Những năm trước, mỗi mùa thi đại học đều là mùa bội thu của cánh xe ôm. Mỗi ngày trong đợt thi là một ngày làm ăn béo bở gấp 3, gấp 4 lần ngày thường. Số tiền thu được trong khoảng gần chục ngày thi đại học ấy, có khi bằng cả tháng đi làm thường ngày.

Nhưng năm nay, ở hầu khắp các bến xe khách lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát….đến những bến xe buýt, những góc phố nhỏ… cánh xe ôm đều chung một không khí ảm đạm, thất thu.

Nghịch lý mùa thi – mùa thất nghiệp

Đã gần 11 giờ trưa nhưng ông Nguyễn Văn Bình vẫn chưa chở được khách nào, dù trong và ngoài bến xe Mỹ Đình đều rất đông người nhà và sĩ tử lên Hà Nội chuẩn bị cho đợt thi đại học thứ 2.

Mùa thi, xe ôm hỏi ai cũng “lắc”, cũng “không”.

Ông Bình tâm sự, từ ngày bác làm nghề chở xe ôm ở bến xe Mỹ Đình này đã hơn 10 năm nhưng chưa có năm nào mà lại thất thu như năm nay. “Chưa có năm nào mà nghề xe ôm lại ảm đạm thế này. Cháu không biết chứ mấy hôm nay, đúng là thí sinh lên đây nhiều thật, nhưng xe ôm cũng “đông như quân Nguyên”. Những ngày thường, tuy vắng người nhưng không có nhiều xe ôm hành nghề như thế này. Nên tính ra thì những ngày này thu nhập không bằng ngày thường".

Ông tính, để có được vị trí đón khách ở ngay cổng bến xe thế này mỗi ngày bác phải trả tiền bến là 20.000 đồng, tiền ăn mỗi bữa 25.000 đồng, tiền xăng xe không dưới 50.000 đồng. Đó là chưa tính tiền chè nước lúc trời nắng nóng. “Chi phí mỗi ngày rẻ mạt ra cũng phải mất gần 1 trăm rưỡi, thế mà sáng nào cũng không bắt được khách như sáng này thì mấy bữa mà chết đói hả cháu? Ngày thường bắt khách ở đây còn được đôi trăm, chứ mấy hôm nay ế khách nên còn không đủ tiền ăn”.

Ế khách.

Ngồi cùng với ông Bình là hơn chục người khác cũng đón khách ở ngay cổng vào bến xe Mỹ Đình, và họ cũng cùng chung hoàn cảnh: Thất nghiệp trong những ngày thi đai học.

Hỏi ai cũng “lắc”, cũng “không”

Anh Nguyễn Văn Vinh, một người làm nghề chở xe ôm ở bến xe Mỹ Đình này đã mấy năm cho biết: “Ngày thường thì chỉ có cánh xe ôm đã làm lâu năm ở bến này đón khách thôi. Nhưng mấy hôm thi này, nào là mấy cậu sinh viên tranh thủ ra đây làm thêm, rồi xe ôm từ các nơi đổ về bến… nên thành ra khách đông, nhưng xe ôm còn đông…hơn!”.

Cũng vì thế mà không ít người chạy xe ôm đã phải vào tận trong bến, chầu chực ngay ở cửa xe, đợi khách xuống là đón. Có người dù trời đang trưa, mặc cho nắng, đói, vẫn miệt mài đón hết tuyến xe buýt này đến tuyến xe buýt khác, mong sẽ có vị khách nào đó đoái hoài đến lời mời chào của mình.

Cũng trong những ngày này, khắp trong và ngoài bến xe Mỹ Đình, đâu đâu cũng gặp những tiếng mời chào từ xa: “Xe ôm đi cháu, xe ôm đi cô, xe ôm đi cháu, chú lấy rẻ thôi…” Có người vì đã quá nản với những tiếng mời chào ấy, đã treo biển “XE ÔM” to đùng ngay trước đầu xe, rồi cứ thế ngồi đợi.

Khi xuống bến xe, hầu hết các sĩ tử đều tìm đến lực lượng thanh niên tình nguyện.

Bao nhiêu tiếng mời chào, bao nhiêu sự mong mỏi, nhưng hầu như tất cả đều nhận được những cái lắc đầu, nếu không thì là những câu trả lời: “Cháu có người nhà đón rồi, cháu không đi". "Đã bảo không đi là không đi, cứ nói nhiều…”

Cứ hễ có một khách xuống xe, hay ra khỏi cổng bến là lập tức có 3 đến 4 người, thậm chí đến hàng chục tài xế xe ôm chạy lại mời chào, ngã giá.

“Khốn khổ vì mấy ngày thi đại học này. Xe ôm thì đông, sĩ tử thì hỏi ai cũng lắc, cũng không đi, cũng có người nhà đón rồi. Những năm trước thì mong đến dịp thi này lắm, nhưng bây giờ chỉ mong sao cho sớm qua đi, để ngày thường còn có cái mà ăn!” – ông Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ.

Xe ôm thất nghiệp vì… sinh viên tình nguyện

Tâm sự thật lòng với tôi, ông Bình cũng như những người làm nghề chở xe ôm ở bến xe Mỹ Đình đều nói rằng, thực ra những năm gần đây, và nhất là năm nay, xe ôm thất thu là vì… đâu đâu cũng thấy thanh niên với sinh viên tình nguyện.

“Những năm trước, khi phong trào tình nguyện chưa phát triển mạnh, thì sĩ tử lên thành phố, đều hỏi đường rồi nhờ chúng tôi chở đến địa điểm thi luôn. Nhưng mấy năm nay, các bạn sinh viên, thanh niên tình nguyện đông quá, trong, ngoài bến xe, cả trên đường phố đều có, nên thí sinh và người nhà lên đây cứ thấy bóng áo xanh là tìm đến chứ không đi xe ôm nữa” – ông Bình tâm sự.

Nhiều sĩ tử có thể tự tìm đường đến địa điểm thi bằng cách xem bản đồ được phát miễn phí ngay ở bến xe.

Ông Bình còn nói vui: “Nói công bằng thì phong trào tình nguyện đã đóng góp rất lớn cho xã hội, đã giúp được rất nhiều các sĩ tử và người nhà. Chúng tôi ủng hộ phong trào này. Chỉ khổ, mấy ngày này đói kém ghê quá!”

Quả đúng vậy. Dù cánh xe ôm đã “phục” tận cửa xe để đón khách, nhưng hầu như chẳng có mấy ai đoái hoài đến. Hầu hết sĩ tử và người nhà xuống xe là tìm ngay đến bàn sinh viên tình nguyên ở bến xe để hỏi đường và nhờ tư vấn. Ở các bến xe còn có cả những đội xe ôm miễn phí của các bạn sinh viên phục vụ sĩ tử nữa. Nếu ai không đi xe ôm của sinh viên tình nguyện thì đã được phát bản đồ Hà Nội để có thể tự tìm đường đi xe buýt đến địa điểm thi.

Vũ Viết Tuân