Bàn về văn hóa và phong cách sống của người Hà Nội xưa và nay, họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, đời sống văn hóa của Thủ đô đã kém đi một cách nghiêm trọng, kể từ sau khi Hà Nội đổi mới...
Văn hóa xuống cấp từ rất lâu
Theo hoạ sĩ - nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội thì chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 - cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người ở thành phố và bốn huyện ngoại thành.
Họa sĩ, nhà
nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Internet |
Đến khoảng những năm 1980, Hà Nội đã rất khác. Lúc này, những đầm lầy Kim Liên, Giảng Võ... đã được lấp hết và nhiều nhà tập thể bốn năm tầng mọc lên. Nhiều làng trong nội đô đã phố hóa hoàn toàn, dân số tăng vọt sau chiến tranh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế bao cấp lúc đó mọi người đều vất vả, và đều nghèo như nhau. Điện nước, lương thực thì khó khăn.
Sau khi đổi mới, Hà Nội là nơi phản ánh rõ nét nhất với sự thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu gạo. Đó là những thay đổi rất tốt, nhưng có một thay đổi không tốt đó là đời sống văn hóa của thủ đô kém đi nghiêm trọng.
Thủ đô bao giờ cũng là trung tâm văn hóa, vậy nơi đó phải có nhiều bảo tàng nghệ thuật, nhiều nhiều nhà hát, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở đỉnh cao... cái này thì Hà Nội đang thụt lùi. Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu. Người Hà Nội không đi xem triển lãm, không xem tranh ảnh, không nghe giao hưởng... chỉ ăn nhậu, chơi, tiều xài đắt tiền. Thực ra ý thức về giao thông, môi trường, ứng xử liên quan trực tiếp đến sự hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Sự hưởng thụ quá ít, quá thấp, nên ý thức sống cũng thấp. Hưởng thụ văn hóa nghệ thuật là rất quan trọng cho việc hình thành tính cách người đô thị. (Theo PNTD) |
Người làm kinh doanh, bán hàng thì chảnh chọe, kiêu căng, bất cần - Đây là hệ quả của kinh tế bao cấp người bán không cần người mua vẫn còn tồn tại trong người dân Thủ đô. Đến khi kinh tế khó khăn thì nhanh chóng cướp khách, bán hàng, thu vốn, mà không còn nghĩ đến chữ tín và đầu tư lâu dài.
Bên cạnh đó, công nghệ du lịch cũng chưa có, tất cả đều là tự phát, khiến cho khách nước ngoài luôn phải chịu tình cảnh hai giá...
“Chung quy lại thì tất cả là do văn hóa xuống cấp, người ta không tự chủ được trong một môi trường có tính cạnh tranh khốc liệt". - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.
Sự phát triển không đồng bộ chính là nguyên nhân
Lý giải cho sự thay đổi thụt lùi về đời sống văn hóa của người dân Thủ đô, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Chính tính không đồng bộ trong những bước phát triển của Hà Nội đã tạo ra những cái dở nghiêm trọng. Ví dụ, môi trường sống – không khí, nguồn nước, thực phẩm, vệ sinh là tồi nhất nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm tính con người. Giao thông cũng là vấn đề lớn, khi đáng nhẽ nó phải được làm trước khi xây các khu đô thị mới.
Sự giáo dục và ý thức công dân cũng không tốt, người ta sống ở thành phố mà luộm thuộm và tự do vi phạm giao thông, môi trường như ở làng xã.
Bên cạnh đó, cũng không có thủ đô hiện đại nào người ta lại cho xây dựng đủ các kiểu như Hà Nội. Và cũng không có một thủ đô hiện đại nào mà không có được một vỉa hè phẳng phiu, vững chãi như ở Hà Nội".
Cho nên, “tính cách con người sống ở Hà Nội thay đổi cũng là tất yếu. Và nếu đặt Hà Nội vào trong bối cảnh xuống cấp chung của văn hóa đạo đức toàn quốc, thì tất yếu thủ đô là nơi phản ánh những nét căn bản nhất của dân tộc” - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, để có để có thể biến Hà Nội trở thành một
đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp, thì không thể chỉ động viên, giáo dục
suông. “Đô thị thời hiện đại là một tổ hợp sống cho hàng triệu người khác với một thành phố thời nông nghiệp với vài chục nghìn dân. Giống như ngôi nhà hai ba tầng khác hẳn với một ngôi nhà 50 tầng. Người ta ít ý thức rằng Hà Nội đang bước vào một đời sống khác của một đô thị đang đi đến hiện đại, ngoài các trang bị kỹ thuật và hạ tầng hiện đại, con người ở đó cũng phải hiện đại. Đó là những công dân của thời hậu công nghiệp, chứ không phải là những người nông dân ra thành phố sống. Đô thị hiện đại có lý thuyết riêng, đòi hỏi ta phải tuân theo, rồi mới đến những tính cách thanh lịch, tao nhã này nọ". - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói. |
Vũ Lụa
" Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu... với sự xuống cấp trầm trọng về văn hóa" - Bạn nghĩ gì về quan điểm này của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc hòm thư doisong@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn! |