Những bầy khỉ tự nhiên đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Cà Mau và chúng
được người dân che chở, bảo vệ.
Út Vinh là tay buôn củi đước dạn dày kinh nghiệm, với cả chục năm trong nghề, bôn ba khắp các cánh rừng đước ĐBSCL. Anh vốn có nhiều chuyện kể về rừng, về lâm tặc, về cướp đường dài. Gần đây anh có thêm đề tài mới: Kể chuyện về loài khỉ.
“Bây giờ loài khỉ đã trở về nhóc nhách ở các cánh rừng đước Cà Mau. Hồi nhỏ, tao chỉ nghe ông bà già xưa kể lại, nay thì được thấy tận mắt những bầy khỉ rừng. Có lần, tao còn nhốt cả bầy khỉ bốn, năm chục con…” - Út Vinh hứng thú kể với nhóm bạn bè ở Đất Mũi.
Bầy khỉ có phước
Nghe Út Vinh rao như thế, cả đám bạn bè đang “nổ dòn” về chuyện khỉ bỗng im
bặt. Họ cũng như tất cả những ai ở rừng đước Cà Mau đều biết loài khỉ rất khôn
ngoan, cách săn bắt chúng hiệu quả nhất chỉ là dùng súng săn, súng đạn chày,
hoặc dùng ớt cay pha nước để chúng đến rửa mặt bị cay mắt không thấy đường đi.
Nhưng cũng chỉ bắt được một vài con là giỏi, để một lúc bắt bốn, năm chục con
khỉ nhốt lại là chuyện hi hữu, hình như chưa từng xảy ra ở vùng rừng đước Cà
Mau.
Kỹ sư Nguyễn Tấn Truyền chăm sóc một con khỉ con bị lạc mẹ ở rừng U Minh Hạ. |
Út Vinh khề khà, kể tiếp: “Chẳng những nhốt, mà nhốt nhiều lần rồi. Ai không tin có thể qua Tam Giang hỏi mấy ông tiểu khu (kiểm lâm - PV) ở khu rừng bảo tồn sinh thái thì rõ. Mấy ông đó biết bao lần năn nỉ tao đặc xá tha cho bầy khỉ”. Ông Tám C., một tay chuyên nghiệp sống bằng nghề hầm than đước, lên tiếng: “Rồi ông có tha không?”. Út Vinh: “Tha chứ. Không tha cho ở tù mọt gông. Nhốt chơi cho vui thôi, ông nội tao còn không dám bắt chứ tao”.
Út Vinh có chiếc ghe chở củi rất to, trọng tải đến vài chục tấn, có khoang hầm chứa đồ vật rất rộng. Sau mỗi chuyến buôn củi lên miệt Hậu Giang về, Út Vinh hay mua theo rất nhiều chuối để cho bầy khỉ rừng ăn. Từ đó bầy khỉ rừng rất dạn dĩ với ghe củi Út Vinh, đến mức mà chỉ cần ghe Út Vinh về đến bìa rừng bảo tồn, bầy khỉ chạy ra kêu chí chóe như con nít mừng mẹ đi chợ về. Do vậy mà Út Vinh rất dễ nhốt cả bầy khỉ trong ghe bằng cách lấy chuối chín rải ra dẫn dụ. Khi cả bọn khỉ xuống hầm lấy chuối ăn, Út Vinh đống nắp hầm lại, nhốt cả đám.
Nghe kể đến đây, ông Tám C. lại chen vào: “Trời. Vậy sao không chở cả bầy ra chợ bán luôn? Chắc chắn kiếm bộn tiền!”. Út Vinh trợn mắt: “Làm vậy chắc giờ này tôi ngồi trong Trại giam Cái Tàu rồi. Nhốt có vài tiếng là mấy ông tiểu khu gọi điện thoại la um xùm, buộc thả ra”. Tám C. thắc mắc: “Sao mấy chả biết?”. Út Vinh: “Chiều nào mà bầy khỉ không về tiểu khu để ăn. Thấy bầy khỉ không về là mấy chả biết ngay tao nhốt chứ ai”.
