Không ai muốn những đứa con bé bỏng của mình phải xa bố xa mẹ, nhưng vì hoàn cảnh khốn khó, một người mẹ phải đi mưu sinh ở phương xa. Sau khi tiễn chồng đi làm ở một nơi xa khác Chị Trần Thị Nhinh (mỹ Xuyên, Mỹ Hương, Bắc Ninh) rời quê lên Hà Nội.

Ngày nào cũng như ngày nào sáng chị đi bán cháo, chiều bán nước tất bật từ sáng đến đêm khuya kiếm tiền nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng.

Bố một nơi, mẹ một nơi

“Hai vợ chồng nhà cái Nhinh đang làm cho một công ty gạch ở Cẩm Phả thì bỗng chốc công ty hết việc. Con dâu tôi phải lên Hà Nội bán hàng rong kiếm tiền, còn thằng chồng nó vẫn ở lại Cẩm Phả. Con bé lớn vừa mới học xong lớp 6 còn thằng cu mới có 3 tuổi thế mà đã phải xa bố xa mẹ, tội nghiệp lắm cô ơi...”, bố chồng chị Nhinh nói mà đôi mắt nhìn xa xăm.

Hai chị em Giang đang đun nước trong gian bếp nghi ngút khói ở quê nhà.

Làm gạch vất vả nặng nhọc lại không đủ tiền nuôi con, nghe theo người dì sống ở Hà Nội mách bảo chị Nhinh đành bán hết số thóc lúa còn lại của vụ mùa, gom góp vốn liếng, rứt ruột để lại hai đứa con còn thơ dại và nhà cửa vườn tược cho bố mẹ chồng chăm sóc rồi một mình tìm lên Hà Nội.

“Tháng nào cũng vậy dù ít dù nhiều, chị Nhinh cũng gửi tiền về cho mấy ông cháu tôi ở nhà chăm no cho nhau, con bé lớn đã học lớp 6 nhưng chưa bao giờ mẹ nó để cho bạn bè chê cười vì thiếu đóng thiếu góp cả", bố chồng chị tâm sự.

Khóc thút thít!

Khi hỏi hai chị em Giang có nhớ mẹ không thì Giang bỗng khóc thút thít trong bếp: “Cháu nhớ mẹ cháu lắm có tối ngủ nhớ mẹ cháu ôm em Duy vào trong lòng mà vẫn không ngủ được đâu..!”

Hơn nửa năm bố mẹ vắng nhà, trên khuôn mặt nhỏ bé của em Nguyễn Thị Giang (học lớp 6 Trường Tiểu học Mỹ Hương, Lương Tài) lúc nào cũng thường trực những nét đượm buồn. khuôn mặt và tính cách của em đều già dặn hẳn đi so với lũ trẻ cùng trang lứa. Thương bố mẹ và ông bà nên Giang chăm học năm nào cũng được giấy khen, có năm còn được học sinh giỏi cấp tỉnh.

Ông nội Giang chỉ lên hàng giấy khen trên tường rồi mở những bài vở của cháu ra khoe: “Nó học rất giỏi, đặc biệt là môn văn, điểm toàn 9 với 10, luôn luôn được cô giáo khen. Trong lớp Giang học giỏi nhất môn văn đấy”.

Đi học về, có thời gian rảnh Giang đều khêu một rổ ốc bươu vàng cho vịt ăn. Giang biết làm mọi việc như người lớn, thay mẹ chăm em, ru em ngủ, thổi cơm đỡ bà. Trong gian bếp lụp xụp nghi ngút khói, hai chị em Giang và Duy đun ấm nước cho sôi để mời khách, bé Nguyễn Văn Duy, 3 tuổi nói: "Cháu thèm ăn bánh kẹo giống các bạn lắm, lâu lắm rồi không có ai mua kẹo cho cháu ăn cả".

Chỉ mong không phải xa con nữa

Đang mải thu dọn đồ đạc của gánh cháo buổi sáng bên vỉa hè mang về để chuẩn bị cho buổi chiều bán nước, chị Nhinh kéo vội khẩu trang và mũ để che đi những giọt nước mắt: “Em đừng hỏi gì đến con cái chị, chị lại khóc ở đây mất”. Nhưng rồi mắt chị lại lấp lánh khi nhắc đến hai đứa con nhỏ ở quê.

Chị Nhinh tất bật bên quán nước kiếm tiền nuôi con.

Nghe theo lời người dì họ mách nước, chị Nhinh rời quê lên Hà Nội thuê nhà ở. Ban đầu là bán rau, rồi học theo người ta bán cháo và bán nước kiếm thêm đồng ra đồng vào. Một tháng chị mới về được một lần “có hôm bảo nghỉ ở nhà mấy hôm với con cho đỡ nhớ nhưng nó không nghe, về được một hôm lại đi ngay, mỗi lần đi mẹ nó toàn phải trốn rồi hai đứa bé khóc nức nở không ai dỗ được”, bố chồng chị Nhinh bùi ngùi kể lại.

Ngày nào cũng bán hàng bên vỉa hè, có hôm người ta đuổi chỗ này thì lại ra chỗ khác. Bán hàng mệt nhọc mà cũng không ăn thua gì, nếu hôm trời nắng may mắn đông khách thì cũng được đến 200 nghìn, nhưng hôm nào không may phải trời mưa gió ế hàng đổ đi hết thì lỗ vốn làm mấy ngày mới đủ bù lại.

Mỗi ngày chị dậy từ 3h sáng nấu cháo, chuẩn bị đồ đạc bán đến 10h trưa, về vội thổi được bữa cơm chưa kịp nghỉ ngơi rồi lại chuẩn bị đồ để chiều bán nước có hôm 12h đêm mới được về ăn cơm nguội rồi đi ngủ. Ngày mới lên Hà Nội vất vả mệt nhọc lắm nhưng đêm vẫn không sao ngủ được vì nhớ con, đêm nào cũng khóc rồi lại tự nhủ với mình: “Phải cố gắng để con được ăn học bằng người bằng ta". Chị Nhinh tâm sự.

Bây giờ chị chỉ có một ước mơ là cố làm chắt chiu nhặt nhanh được ít vốn liếng để quay trở về quê mở một cửa hàng nho nhỏ, dù nghèo dù đói nhưng không phải xa con nữa.

Đào Thúy