"Ui giời mấy đứa sida ấy mà, mấy đứa này chắc chỉ đi làm cave mới bị như thế" - lòng quặn đau nhưng chị vẫn cười tươi rói trước những lời cay độc của thiên hạ.

Chị là Đ.T.T - chủ nhiệm CLB Hoa cỏ may, một CLB người có HIV ở Vũ Thư, Thái Bình - người phụ nữ lạc quan nhất mà tôi từng gặp.

Tôi là người có HIV

Chị đã dõng dạc nói "Tôi là người có HIV" trong buổi họp phụ huynh của con, và không biết bao nhiêu lần trong các cuộc họp, hội thảo, truyền thông về HIV khác. Trong suốt cuộc hành trình công khai này, chị đã nhận về rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ và khâm phục từ biết bao người xa lạ.

Chị phát hiện mình có HIV khi đứa con gái bé bỏng vẫn còn đang bú sữa mẹ. Hoang mang, suy sụp lắm nhưng chị vẫn không trách móc chồng, người đã gieo căn bệnh quái ác cho mình, nửa lời. Chị vẫn bên anh, ân cần chăm sóc bởi lúc đó anh đã chuyển sang giai đoạn cuối AIDS.

Quần quật ngoài đường từ 5 giờ sáng đến tận 1-2 giờ đêm, chị bảo dù vất vả đến đâu vẫn cứ làm miễn không phải xin ai đồng nào (Ảnh: La Hoàn).

"Khi phát hiện có HIV mình rất là sốc. Khóc như mưa trên đường từ phòng xét nghiệm về nhà. Lo sợ về bệnh tật bao nhiêu thì càng thương con bấy nhiêu vì lúc đó con vẫn còn đang bú", chị nhớ lại cái ngày "cơn bão" HIV ập vào tổ ấm của chị.

Một thời gian ngắn sau, chồng chị qua đời. Cả xóm biết chồng chị chết vì sida nhưng không ai biết chị bị nhiễm từ chồng vì nhìn chị rất to khỏe. Thay vì giấu giếm để có cuộc sống yên bình, chính chị là người nói ra mình bị HIV cho những người trong xóm.

"Cũng may hàng xóm đều là những người tốt bụng, rất thương hai mẹ con. Nhiều người biết chuyện không những không xa lánh mà còn tìm cách giúp đỡ. Con mình đến tuổi đi học vẫn được đến lớp học bình thường", chị chia sẻ.

Chị bảo, ban đầu khi con chị bắt đầu đi học, có phụ huynh phản đối không cho học chung vì sợ lây cho con họ, chị mới dõng dạc tuyên bố trong buổi họp phụ huynh rằng "tôi là người có HIV, nhưng con tôi không bị nhiễm từ mẹ, cháu hoàn toàn khỏe mạnh", cùng với chia sẻ kiến thức về HIV rồi mọi người cũng chấp nhận.

Từ thiệt thòi mà con chị gặp phải, khi đi dự đám ma của những người đồng cảnh ngộ chứng kiến cảnh các cháu nhỏ mất đi cha mẹ khi vẫn còn đang bú chị quyết tâm phải làm một điều gì đó. Thế là chị thành lập CLB Hoa cỏ may, vừa là nơi chia sẻ, tâm sự của các chị em đồng cảnh ngộ, vừa tạo điều kiện giúp đỡ trẻ là nạn nhân của HIV như tìm nguồn hỗ trợ, giúp các cháu tiếp cận với các chính sách xã hội.

Miễn không phải xin ai đồng nào!

Tốt nghiệp CĐ Thủy sản Hải Phòng, chị từng là nhân viên của một số công ty lớn ở Hải Phòng. Khi trở về quê hương lấy chồng, hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng mất, bản thân mắc phải căn bệnh thế kỷ từ chồng, chị phải bươn trải kiếm sống bằng đủ thứ nghề để nuôi con nhỏ từ bán rau, bán quần áo, bán nước, giờ là bán chân gà nướng. Ấy thế nhưng chị chưa bao giờ gục gã, chị vẫn lạc quan dù cuộc sống vất vả, thiếu thốn.

"Hồi mới mở quán, mọi người cũng xì xèo ghê lắm. Người thì bảo Ui giời mấy đứa sida ấy mà, mấy đứa này chắc chỉ đi làm cave mới bị như thế. Có người còn bảo chúng mình bán ma túy vì thấy người nghiện hay sà vào. Tất nhiên họ ngồi đấy uống nước, chia sẻ về HIV với nhau nhưng xã hội nhìn vào vẫn có những định kiến", chị chia sẻ.

Chị T. trên sân khấu thi tuyên truyền viên HIV giỏi (Ảnh tư liệu)

Chị bảo, người có HIV đã khổ, nếu không có kinh tế thì người có H càng khổ hơn. Thế nên dù vất vả đến đâu chị vẫn cứ làm, miễn không phải chìa tay xin ai đồng nào.

Ngày bán nước, bàn chè, đêm bán thêm chân gà nướng, ngày nào chị cũng quần quật từ 5 giờ sáng đến 1-2 giờ đêm mới về nhà. Chị bảo còn khỏe ngày nào phải cố làm ngày đó để lo cho con.

"Dù rất lạc quan nhưng phải nhìn vào thực tế. Bây giờ còn khỏe mạnh nhưng căn bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa, mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Chỉ lo cho con, thương con, nếu để lại được cho con chút kinh tế nào đó có lẽ sẽ đỡ khổ hơn", chị tâm sự.

Vừa bán nước, bán chè, chị vẫn duy trì hoạt động tuyên truyền, tư vấn HIV như trước đây - tuyên truyền viên giỏi của dự án Phòng chống HIV do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chị nói: "Trước tham gia dự án có hỗ trợ thì làm thêm vài việc linh tinh nữa cũng tạm đủ hai mẹ con sống. Giờ dự án kết thúc, không còn sự hỗ trợ nhưng mình sẽ cố gắng duy trì các hoạt động tư vấn tuyên truyền. Quán gần trung tâm y tế nơi mọi người đến lấy thuốc, nên cứ buổi sáng thứ 2 hàng tuần, mọi người lại tập trung ở đây nói chuyện thay vì một tháng sinh hoạt CLB 1 lần như trước kia".

Với những gì đã và đang làm, chị đã khiến không ít người khâm phục bởi nghị lực vươn lên hoàn cảnh của mình.

"Bình thường mình thi trượt hay làm hỏng một việc gì đó thôi là đã suy sụp lắm rồi. Đằng này mắc phải căn bệnh chưa có thuốc chữa, cuộc sống chưa biết thế nào mà vẫn lao động, vẫn lạc quan như thế này thật quá khâm phục. Người phụ nữ lạc quan nhất Việt Nam là đây chứ đâu", anh Tâm, một khách hàng quen thuộc của quán chia sẻ.

La Hoàn