Yêu vội vàng, rồi lại vội vàng mang cả cuộc sống và hạnh phúc của mình ra để đặt vào tay kẻ sở khanh, nhiều nữ công nhân vẫn còn chưa hết mê muội …
Những phép tính hạnh phúc
Biết tôi là phóng viên đến tìm hiểu về đời sống tình cảm của các công nhân nữ. Hiếu (công nhân công ty Canon – khu công nghiệp Bắc Thăng Long) bỗng trở nên e dè và kiên quyết không tâm sự câu chuyện của mình cho đến khi nhận được lời hứa, không đưa ảnh và tên thật lên báo.
Quê của Hiếu là vùng đất nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nhà Hiếu có 6 người, nhưng chỉ có 8, 9 sào ruộng, nên chị em Hiếu chỉ được học hết cấp 2. Riêng Hiếu là con út nên được ưu tiên cho học lên đến cấp 3.
Đến khi học xong, Hiếu theo anh trai lên Hà Nội làm thuê kiếm sống và phụ giúp bố mẹ ở nhà. Rồi Hiếu học thêm lên trung cấp Kế toán và xin được việc trong công ty Canon.
Công nhân công ty Canon trước giờ giao ca |
Gần 3 năm thuê trọ ở mảnh đất này, Hiếu đã kiếm được một người yêu như mơ ước của bao nhiêu những nữ công nhân khác. Người yêu của Hiếu là người có nhà to và cái hộ khẩu thường trú Hà Nội hẳn hoi.
Chính vì thế Hiếu không hề tiếc người yêu bất cứ thứ gì, kể cả thể xác và những đồng tiền công nhân ít ỏi mỗi khi người yêu cần.
Nhưng người yêu của Hiếu thì chẳng phải là kẻ chung tình. Tuy có Hiếu nhưng vẫn đi chơi bời ong bướm với các nữ công nhân khác.
Biết vậy, Hiếu bàn với người yêu về chuyện cưới xin, nhưng bị anh gạt phắt với lý do “chưa muốn bị giàng buộc vợ con” và “vẫn còn trẻ đã cưới xin làm gì cho khổ ra”.
Sau năm lần bẩy lượt mà người yêu vẫn từ chối kết hôn, Hiếu đành mạo hiểm để cho có thai, với hy vọng có thể “trói chân” anh người yêu lại.
Không ngờ, tính toán đó của Hiếu lại là tính toán sai lầm. Vì ngay khi nghe tin Hiếu có thai, anh này đã lập tức bắt Hiếu đi phá thai với lời hứa hẹn: “để cuối năm cưới sẽ đẹp hơn”.
Sau lần đó, anh người yêu tránh mặt Hiếu hoàn toàn, và chuyển sang cặp kè với một nữ công nhân ở ngay làng bên cạnh.
Nói đến đây thì Hiếu khẽ cúi mặt và lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên má : “em đã rút ra kinh nghiệm rồi, chẳng có tính toán nào có thể trói chặt được người không thật lòng yêu thương mình” .
Nói rồi, Hiếu liếc nhìn sang phòng trọ đối diện vẫn còn đang đóng cửa im im rồi thở dài : “Như chị Hoa bên kia cũng khổ, sống thử với người yêu 6 năm nay rồi. Đi nạo thai đến 2, 3 lần gì đó rồi mà anh người yêu đã chịu cưới cho đâu. Bây giờ người cứ khô đét lại. Chả biết có còn đẻ được nữa không.”
Chỉ phòng khám sản là lời
Rời phòng trọ của Trang và dạo một vòng quanh khu thuê trọ của các công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, có một điều rất dễ nhận thấy đó là, có rất nhiều những phòng khám tư nhân được mọc lên. Trong đó, chiếm chủ yếu là các phòng khám sản như phòng khám A.B, P.N, K.C ...
Nhân viên y tế phòng khám A.B: Mỗi ngày phòng khám có đến gần chục nữ công nhân đến xin nạo phá thai |
Theo lời của chị Lê Thị Sàng - Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Bầu (Kim Chung - Đông Anh): Chỉ tính riêng thôn Bầu đã có tới 6 phòng khám, trong đó có tới 4 phòng khám có chuyên khoa về sản. Các thôn bên cạnh cũng không kém phần đông đúc các phòng khám sản khoa.
Một nhân viên y tế của phòng khám A.B thuộc thôn Hậu Dưỡng (Kim Chung - Đông Anh - Hà Nội) cho biết, bệnh nhân đến với phòng khám chủ yếu là công nhân của khu công nghiệp. Bên cạnh các ca khám chữa bệnh về các vấn đề khác, thì xấp xỉ mỗi ngày, phòng khám cũng có tới hàng chục nữ công nhân đến đăng ký nạo phá thai.
Mỗi ca nạo phá thai dưới 7 tuần thì thì chi phí vào khoảng 500 nghìn (đã bao gồm thuốc uống 10 ngày sau nạo phá thai). Đây là khoản chi phí khá rẻ, cho nên có những công nhân tới phòng khám để phá thai đến vài lần trong một năm.
Theo lời của nhân viên này, bất cứ nữ công nhân nào đến nạo phá thai cũng được bác sĩ đưa ra lời khuyên và cảnh cáo về hậu quả việc việc nạo hút thai, tuy nhiên, số lượng người nạo hút thai thì lại càng ngày càng tăng.
Minh Minh