Trào lưu chơi ảnh xác chết thật rùng rợn, khó lý giải. Điều đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ coi đó là thú chơi "đẳng cấp".

Thú vui này thật sự khiến không ít người phải "lạnh gáy" trước những tay săn ảnh máu lạnh như thế. Tranh minh họa.

Việc cười cợt, đùa bỡn, coi nỗi bất hạnh của người khác là thú chơi vui của mình đã gióng lên hồi chuông báo động về tâm lý, nhân cách, cách hành xử của giới trẻ. phón viên báo Gia đình&Xã hội Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Tố Quyên (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) xung quanh những hiện tượng đáng ngại này.

Dấu hiệu của bệnh tâm thần

Dưới góc độ nghiên cứu xã hội học, có thể lý giải thế nào về thú chơi "rợn người" này, thưa bà?

Tiến sĩ Xã hội học
Nguyễn Thị Tố Quyên.
- Đây rõ ràng là hành vi lệch chuẩn đáng báo động. Trào lưu săn ảnh kinh dị kiểu đó chính là mục đích cố tình tạo ra những thông tin giật gân, khác thường mà theo quan niệm của một bộ phận giới trẻ là độc đáo, cá tính. Những bức ảnh càng kinh dị, càng tang thương thì lại càng được bộ phận này đánh giá là "đẳng cấp".

Đây tuy chỉ là thế giới ảo nhưng những sự kiện, sự việc trong đó lại xuất phát từ thực tế, từ những vụ tử vong thương tâm. Điều đáng lo ngại là từ giới ảo đến đời thực là ranh giới vô cùng mong manh. Nếu bản thân mỗi cá nhân không biết nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về sự vật, hiện tượng ở đó thì có thể gây ra những hậu quả tai hại khôn lường trong đời sống thực.

Một loạt các vụ giết người, cướp của man rợ vừa qua và xu hướng bạo lực học đường - là minh chứng hùng hồn cho những ảnh hưởng từ những trò chơi, thú vui bạo lực trên thế giới ảo. Về lâu dài, thú chơi kinh dị, trào lưu lệch chuẩn này có thể gây nên những tác hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, đặc biệt là tính nhân văn trong lối sống của giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Có ý kiến cho rằng một con người chẳng may bị tai nạn chết thảm, không những không giúp đỡ, an ủi mà còn lấy đó làm trò tiêu khiển thì thật là bất nhẫn. Bà nghĩ sao?

- Tôi cho rằng nhận xét đó có cơ sở. Một con người chẳng may bị tai nạn chết thảm, mình không những không giúp đỡ, an ủi mà còn lấy đó ra làm trò tiêu khiển thì quả là bất nhẫn. Không hiểu những "tín đồ" của thú chơi bệnh hoạn này có bao giờ đặt địa vị mình vào vai người thân của người bị nạn, đau lòng về cái chết của người thân chưa nguôi thì lại chứng kiến hình ảnh tử vong thương tâm của người nhà mình tràn lan trên mạng cùng những lời bình luận kiểu "máu lạnh"?

Không ít người cho rằng các tín đồ của thú săn ảnh xác chết kiểu này rõ ràng có biểu hiện của"bệnh tâm thần"?


- Để có được kết luận chính xác thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về chuyên môn. Nhưng các chuyên gia y học từng nhận định: Những người thích chụp ảnh xác tử thi kinh dị, thích những cảnh máu me rùng rợn, có khả năng bị rối loạn về sở thích. Họ cho đó là một biểu hiện nhẹ của bệnh tâm thần. Vì là biểu hiện nhẹ nên không phải ai cũng ý thức được để đi điều trị. Cũng theo các bác sĩ thì không có loại thuốc nào để điều trị các triệu chứng rối loạn này, chỉ trừ khi bản thân người bệnh nhận thức được đó là việc làm không bình thường, lệch lạc về suy nghĩ, lệch chuẩn xã hội thì họ mới tự dừng hành động đó lại.

Cha mẹ cần trách nhiệm hơn nữa

Theo bà nguyên nhân nào dẫn đến nảy sinh thú chơi "rợn người" này của giới trẻ?

Các chuyên gia y học từng nhận định: Những người thích chụp ảnh xác tử thi kinh dị, thích những cảnh máu me rùng rợn, có khả năng bị rối loạn về sở thích. Họ cho đó là một biểu hiện nhẹ của bệnh tâm thần. Vì là biểu hiện nhẹ nên không phải ai cũng ý thức được để đi điều trị.


- Có rất nhiều nguyên nhân đưa các em tới thú chơi "rợn người" này. Thứ nhất, chúng ta còn quá ít sân chơi, trò chơi lành mạnh, bổ ích cho các em.

