Chẳng ai bài xích, phản bác chuyện bạn yêu thú vật và bảo vệ chúng cả. Thế nhưng nếu yêu thương loài vật đến mức lấn át cả tình cảm dành cho người thân, bỏ bê trách nhiệm với gia đình, thì quả là đáng trách!

Thương chó hơn chồng, yêu mèo hơn mẹ

Đang chuẩn bị họp thì chuông điện thoại trong túi quần anh Quang reo inh ỏi, tiếp theo là giọng hốt hoảng của chị Hằng, vợ anh: “Anh về mau, con nó bị gãy chân!” rồi cúp cái rụp kèm tiếng khóc thút thít. Anh Quang tức tốc chạy xe về nhà, ngạc nhiên khi thằng con trai chạy ù ra ôm bố, tay chỉ vào trong giọng bi bô: “Bin trèo tường bị gãy chân”. Trong bếp, vợ anh đang ôm con chó Đức vào lòng, nước mắt nước mũi tèm lem. “Con Bin bị gãy chân, sao em nói con mình? Làm anh bỏ dở cuộc họp!” 

Minh họa: SGTT

Nghe chồng mắng, chị Hằng đùng đùng nổi giận: “Trước giờ anh thương nó như con mà, sao giờ lại hắt hủi. Nó đau thì em phải đau chứ. Thế này em phải xin nghỉ mấy hôm để chăm nó thôi”. Thế là cả tuần đó chị Hằng gửi đứa con trai bốn tuổi cho người giúp việc trông, phần chị đi chợ mua hột vịt lộn, thịt bò, xương ống về nấu cho con chó ăn. Cách bữa chị lại đón taxi đưa chó đi bác sĩ thú y. Chồng đi làm về mệt nhoài, chị cũng mặc kệ, vì còn bận thoa bóp chân con Bin.

Nhìn vợ lo cho chó còn hơn cả hai bố con, anh Quang chỉ biết than với cô giúp việc: “Tui ốm thì bả bảo ăn tạm mì tôm, còn cái con vật nuôi kia trở gió một chút đã có thịt bò, trứng vịt chất đầy tủ lạnh. Mấy ngày con chó bị ốm, con trai tôi phải ăn cháo dinh dưỡng mua ở ngoài”.

Một chuyện khác: Hà Anh năm nay 27 tuổi. Tốt nghiệp đại học, cô tự mở một quán càphê với mục đích chính là cưu mang các con vật bị bỏ rơi. Cho đến nay, quán của Hà Anh là nơi chốn trú ngụ của hơn 20 con mèo, chó các loại bị chủ xiềng xích, đánh đập, bỏ rơi. Ai nghe đến việc làm của Hà Anh cũng ngưỡng mộ lòng nhân từ của cô. Nhưng bận đi giải cứu, chăm sóc cho các con vật, cả năm Hà Anh chỉ về quê vào dịp tết, dù nhà cô cách thành phố chưa tới trăm cây số.

Ngày nọ, mẹ Hà Anh lên thành phố khám bệnh, xe đến bến cả tiếng cô mới gọi cho mẹ: “Mẹ đi taxi đến bệnh viện khám nhé, con có việc phải đi gấp, không đón mẹ được”. Người mẹ đi khám một mình rồi trở về nhà trọ con gái, tự dọn dẹp, nấu cơm, đợi đến 8 giờ tối thì con về, trên tay là con mèo nhỏ xíu: “Cả ngày nay con đi giải cứu chú nhóc này đấy mẹ ạ, nó mới đẻ mà bị chủ mang đi thả cống, con phải rình rập cả ngày mới cứu được nó đấy”.

Thấy con gái mình yêu thương động vật, người mẹ cũng mừng. Đêm đó, bà ôm chặt con gái vào lòng, nhưng đến giữa khuya bà giật mình không thấy con đâu. Bà đi ra bancông thì phát hiện con đang ôm con mèo mà ngủ: “Miu lạ nhà, con phải ủ ấm nó mới ngủ được”. Buổi sáng, con gái dậy sớm, pha sữa, nấu cháo cho mèo, mặc mẹ tự làm mì gói mà ăn. Người mẹ ngay buổi sáng đón xe về nhà, còn cô con gái vẫn vô tư với sự nghiệp cứu mèo, cứu chó.

