Xưa nay người ta chỉ hay nhắc đến mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, ít ai ngờ giữa bố vợ và con rể cũng lắm chuyện dở khóc dở cười.

TIN BÀI KHÁC:


Hết đường đi nhậu

Kể từ khi bố mẹ vợ chuyển về sống chung, anh Bình (Đống Đa, Hà Nội) méo mặt vì phải thay đổi nề nếp sinh hoạt. Chẳng là vợ anh vừa sinh bé đầu lòng, bố mẹ vợ ở quê cũng nhàn rỗi nên anh đón lên chơi rồi tiện chăm sóc vợ anh luôn.

Bố vợ anh là bộ đội về hưu, không bia rượu, thuốc lá và sinh hoạt đúng giờ giấc. Ngược lại, anh là người khá tuềnh toàng, thích tụ tập bạn bè bia rượu sau giờ làm, hay thức khuya dậy muộn. Hai tính cách đối ngược nhau chỉ sống chung chưa được một tuần đã xảy ra chuyện.

Con rể có thể trở thành đồng minh của bố vợ?

Anh Bình kể: "Cụ quen nếp sinh hoạt ở quê, 10 giờ đi ngủ và 5 giờ đã lục đục dậy tập thể dục. Tôi thì quen thức khuya, 12 giờ ngủ, 7 giờ sáng dậy đi làm. Từ ngày cụ về ở cùng, tôi cũng phải ngoan ngoãn 10 giờ đi ngủ, 6 giờ sáng dậy. Thói quen lướt web, chơi game giải trí trước khi đi ngủ đều phải bỏ hết. Ngủ nướng vào thứ 7, Chủ nhật cũng không được".

Anh Bình bảo, chuyện thay đổi giờ sinh hoạt thì anh theo được, khó ở chỗ anh phải về nhà ngay sau giờ tan sở. Mà trước giờ anh có thói quen tụ tập bạn bè làm cốc bia, chém gió vui vẻ rồi mới về ăn cơm với vợ, giờ phải bỏ anh cảm thấy bứt rứt.

"Mình không về ngay thì không được vì các cụ ở nhà đợi cơm. Có hôm mình có việc về muộn, bảo nhà ăn cơm trước mà cụ cứ đợi. Cụ bảo nhà có vài mống, người ăn trước người ăn sau còn ra thể thống gì", anh Bình nói.

Cũng đón bố vợ về sống chung chưa được một tuần anh Hải (Từ Liêm, Hà Nội) đã stress vì không được thoải mái như trước kia. Đang là người chủ gia đình, giờ đây anh phải tỏ ra khép nép, làm gì cũng phải hỏi ý kiến bố vợ.

"Bố vợ mình là người kỹ tính, sạch sẽ, ngăn nắp lại gia trưởng nên ai ở với cụ cũng phải như thế. Mình thì sao cũng được, hơi vụng nên làm cái gì cũng bị cụ nhắc, giày dép đi về phải để gọn lên giá, quần áo thu về phải gấp gọn cho vào tủ, uống nước xong phải đổ cặn rồi úp lên đĩa,... thành thử ra giờ động vào việc gì trong nhà cũng phải nhìn trước ngó sau, rón ra rón rén, cảm giác như đang đi ở nhờ ấy", anh Hải giãi bày.

Bố vợ, con rể... khó mở lòng

Người ta vẫn thường nói, dâu là con, rể là khách, dù cố gắng hòa nhập đến đâu, giữa bố vợ và con rể vẫn có những khoảng cách nhất định. Đặc biệt khi hai người thuộc hai thế hệ, sống ở hai nơi khác nhau thì lại càng khó bắt chuyện.

Anh Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) đang rơi vào tình trạng "bí lời" với bố vợ. Chả là bố mẹ vợ anh từ quê lên chơi dài ngày vì vợ anh vừa sinh cháu. Vợ và mẹ vợ thì bận rộn chăm cháu nên anh phải lĩnh nhiệm vụ tiếp chuyện với bố vợ để cụ đỡ buồn.

Hai bố con khác thế hệ, sở thích lại khác nhau nên chỉ tiếp chuyện cụ đôi lần là anh đã thấy bí lời, chỉ ngồi nghe rồi ậm ừ cho hết chuyện.

"Tôi cũng muốn gần gũi lắm nhưng gần chục năm làm rể rồi mà bố vợ vẫn gọi anh xưng tôi nên chả biết nói chuyện gì. Bố thích kể chuyện ngày xưa, chuyện bom đạn loạn lạc, rồi bố đi chiến đấu, ngày xưa ăn uống khổ sở như thế nào. Rồi bây giờ phải tiết kiệm, như này như này là lãng phí", anh kể.

Anh Kiên bảo, ngày trước thỉnh thoảng về thăm nhà vợ ở quê, ngồi nghe bố vợ kể những chuyện này anh rất thích. Nhưng bây giờ về sống chung, đêm nào cũng ngồi nghe cụ kể, anh thấy hơi chán. Anh có nhu cầu chia sẻ công việc, cuộc sống hiện tại của anh nhưng bố vợ lại chẳng bao giờ hỏi.

"Bố mẹ từ quê ra, nếp sống sinh hoạt khác nên chắc cũng thấy không thoải mái. Ở đây chỉ quanh quẩn ở nhà chăm con chăm cháu nên mình cũng rất thông cảm. Nhưng tình hình này mà kéo dài chắc tôi stress nặng quá", anh Kiên chia sẻ.

Kim Minh
BẠN NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG TÌNH HUỐNG ÉO LE KHI SỐNG CHUNG VỚI BỐ MẸ CHỒNG / VỢ?  HÃY CHIA SẺ CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG CỦA BẠN QUA MỤC PHẢN HỒI HOẶC EMAIL: DOISONG@VIETNAMNET.VN