“Nhà mình chẳng nuôi chó mà sáng nào dậy cũng thấy vài cục trước cửa, còn nhà hàng xóm nuôi chó thì cửa nhà sạch trơn. Mình không bắt được quả tang nên góp ý lần nào hàng xóm cũng cãi leo lẻo”, chị Nga kể.
Ném cả chuột chết vào nhà
Cuộc sống nơi đô thị, nhà nào đóng cửa biết nhà nấy nhưng người ta vẫn nói bán anh em xa mua láng giềng gần. Sẽ dễ chịu biết bao khi bên cạnh nhà có hàng xóm tốt tính. Và cũng thật đáng buồn khi có hàng xóm xấu tính và vô văn hóa.
Chị Nguyễn Nga, ở Định Công, ngán ngẩm vì sáng nào cũng phải dọn “sản phẩm” của con chó béc nhà hàng xóm. Dù chị đã trực tiếp góp ý nhưng hàng xóm vẫn cứ trơ ra, hôm sau lại tiếp diễn.
Hình minh họa. Nguồn: PLTP |
“Nhà không nuôi chó mà sáng nào mở cửa cũng đầy phân với tanh hôi mùi nước đái chó. Biết thừa là hàng xóm cố ý dắt nó sang đây bậy nhưng góp ý lần nào cũng cãi leo lẻo bảo không phải chó nhà mình. Cả xóm có mỗi con chó ấy, không phải của nó thì của ai. Mà bao nhiêu gốc cây, bao nhiêu nhà quanh đó, sao cứ chọn mỗi cửa nhà mình mà bậy”, chị Nga bức xúc.
Chị Nga bảo hàng xóm nhà chị bị chồng bỏ, sống nhờ vào tiền cho thuê căn nhà ở mặt phố. Vì không có việc gì làm nên bà này hay soi mói người khác, lại có thói ghen ăn tức ở nên thường đá đểu, gây sự với nhà chị.
“Từ ngày con gái nhà ấy thi rớt đại học, phải đi học nghề cắt tóc gội đầu là tỏ thái độ hậm hực với nhà mình ra mặt. Có lẽ vì nhà mình ai cũng đỗ đạt, làm văn phòng hết. Tối tối mụ ta xách cả xô rác đầy ự để ở hè, ngay cạnh cửa nhà mình, nhà mình cuối gió nên mùi kinh khủng. Có lần còn vứt cả con chuột bị đập nát đầu sang ban công nhà mình. Tức không chịu được”, chị Nga kể.
Vì là hàng xóm lâu năm, “mụ” kia lại có tiếng đanh đá chua ngoa nên chị Nga cũng chỉ dám góp ý, “thôi thì tránh voi chả xấu mặt nào”.
Cũng bị tình trạng tương tự nhưng chị Đặng Ngân (Ngõ 40, Trần Thái Tông) không chịu sống chung với lũ. Góp ý không được, chị đành áp dụng cách mà các chị ở cơ quan mách nước dù bị cho là “hơi ác một tí”.
“Sáng nào cũng phải dọn cái của nợ ấy, kinh khủng đến mức không dám ăn sáng nữa. Nghĩ bụng định cho một liều bả chuột chết hết cả đàn cơ nhưng mấy chị ở cơ quan mách cách rắc ớt bột nên lại thôi. Tốn hơn trăm nghìn mua ớt bột cũng có hiệu quả thật. Năm giờ sáng đã thấy cả người cả chó hắt hơi xôm cả phố. Ai bảo mình ác cũng được chứ chịu cái cảnh sáng sáng hót phân chó chán lắm rồi”, chị Ngân nói.
“Ôi lắm loại hàng xóm lắm. Hồi trước ở nhà mẹ đẻ, có bà hàng xóm cứ canh giờ nhà mình ăn cơm là ra cửa nhà khạc đờm rồi nhổ nước bọt phì phì. Lại hay tiện tay ném rác sang sân nhà mình. Bố mẹ mình hiền nên không cho mình nói, phải chịu cảnh ấy mấy năm liền. Đến khi nhà ấy chuyển đi, nhà mình mừng như bắt được vàng”, chị Ngân nói thêm.