Nuôi chó sướng hơn nuôi con?

Ít ai ngờ lại có người quan niệm: sinh một đứa trẻ phải kỳ công chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, chưa kể những tốn kém nuôi dưỡng, giáo dục và tạo lập tương lai cho con, chi bằng nuôi một con vật, chẳng phải lo nghĩ, khuyên bảo, chỉ một hộp thực phẩm cho thú nuôi là xong! Thế mà có đấy: Quỳnh Thy – Bảo Đăng cưới nhau năm năm trời nhưng cứ ai đó nhắc đến chuyện sinh con thì Quỳnh Thy đều bĩu môi, chỉ vào con mèo cô đang ôm trên tay: “Sinh con là tạo nghiệp, chi bằng nuôi con này cho cuộc sống nó đơn giản mà lại vui. Mà nó khôn lắm, chẳng khác đứa trẻ”. Bất chấp phản đối của họ hàng về tư tưởng quái lạ trên, vợ chồng Quỳnh Thy vẫn cứ vô tư mua sắm quần áo đẹp cho con mèo, chuẩn bị cho nó tham dự cuộc thi sắc đẹp các loài vật sắp diễn ra.

Ngại chuyện chồng con, cơm bưng nước rót, quét tước dọn dẹp mỗi ngày, nhiều cô gái chọn cho mình giải pháp nuôi chó, nuôi mèo bầu bạn lâu dài. Có trường hợp vừa chia tay người yêu, chán đời, đi mua một chú chó về bầu bạn. Gắn bó được ba năm thì chú chó mang bệnh mất, để lại cô chủ đau đớn còn hơn lúc mất người yêu! Cô xây cho chú một ngôi mộ cả chục triệu đồng, làm một clip thật dài về cuộc đời của chú chó vắn số, rồi từ đó đoạn tuyệt luôn chuyện yêu đương!

Không nên đặt vật và người lên cùng bàn cân


TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa tâm lý, đại học Sư phạm TP.HCM
Theo guồng quay của xã hội, công việc càng đè nặng lên trách nhiệm cá nhân mỗi người. Và có thể những bài học diễn ra trước mắt khiến các cặp vợ chồng e dè chuyện sinh con, lo tìm một xu hướng khác như nuôi chó, chăm mèo vừa là thú tiêu khiển tinh thần, vừa là một giải pháp lánh nạn. Thú tiêu khiển này có thể duy trì trong khoảng thời gian dài, nhưng rồi sẽ giảm dần mức độ một khi người ta nhận ra tình yêu thương của con người với con người mới là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất. Rồi cũng có lúc những cô vợ trẻ hiểu ra sứ mệnh của mình và hiểu thêm niềm hạnh phúc khi có một đứa con, lúc đó họ sẽ thay đổi suy nghĩ. Yêu vật nuôi là bản tính thiện của con người, cần được hoan nghênh. Tuy nhiên, không nên đặt vật nuôi và người thân của mình lên bàn cân để lựa chọn. Cần phân biệt rằng hai thứ tình cảm đó hoàn toàn khác nhau, nếu so sánh nhập nhằng, lệch lạc sẽ thành bất hiếu, vô tâm.

Nên tách bạch rõ ràng

Nguyễn Thanh Kiều, 27 tuổi
Vợ chồng tôi cũng có một chú chó nhỏ, khi chưa có con thì chú chó là mối quan tâm chung của hai vợ chồng sau một ngày làm việc. Nhưng phải có giới hạn, vì chó mèo không phải là con người mà hiểu chúng ta muốn gì, tâm trạng chúng ta ra sao. Không nên để cuộc sống của mình bị chi phối quá mạnh bởi những con vật cưng.


(Theo SGTT)