Những chuyện ngỡ rằng nhỏ nhưng thực ra chẳng nhỏ chút nào khiến du khách phiền lòng, một đi không trở lại. Trong khi nhiều địa phương thiếu sự quan tâm thì TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An... lại biết chăm chút để giữ chân du khách

Ấn tượng rõ nhất của du khách khi đến với Hội An là cái chân chất, thiệt thà trong mua bán của người dân bản địa. Ở TP này, người bán nói thách rất ít và thường bán với giá vừa phải. Sự mặc cả gần như chỉ mang tính chất giao lưu giữa người bán và người mua. Chính điều đó làm nên nét ứng xử văn hóa đặc trưng của người dân Hội An.

Chuyện xôn xao phố cổ


Vì vậy, khi có thông tin về hiện tượng “chặt chém” du khách nước ngoài ở Hội An trên một số báo, TP nhỏ này đã xôn xao và chính quyền lập tức vào cuộc chấn chỉnh. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Minh An, cho biết: “Phường chỉ nhận được thông tin về việc tăng giá ở 2 địa chỉ là quán cơm gà Nga ở số 8 Phan Châu Trinh và hớt tóc Xuân Trinh ở số 91 Trần Phú và đã xử phạt, nhắc nhở”.

Chị Nga cho chúng tôi xem biên bản xử phạt của đội QLTT và nói quán của chị bị oan khi báo chí đưa tin có hiện tượng “chặt chém” ở đây. Trên thực tế, quán của chị có bị đội QLTT xử phạt nhưng với lỗi vi phạm là không niêm yết giá bán trên tường và một vài lỗi bày biện, trang trí cửa hàng chứ không phải bị phạt do “chặt chém” du khách.

Sau khi nộp phạt, chị Nga đã niêm yết giá ngay trên tường. Còn ông Vũ Thanh Sơn, chủ tiệm hớt tóc Xuân Trinh, cho biết: “Tôi có lấy tiền của khách nước ngoài nhiều hơn khách Việt chút đỉnh và cho đó là điều hợp lý vì tôi làm cho họ cẩn thận hơn. Nhưng từ khi nghe chính quyền nhắc nhở, chúng tôi cũng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình với việc giữ gìn môi trường kinh doanh”.

Du khách tại một nhà hàng trong phố cổ. Ảnh: UYÊN NGUYÊN

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết: “Việc “chặt chém” du khách ở Hội An tuy mới xuất hiện ở một - hai cửa hàng nhưng chúng tôi kiên quyết xử lý ngay, không chỉ để giữ ấn tượng tốt đẹp cho du khách hay để họ có thiện cảm, quay trở lại đây mua sắm mà chúng tôi làm vì muốn sửa chữa, uốn nắn ngay những biểu hiện lệch lạc trong nếp ứng xử văn hóa của người Hội An.

Đúng là khi có thông tin từ báo chí, chúng tôi đã tiến hành xử lý ngay lập tức nhưng ngay cả khi tự phát hiện điều bất hợp lý trong ứng xử này, chính quyền Hội An cũng kiên quyết xử lý để giữ gìn nếp sống văn hóa của người Hội An”.

Ở Hội An giá một tô cao lầu ở quán này có thể là 30.000 đồng nhưng ở quán khác có thể lên đến 50.000 hay 60.000 đồng. Chia sẻ về điều này, ông Sự nói: “Chúng tôi để cho người dân Hội An tự quyền định giá mặt hàng chứ không ép vào một khung giá nhất định. Mỗi nhà hàng có thể định giá sản phẩm khác nhau tùy vào thương hiệu cũng như chất lượng phục vụ. Nhưng chúng tôi có chủ trương niêm yết giá trên tường để ngay từ đầu, khách hàng và chủ quán có thể thống nhất việc mua bán”.

Đà Nẵng: Lập đội trật tự du lịch ở từng quận, huyện

Trước đây, UBND TP Đà Nẵng đã lập Đội Trật tự du lịch gồm các thành viên được tuyển chọn từ lực lượng thanh niên xung kích, công an, đội quy tắc trật tự đô thị để dẹp nạn chèo kéo, quấy rối du khách, trọng điểm là các khu vực trung tâm như Nhà hát Trưng Vương, đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, chợ Hàn... Cùng với lực lượng này, Đà Nẵng đưa ra mức phạt: Hành vi đeo bám, cò mồi, chèo kéo du khách hay có lời nói, cử chỉ thô bạo, thiếu văn hóa ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 60.000 đến 100.000 đồng. Nếu tái phạm, có thể bị phạt 1 - 2 triệu đồng.

Ông Vũ Thanh Sơn và tờ ghi cảm tưởng của khách hàng.

