Nuôi con tự kỷ cần sự kiên trì nhẫn nại và lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Chị Tuyết không biết nhiều về căn bệnh “tự kỷ”, nhưng lòng yêu thương và sự kiên nhẫn ở chị thì đã qua bao nhiêu mùa thử thách.


Lần bước chữa chạy cho con

Tranh thủ thái đống su hào tươi đem ra sân phơi, chị Tuyết bảo, vì su hào rẻ quá nên chị mua đem về phơi làm thức ăn khô. Mấy hôm nay không có việc gì, ở nhà trông con cũng sốt ruột. Chỉ một thoáng “xao lãng” khỏi con như thế, rồi chị lại quầy quả vào nhà xem đã sắp đến giờ cho con uống thuốc hay chưa.

Chỉ có một mụn con trai duy nhất, lại rơi vào hoàn cảnh bệnh tật, nhưng mười lăm năm qua, chị Trịnh Thị Tuyết chưa bao giờ bỏ bê con. Xuất thân trong gia đình làm nông, không được học nhiều, nên lần đầu nghe về “tự kỷ”, chị cũng không hiểu nhiều về bệnh. Chị chỉ biết rằng con mình không bình thường, khó có thể chữa chạy cho con khỏi hoàn toàn được. 15 năm đã trôi qua, nhiều khi vô vọng, nhiều khi đau khổ, nhưng chị không bỏ cuộc. Chị luôn tin rằng, phải có cách gì đó để khắc phục tình trạng của con trai.

Chị đã cùng con đi qua 15 năm cuộc đời nhiều gian khổ.

Hành trình nuôi con tự kỷ của chị cũng thật tài tình, bởi tất cả đều do chị tự dò dẫm tìm hiểu thông tin. Hết Đông y, Tây y chị lại nhờ người nhà, người quen tìm cách thuốc thang, hỏi han nơi chạy chữa. Suốt 8 năm đầu đời của con, chị mải miết ôm con đi khám chữa ở nhiều nơi.

“Ngày ấy nhà còn chưa có xe máy, tôi cứ đạp xe chở cháu đi, hoặc nhờ anh em họ hàng chở đi. Nhưng cũng chẳng thấy ăn thua” – chị Tuyết kể lại.

Đến tuổi mẫu giáo, cháu vẫn chẳng biết gì, chị xót con, đến nhờ cậy các cô mầm non trong làng. Các cô thương con, thương mẹ, nhận Hiếu vào học.

“Nhưng chỉ được một vài hôm, nó quậy, nghịch quá và các bạn trong lớp sợ nên các cô lại bảo tôi đưa cháu về nhà. Tội cháu nó lắm, vì cháu thích được tiếp xúc nhiều với mọi người, nhưng cũng đành chịu” – chị kể.

Chị trở thành cô giáo của con, dạy dỗ con từng li từng tí để nhận biết về thế giới xung quanh. Nhưng “đâu lại vào đấy” khi Hiếu quên mau, thậm chí còn nổi cáu, đánh cả mẹ.

Không bỏ cuộc, khi nghe có trung tâm dành cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ ở cách nhà khoảng chục cây, chị liền tới gặp cô Giám đốc trung tâm trình bày hoàn cảnh, xin cho con vào học.

Hiếu được nhận vào học bán trú. Thế là ngày ngày, chị chở con đến trường, lòng khấp khởi mừng thầm con có nơi có chốn được dạy dỗ đàng hoàng, được tiếp xúc với bạn bè sẽ tốt lên. Nhưng cũng chỉ được vài tuần, Hiếu lại bị gửi về.

“Các cô không kiểm soát được cháu, vắng mẹ, cháu nó lại tự đánh đập mình, rồi gào khóc thảm thiết. Các cô thương nhưng không làm gì được, tôi đành phải đưa cháu đi”, chị Tuyết nói.

Biết con thích được đến chỗ đông người, ở nhà vắng, chỉ có một mình sợ con càng bị nặng hơn, chị vẫn kiên nhẫn tìm trường cho con học. Nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép, nên phải đến năm Hiếu 13 tuổi, chị Tuyết mới xin gửi được Hiếu vào học tại một trung tâm dành cho trẻ tự kỷ ở Long Biên, Hà Nội.

Nụ cười không tắt

Đối với chị Tuyết, việc Hiếu vào học được tại trung tâm là một niềm vui, may mắn lớn. May mắn ấy lại tiếp thêm động lực cho chị trong hành trình nuôi con tự kỉ.

“Được các cô chăm sóc, chữa trị bằng nhiều phương pháp, lại có bạn có bè nên cháu cũng tỏ ra thích thú, tiến bộ nhiều. Cháu hiểu hơn, ngoan hơn, biết nghe lời hơn” – chị Tuyết vui vẻ nói.

Niềm vui của chị tràn cả sang người đối diện. Hiếu không còn đập phá, quấy khóc nhiều như trước nữa. Những lúc lên cơn tăng động, chị vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn là cháu đã biết nghe lời, phản ứng lại với chị.

“Cháu cũng biết cầm bát, cầm đũa, đó là điều mà tôi không ngờ được” – chị cười rất tươi chia sẻ.

Trong nhà, chị vẫn là người có sức “ảnh hưởng” hơn cả đối với con. Hiếu sợ bố, nhưng tỏ ra quấn quýt, nghe lời mẹ. Đôi khi, trong những khi hai mẹ con nằm cạnh nhau, chị nhẹ nhàng vuốt ve, thủ thỉ trò chuyện, Hiếu lại nằm im như thấu hiểu. Chị bảo, những lúc ấy, giá như cháu nó nói được thành lợi, một câu gọi mẹ thôi thì sung sướng quá...

Điều ước ấy của chị Tuyết vẫn chưa trở thành sự thật. Nhưng với chị, có những tiếng gọi mẹ nơi đáy mắt cậu con trai bé bỏng mà chỉ mình chị nghe thấy được.

Điều chị lo lắng, đau lòng nhất lúc này, là tình trạng sức khỏe của Hiếu: “Cháu nó yếu hơn trước nhiều, người lẩy bẩy, sơ sẩy một chút là lại ngã, tai nạn chồng tại nạn, không biết đến khi nào cháu mới khỏe lại được...”.

Nhiều đêm trằn trọc thức cùng con tới 1, 2h sáng mà con không ngủ được, chị lại càng xót ruột. Đối với chị bây giờ, chẳng có điều ước nào quý giá hơn là đứa con trai bé bỏng của chị được lành lặn, khỏe mạnh...

Quỳnh Anh