“Ai đời, cái ngõ thì nhỏ bằng lỗ mũi con muỗi, thế mà lúc nào nhà hàng xóm cũng để chình ình cái xe máy to tướng ở trước cửa, đi đâu về thì bấm còi inh ỏi, rồi vứt bừa bãi rác sang nhà hàng xóm... ý thức kém không chịu nổi” - chị Thảo bức xúc nói.

Mới kết hôn, lại nhanh chóng mua được căn nhà riêng để ở khiến bạn bè ai cũng ngưỡng mộ, bản thân chị Thảo (Quang Trung - Hà Đông - Hà Nội) cảm thấy rất hạnh phúc. Tuy nhiên, vừa dọn đến ngôi nhà mới chưa được bao lâu đôi vợ chồng trẻ đã cảm thấy ngán ngẩm vì ý thức quá kém của người hàng xóm nằm ngay đối diện. 

Ngõ nhỏ phố nhỏ, nên sẽ là rất đau đầu nếu hàng xóm là những người có ý thức kém.

Chị Thảo kể: “Vừa chuyển đến nhà mới được mấy ngày, còn chưa kịp làm quen với hàng xóm láng giềng thì một buổi chiều đi làm về, chạy lên sân thượng lấy quần áo đã thấy, ôi thôi, muối gạo ở đâu mà nhiều thế, văng khắp sàn, bám cả lên cả quần áo. Đã thế, nó lại còn đang chảy nước ra nữa. Không hiểu đó là sự vô ý thức hay định trù úm gì nhà mình ? Lần theo vết tích thì đúng là từ nhà hàng xóm đối diện. Nhưng vì vừa mới đến, không muốn gây chuyện bất hòa, nên mình lại im lặng đi rửa sàn và giặt đồ.

Lần thứ 2 ức chế là khi 2 vợ chồng mình về quê, lúc lên thì ôi thôi cái mặt tiền nhà mình thành cái bãi rác từ bao giờ. Lại lần theo vết chổi quét thì đúng là từ nhà bà hàng xóm đối diện. Thế mà sang nhắc nhở, bà ta lại chối đây đẩy”.

Những sự việc như thế cứ tiếp tục tiếp diễn, và sau một năm chuyển đến ngôi nhà mới, chị Thảo rút ra được một câu “cứ đi làm thi thôi chứ về nhà là cái sự ức chế lại nổi lên cuồn cuộn”.

Rồi chị Thảo kể tiếp, “ai đời, cái ngõ thì nói hơi ngoa chứ nó cũng to gần bằng lỗ mũi con muỗi, thế mà lúc nào nhà hàng xóm cũng để chình ình cái xe máy to tướng ở trước cửa. Hôm nào ông xã mình ở nhà thì còn đỡ, cứ khi nào ông xã không có ở nhà thì mình chỉ còn nước khóc vì phải vật vã cho con xe của mình ra khỏi nhà để đi làm rồi lại vật vã cho vào nhà.

Nhiều hôm không quay xe được, xe còn bị sập gầm, tự mình không thể xoay xở, phải nhờ đến người trợ giúp. Nhà hàng xóm nhìn thấy nhưng vẫn cố tình làm ngơ.

Còn nói về sự ồn ào thì nhà này cũng là một trong những nhà vô duyên nhất xóm. Cứ đi vắng thì không sao, về đến nhà là bấm còi inh ỏi một hơi dài. Có hôm đang ăn cơm vui vẻ, nghe cái âm thanh chát chúa xé dọc ngang tai ấy là mình chả buồn nuốt thêm hạt cơm nào nữa vì sự ức chế đã nổi lên cuồn cuộn rồi.

 Sự việc cứ lặp đi lặp lại cho đến một hôm, sức chịu đựng của nhà mình không thể kéo dài thêm được nữa, ông xã mình đã sang tận nơi góp ý thì nhận được câu trả lời hết sức thiếu trách nhiệm “đấy là đường đi mà, ai cấm được, với lại cô quen rồi”. Mà nói thực là, có phải nhà to, ngõ to gì mà về đến nhà phải bấm còi để người nhà ra mở cửa đâu, cái cửa nhà ngay sát đường ngõ, một chân đặt lên cửa, thì chân kia vẫn đặt ở đường đi chung đấy thôi.

Mà hình như, cái bà hàng xóm nhà mình có sở thích bấm còi thì phải. Có hôm, đang loay hoay xoay xở để đưa con xe vào nhà, bà hàng xóm đi đâu về, thấy mình chắn đường cũng bóp còi inh ỏi một hơi dài làm mình bị cuống ngã dúi ngã dụi. Ông chồng bà ta nhìn thấy phải chạy lại đỡ xe hộ mình và nói với vợ: “Từ từ, tắt máy đi cho cháu nó dắt xe lên đã”. Thế mà lần sau, gặp phải cảnh như vậy bà ấy cũng chẳng biết ý mà tắt máy chờ cho người ta dắt xe vào nhà đã, vẫn cứ ngồi trên xe, tay bấm còi, miệng quát tháo ầm ĩ cả lên”.

“Đến là chán. Không biết kiếp trước mình có nợ nần gì bà ấy không mà mới chuyển đến đã gặp phải người hàng xóm củ chuối đến như vậy” - Chị Thảo thở dài.

Chị Nga bảo hàng xóm nhà chị bị chồng bỏ, sống nhờ vào tiền cho thuê căn nhà ở mặt phố. Vì không có việc gì làm nên bà này hay soi mói người khác, lại có thói ghen ăn tức ở nên thường đá đểu, gây sự với nhà chị.

“Từ ngày con gái nhà ấy thi rớt đại học, phải đi học nghề cắt tóc gội đầu là tỏ thái độ hậm hực với nhà mình ra mặt. Có lẽ vì nhà mình ai cũng đỗ đạt, làm văn phòng hết. Tối tối mụ ta xách cả xô rác đầy ự để ở hè, ngay cạnh cửa nhà mình, nhà mình cuối gió nên mùi kinh khủng. Có lần còn vứt cả con chuột bị đập nát đầu sang ban công nhà mình. Tức không chịu được”, chị Nga kể.

Vì là hàng xóm lâu năm, “mụ” kia lại có tiếng đanh đá chua ngoa nên chị Nga cũng chỉ dám góp ý, “thôi thì tránh voi chả xấu mặt nào”.



Minh Minh