“Cứ thấy ai hiền là bắt nạt!”
Sống trong cộng đồng, chuyện láng giềng va chạm với nhau là không thể tránh khỏi, nên thông cảm và bỏ qua cho nhau. Thế nhưng, những chuyện nhỏ nhặt, “kể ra bảo chấp vặt” lại khiến tình láng giềng sứt mẻ. Đặc biệt là ở đô thị, nơi được cho là biểu tượng của nền văn minh, những cách hành xử kiểu tị nạnh, ghen ăn tức ở, lợi dụng nhau càng khiến người ta ngán ngẩm.
“Hàng xóm nhà mình này, sặc mùi lợi dụng, tị nạnh. Cùng là người trẻ với nhau mà không biết cư xử, trơ trẽn hết chỗ nói. Biết chồng mình cả nể nên cứ canh chồng mình ở nhà là sang vay tiền, lúc hai ba trăm, lúc năm trăm một triệu, mà vay thì chả bao giờ thấy trả. Váy áo, giầy dép, đồ trang điểm của mình thì qua mượn thường xuyên, thỉnh thoảng lại xin cái nọ cái kia. Thế mà gặp chồng mình thì bảo mình mua sắm phung phí, may mà chồng về nói lại mới biết. Cái kiểu hàng xóm đểu giả ấy nghỉ chơi luôn”, chị Nguyên Thảo (Chung cư khu Trung Hòa Nhân Chính) kể.
Chị Thảo bảo, ở khu chung cư nhà chị thật lắm chuyện dở khóc dở cười, lắm kiểu hàng xóm và cũng lắm kiểu hành xử. Nhiều khi chứng kiến chuyện chướng tai gai mắt nhưng cuộc sống ở đô thị, nhà ai biết nhà nấy nên chị cũng không tiện lên tiếng.
Chị kể: “Tầng dưới nhà mình có ông hàng xóm mặt bặm trợn mà tính tình thì quá đàn bà. Ra rả chửi bới vợ con suốt ngày. Lại còn thói bắt nạt người khác, cứ thấy ai hiền là nhảy bổ vào. Cùng dãy có gia đình chỉ có 3 mẹ con gái sống với nhau, nghe nói ông này thỉnh thoảng lại sang nhà vay tiền, mượn đồ rồi không trả. Ba mẹ con hiền, lại thân cô thế cô nên phải chịu. Mình biết nhưng chuyện nhà người ta nên cũng chả dám can thiệp”, chị Thảo kể thêm.
Nghe có vẻ nực cười, nhưng không ít người lại được hàng xóm “tôi luyện” thành người đanh đá, chua ngoa. Chị Thu Trang (Khu đô thị mới Mỹ Đình) bảo cũng vì hàng xóm mà chị “bớt hiền đi”.
“Cái kiểu cứ thấy ai hiền là bắt nạt ấy mà. Ngày xưa ở chung cư, nhà mình hiền nên có bực tức gì cũng nhịn. Giờ ra mặt phố rồi thì phức tạp lắm, muốn hiền cũng không được. Hàng xóm đối diện nhà mình này, mở quán cà phê, chuyên cho khách để xe trước cửa nhà mình. Nhiều khi hai vợ chồng đi làm về mà không có lối cho xe vào nhà. Chồng mình sang bảo dắt xe ra thì nó bảo đi mà dắt lấy.
Có lần về thấy mấy cái xe khóa cổ để trước nhà không dắt được, tức quá mình mới sang cửa quán quát “đứa mất dạy nào để xe khóa cổ chắn cửa nhà tao sang dắt ra ngay không tao quẳng hết xuống lòng đường”. Bà hàng xóm chạy xộc ra bảo “mày thích to mồm không tao gọi con tao ra vả cho cái bây giờ”. Mình sôi máu đốp luôn “bà có tin tôi thuê 5 thằng đầu gấu là con bà không còn răng húp cháo không”. Thế là bà ta im luôn, từ đó cũng bớt để xe hẳn”, chị Trang kể lại.
La Hoàn