...


Sau khi bài viết “Chửa vượt mặt vẫn bị đàn ông tranh ghế ngồi” được đăng tải, rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến về tòa soạn bày tỏ sự bức xúc về cách hành xử thiếu văn hóa của một số những người đàn ông đã được nhắc đến phía trên. Không những thế, phần đa các ý kiến này còn cho rằng, đây là một hiện tượng không hiếm gặp trong đời sống xã hội hiện nay.

“Còn nhiều cái chướng hơn”

Một độc giả tên Quý tâm sự: “Hồi có bầu đi khám trong bệnh viện Bạch Mai, mấy chị em đi xét nghiệm máu là toàn tuần thai lớn rồi, mà cứ yên tâm nhé vác bụng mà đứng. Hết nói luôn. Rồi khi sinh con rồi, cố cho có không khí trong lành, thấy anh nào hút thuốc thì xin không hút để trẻ con không khổ. Nhưng không được đâu ạ. Các anh vẫn hút, chỉ khi có vợ, con các anh thì các anh không hút, còn vợ con người khác thì kệ. Thật tồi tệ”.

Ngay sau đó, trên diễn đàn Web trẻ thơ, một bà bầu cũng chia sẻ câu chuyện mà mình đã gặp phải trên một chuyến xe buýt khi đã mang bầu ở tháng thứ 7. Bà bầu này kể: “Sáng, vừa khệ nệ ôm cái bụng leo lên xe buýt , thấy còn 1 ghế trống, đang định lại ngồi thì một chàng thanh niên cao to, khỏe mạnh, sáng láng, chen từ phía sau, xô mình một phát xém té, ngồi luôn vào ghế rồi giả vờ như sắp xỉu tới nơi, nhắm nghiền mắt lại. Thế là có chị ngồi hàng dưới nhường cho mình. Xe chạy một đoạn thì anh chàng kia mở mắt ra, lôi tập báo ra đọc rồi cười hí hí. Ôi ...”

Lại có những ông, đi xe buýt, đang ngồi chẫm chệ trên ghế, thấy bà bầu tiến lại gần mà không hề có ý định nhường khiến bà bầu này phải nói bằng cái giọng 2/3 xe nghe thấy: “Anh cho em ngồi nhờ với ạ!”. Thế mà ông này chỉ ngẩng đầu lên rồi... dịch mông vào, chừa ra khoảng 5cm ghế, bảo bầu: “Uh, em ngồi đi!”. Mà đã bầu to tướng thì ngồi thế nào được với 5cm ghế! Thế là bà bầu lại phải dõng dạc thêm một lần nữa: “Em đang có bầu anh ạ, phiền anh nhường em cả ghế chứ ngồi chung em không ngồi được” khiến cả xe đổ dồn ánh mắt về phía người đàn ông. Ông này đành bật khỏi ghế, và nhường ghế cho bà bầu. Nhưng nhường được cái ghế thì ông ta lại vô duyên đứng ngay trước mũi bà bầu, thế là bà bầu phải xoay người, ngồi chìa ngay chân ra lối đi (vì chả còn cách nào khác). Chị phụ xe nhìn thấy, phải tru tréo lên: “Anh kia, anh ra chỗ khác ngồi đi, đây tôi dọn chỗ cho anh ngồi đây! Chị ấy vác bầu to thế mà anh đứng vậy anh nhìn được à” - câu chuyện được một mẹ trên Web trẻ thơ kể lại.

Còn ở các phòng khám sản như 56 Hai Bà Trưng, hay Phụ sản Hà Nội, sản C, ... thì cảnh những người đàn ông chễm chệ ngồi trên ghế trong khi các bà bầu bụng chửa vượt mặt phải đứng vạ vật. Rồi phải đến khi các bà bầu đến xin ghế mới chịu đứng lên thậm chí không, đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Có độc giả còn kể lại câu chuyện về một ông chồng “vô duyên” tới mức “vợ thì bầu to vượt mặt, đi xếp hàng đóng tiền siêu âm đã mệt rồi, về thấy chồng ngồi 1 đống, chồng cũng chẳng buồn đứng lên nhường chỗ cho vợ, chỉ nhích ra 1 chút cho vợ ngồi, lại còn phải ngồi lên cái thanh đỡ giữa 2 cái ghế nữa chứ”.

Không phải mọi đàn ông đều thế, nhưng...

Tất nhiên, không phải mọi đàn ông Việt đều hành xử thiếu văn hóa như thế, nhưng có một bộ phận không phải là nhỏ như thế này đang tồn tại, nhất là những thanh niên thời nay.

Chính vì thế cho nên, nhiều độc giả đã mang cách hành xử này để so sánh với cách hành xử của con người ở một số nước trên thế giới.

“Không phải em khen "tây" nhưng quả tình, văn hoá "nhường" của chúng ta hơi kém!” - Một độc giả có nick name ngocbich9385 nêu quan điểm.

Để chứng minh cho quan điểm của mình, độc giả này đã kể một câu chuyện về cô bạn: “Đi từ trong Vinh ra Hà Nội để học, đều đều 1 tuần 1 lần đi tàu hoả, bụng bầu to 6,7 tháng như cái trống, đến lớp lắc đầu kể rằng: mình đi tàu nằm, có cặp vợ chồng người Peru, thấy mình bụng to, tự nguyện nhường mình nằm giường dưới, họ leo lên tầng trên. Trong khi mình đi cùng một cặp vợ chồng Việt Nam, cả hai trơ mắt nhìn mình trèo lên giường tầng 3".

Đồng tình với quan điểm này, một độc giả trên diễn đàn web trẻ thơ cũng viết: “Tớ không muốn so sánh khập khiễng, nhưng hồi ở Nhật đi tàu điện, trên đó bao giờ cũng có một số ghế ưu tiên cho người già, bà bầu với trẻ em. Những khi tàu đông nhiều người phải đứng mình cũng thấy ghế không ai ngồi vì có lẽ người ta ý thức được mình không thuộc đối tượng "ưu tiên". Và, có lúc họ tranh thủ ngồi nhưng khi có người thuộc "nhóm ưu tiên" đến là họ đứng lên ngay mà không cần nhắc nhở.

Trong khi “Ở VN mình cái "văn hóa nhường" xem ra còn xa xỉ quá. Chẳng nói đâu xa, mình đi siêu thị, tay dắt con nhỏ mà lắm lúc nhiều anh, nhiều bạn sinh viên cũng chen vô tư để được thanh toán trước. Có lúc mình nhắc nhở thì nhận được câu trả lời như "em mua ít mà",,,hay "thông cảm đang vội"...”.

“Thế cho nên, để dần dần khắc phục tình trạng này, khi thấy cảnh chen lấn hay không nhường chỗ thì mọi người nên góp ý ngay.

Các bà bầu cũng vậy, nếu thấy các ông thiếu ý thức ngồi chễm chệ trên ghế trong khi các bà bầu chửa vượt mặt phải đứng vạ vật thì cũng nên thẳng thắn yêu cầu các ông trả ghế chứ đừng chờ đợi tính lịch sự hay tự giác của những người này”.

Hơn nữa là bản thân những người vợ có chồng đến những nơi công cộng, cũng nên nhắc nhở chồng. Vì “đàn ông có khi nhường ghế cho bà bầu khác lại lo vợ mình lườm nguýt, nói mát nói mẻ ý chứ”. Với lại, nhiều bà vợ cũng có lỗi. Vì khi đi cùng chồng “có bao nhiêu bà tự giác kêu chồng đứng dậy nhường chỗ cho bà bầu?” - Một độc giả nam nêu quan điểm.

Minh Minh