Lúc đó, nhiều người tin rằng khi có Đội Trật tự du lịch, du khách sẽ không còn bị quấy rầy. Tuy nhiên, sự yên lành của du khách chỉ ở khu vực trước Quảng trường Nhà hát Trưng Vương, còn lại lúc du khách tham quan, mua sắm ở trung tâm Đà Nẵng, lập tức bị đám cò mồi đeo bám chèo kéo. Hình ảnh du khách bị làm phiền, xua tay giận dỗi, lắc đầu từ chối diễn ra trên nhiều tuyến đường.

Tại một tiệm bán hàng thời trang và hàng lưu niệm trên đường Phan Châu Trinh, vuông vải thực giá 300.000 đồng được hét lên 500.000 đồng. Nếu khách mua thì sau đó cò sẽ trở lại tiệm để lấy khoản tiền chênh lệch. Cũng chiêu này, lúc du khách ngắm nghía chiếc ba lô có giá thực 480.000 đồng, tay cò hét lên 40 USD (khoảng 800.000 đồng). Dù rất bực mình nhưng người bán lẫn chủ tiệm chỉ biết im lặng, tránh phiền toái về sau.

Nhờ các biện pháp của chính quyền và ý thức của người dân trong giữ gìn nếp sống văn hóa, hầu hết du khách khi được hỏi đều cho biết rất hài lòng với giá cả ở Hội An.

Chị Lâm Thanh Thủy (giáo viên Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, Ba Đình - Hà Nội), nói: “Từng đi nhiều nơi nhưng khi đến Hội An, tôi rất hài lòng về dịch vụ. Giá hàng ăn ở đây thật rẻ và gia đình tôi đã thưởng thức hầu hết những món ngon của Hội An”.

Tại cuộc họp bàn giải pháp chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch trên địa bàn diễn ra ngày 27-6, đại diện các cơ quan trách nhiệm của TP Đà Nẵng cho rằng: Do lực lượng mỏng nên Đội Trật tự du lịch chỉ mới hoạt động trong phạm vi hẹp (chủ yếu trong địa bàn quận Hải Châu) và do đội này trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đà Nẵng nên thẩm quyền có hạn.

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã quyết định giao nhiệm vụ chống đeo bám, chèo kéo du khách về các UBND quận, huyện chủ trì triển khai thực hiện, còn Sở VH-TT-DL là đơn vị phối hợp. UBND quận, huyện có lực lượng chuyên trách là Đội Quy tắc đô thị, công an phường có thể xử phạt các hành vi vi phạm về an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương có kế hoạch thành lập Đội Trật tự du lịch trên địa bàn. Đội trưởng sẽ do phó chủ tịch UBND quận, huyện phụ trách. Riêng các quận có nhiều điểm nóng về du lịch như Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… sẽ được tăng cường nhân sự để hoạt động hiệu quả.

Với quyết tâm làm trong sạch địa bàn, Đà Nẵng mở những đợt cao điểm xử lý nạn cò, hàng rong, ăn xin biến tướng... Theo Sở LĐ-TB-XH TP, sau gần 2 tháng thực hiện, đã cảnh cáo hơn 200 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, vận động hàng trăm người ở địa phương khác trở về quê hương.

Các quận, huyện đã đưa hơn 50 người lang thang, ăn xin vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Đà Nẵng còn thành lập tổ thường trực 24/24 giờ nhằm tiếp nhận và xử lý thông tin do người dân cung cấp; thành lập 3 đội tuần tra, kiểm soát trên các tuyến phố, điểm du lịch để phát hiện, xử lý người ăn xin, bán hàng rong không đúng nơi quy định.

ÔNG NGUYỄN VIỆT ANH, TRƯỞNG PHÒNG LỮ HÀNH, SỞ VH-TT-DL TPHCM:

Cần có lực lượng cảnh sát du lịch

Trong cuộc họp mới đây giữa Tổng cục Du lịch với Sở VH-TT- DL TPHCM cùng một số ban, ngành liên quan về bảo đảm an toàn cho du khách, vấn đề cần thiết phải thành lập lực lượng cảnh sát du lịch lại được đặt ra. Theo báo cáo của công an, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự tại khu vực trung tâm TP đã được cải thiện; tình trạng cướp giật của du khách quốc tế đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn rất cần một lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để xử lý những tình huống phát sinh trong hành trình du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng các nước trong khu vực đều đã có lực lượng cảnh sát du lịch chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch ở TPHCM còn gặp một số khó khăn nên chưa thể hình thành.

Trong lúc chưa có lực lượng này, nên xây dựng quy chế phối hợp với các ngành liên quan để triển khai cụ thể cho các địa phương. Sự phối hợp với lực lượng chức năng sẽ được tiến hành dài hơi, không chỉ là những chiến dịch thời vụ và sẽ có những báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm cụ thể từng giai đoạn.

Riêng lực lượng công an sẽ phối hợp hoặc thành lập bộ phận chuyên trách để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ an toàn cho du khách quốc tế.


(Theo NLĐ)