Thứ hai, xung quanh cuộc sống của người trẻ - đặc biệt là ở đô thị - rất nhiều những trò chơi bạo lực ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi, sở thích, thú chơi trong đó có cả những thú chơi bất thường của các em.

Thứ ba, trong bối cảnh lối sống đô thị "nhà nào biết nhà nấy" ngày càng phổ biến, cộng đồng sinh hoạt thân thiết kiểu làng xã trước đây gần như không còn thì bản thân các em vô tình bị đặt trong tình trạng thiếu sự giao tiếp thân thiết, tình cảm xóm giềng - dẫn đến sự đồng cảm, thương xót giữa con người với con người bị giảm sút đáng kể.

Thứ tư, đó chính là khoảng trống trong sự gần gũi, định hướng con trẻ của cha mẹ và nhà trường... Những lý do cơ bản đó và vô số lý do khác xảy đến trong cuộc sống khiến các em dễ dàng tìm đến những thú vui lệch chuẩn dạng này.

Trong bối cảnh đó thì những thú vui càng lạ, càng độc sẽ càng hấp dẫn các em. Khi lún sâu vào thú chơi săn ảnh xác chết rợn người này thì dần dần các em sẽ không còn biết sẻ chia trước nỗi đau của người khác, sẽ thờ ơ đối với những sự việc thương tâm xảy ra quanh mình và trở thành con người vô cảm. Khi trái tim vô cảm thì người ta rất dễ gây ra những hành vi tội ác.

Giải pháp nào để ngăn thú chơi "máu lạnh" này, thưa bà?

- Đầu tiên, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm hơn đến con, dành thời gian để củng cố mối quan hệ có thể đã "lỏng lẻo" với con cái.

Các bậc cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con em mình, giúp các em nhận thức và hiểu được những giá trị đúng đắn của xã hội, biết coi trọng bản thân, sống giàu lòng nhân ái, biết chia sẽ với những mất mát, những nỗi đau của cộng đồng. Đó cũng chính là trách nhiệm bảo vệ xã hội, trách nhiệm bảo vệ con người trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp tăng cường quản lý với những trang web dạng như thế; để người ta không dễ dàng đưa lên đó cả những thông tin tiêu cực, lệch chuẩn xã hội, tạo thành diễn đàn "máu lạnh" gây ảnh hưởng nguy hại lâu dài đến thế hệ trẻ.

Trân trọng cảm ơn bà!

Sốc nặng với thói vô cảm

Thú vui này thật sự khiến không ít người phải "lạnh gáy" trước những tay săn ảnh máu lạnh như thế, phần đa trong đó là học sinh, sinh viên.

Tại nhiều trang web, những bộ sưu tập video, tràn lan những hình ảnh con người chết chóc trong những tư thế đau thương. Để hình thành nên những bộ sưu tập rùng rợn ấy, có sự góp mặt của đội "kền kền săn xác" rất cần mẫn, liên tục cập nhật cảnh người bị tai nạn giao thông hay bị sát hại.

Với máy ảnh lăm lăm trong tay và biệt tài lùng sục thông tin trên thế giới ảo, không ít bạn trẻ săn lùng, ghi, chụp, phát tán cảnh những hình ảnh chết chóc thảm khốc cùng những bình phẩm vô cảm, lạnh lùng.

Trong cộng đồng với những người thích thú chơi săn xác này, thì việc săn được những bức ảnh kinh hoàng, càng nhiều máu me, càng rùng rợn thì càng được đánh giá cao. Chỉ như thế mới gây ấn tượng mạnh cho người xem, và mỗi bức ảnh thành công chính là việc có nhiều người vừa xem vừa sợ.

Một bạn trẻ hoảng kể lại: "Hôm đó mình online đêm, có cậu bạn gửi link ảnh nói là vào xem nhiều ảnh đẹp lắm. Mình click vào và ngay lập tức hiện lên ảnh một người đàn ông bị vỡ sọ, máu me đầy mặt. Tớ hét ầm lên khiến cả nhà đều tưởng có chuyện gì. Mỗi lần đi ngủ tớ vẫn bị ám ảnh kinh khủng".

Vì "đam mê" thú chơi rùng rợn này, cho nên đội "kền kền" vào tận phòng cấp cứu của các bệnh viện chụp các cảnh người bị nạn được đưa vào cấp cứu trong tình trạng máu me, thương tích đầy người.

Nhiều bạn còn khiến người khác rợn người khi hả hê cho rằng, từ lúc tham gia đội "kền kền" này lòng… dũng cảm đã được tăng lên rất nhiều!?


(Theo Giadinh.net)