Nông dân Cà Mau đang chung tay với cơ quan chức năng bảo vệ, chăm sóc đàn khỉ tự nhiên. |
Ông Năm Quít nảy giờ vẫn ngồi nghe, đưa tay khều vào đùi Út Vinh: “Hôm nào ông đem về cho tui một khỉ con tui nuôi chơi. Tôi mê khỉ lắm, tìm hoài không có”. Út Vinh lại trợn mắt: “Dễ dầu gì. Ở đó người ta kiểm tra nghiêm ngặt lắm, tiểu khu đóng chốt hết ở các cửa sông ra vào khu rừng. Người dân ở đó cũng bảo vệ bầy khỉ dữ lắm, đâu có lọt qua mắt họ nổi. Bầy khỉ đó có phước lắm cha nội ơi. Đừng có xúi bậy!”.
Út Vinh còn dẫn chứng thêm một thí dụ cho thấy đừng ai mơ mộng vào đó bắt khỉ con về nuôi. Có lần, Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển có ý muốn khai thác khu rừng bảo tồn, do khu này đã được chuyển sang dạng rừng sản xuất sau khi đã có khu bảo tồn ở Vườn quốc gia Đất Mũi. Nhưng người dân và nhiều cán bộ ở đó không đồng ý với lý do đó là mái nhà của khỉ.
Khỉ đã trở về
Nói về khỉ, ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển, cho biết: “Tại rừng đước, mấy năm gần đây xuất hiện rất nhiều bầy khỉ tự nhiên. Hiện tại khỉ đã có mặt tại các cánh rừng ở Tam Giang, Kiến Vàng, Đất Mũi… với số lượng rất đông, có đàn lên đến vài chục con. Điều rất ngộ là không biết chúng đến từ đâu, hễ rừng phục hồi là chúng xuất hiện. Trước giờ chúng ta chỉ nuôi thả ở các khu như cồn Ông Trang, xã Viên An, Ngọc Hiển và Khu sinh thái lâm ngư trường 184 trước đây. Hai địa điểm này cách rừng Tam Giang và Đất Mũi đến vài chục cây số, ngăn sông cách trở”.
Ông Hoàng Văn Súy, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Đất Mũi, cũng nói rất lấy làm
khó hiểu trước sự xuất hiện của bầy khỉ trong vườn mình. Ông nói: “Những năm
1990, rừng Đất Mũi bị người dân tàn phá xơ xác để lấy đất nuôi tôm. Khi đó cánh
rừng này không còn một con khỉ nào. Nhưng cách đây năm năm, khi rừng phục hồi
thì xuất hiện khỉ. Không biết nó đến từ đâu!”.
Lũ khỉ bắt đầu dạn dĩ với người. |
Còn phía cánh rừng tràm U Minh, tại khu vực Vườn quốc qua U Minh Hạ, hiện có đến vài ngàn con khỉ. Anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ Phòng kỹ thuật bảo tồn của Vườn quốc gia U Minh Hạ, phấn khởi: “Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, bầy khỉ rừng U Minh phục hồi rất nhanh chóng, chúng tôi không thống kê nổi nhưng ước có vài ngàn cá thể khỉ”. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cũng cho biết không thống kê được bầy khỉ phục hồi tự nhiên nhưng khẳng định chúng rất đông đảo, đến vài ngàn con.
Chúng tôi đến khu rừng Tam Giang III, nơi mà Út Vinh kể đang có một bầy khỉ tự nhiên đến vài chục con để thị sát. Quả nhiên, chúng tôi đã được nhìn thấy bầy khỉ đang ra bìa rừng tìm thức ăn. Chúng rất đông đảo và dạn dĩ, người lạ vẫn có thể tiếp cận chúng ở cự ly 3 m. Anh Triều, người lái đò đưa chúng tôi vào rừng, khoe: “Nếu mình có thức ăn cho chúng, chúng thậm chí đến đưa tay ra lấy. Hôm trước, hai vợ chồng ông Toản ở Kinh 17 đi chợ mua chuối về nấu dừa ăn. Khi về ngang khu rừng bảo tồn, thấy bầy khỉ nên tấp vô xem. Vợ ông Toản bẻ trái chuối thảy lên rừng cho nó, lập tức nó kêu đồng bọn ùa ra cả bầy, đưa tay ra xin. Hai vợ chồng khoái quá bẻ hết cả quày chuối cho bầy khỉ”.
Vợ chồng anh Phan Văn Đức và chị Lý Hồng Tươi có lẽ là người chứng kiến nhiều nhất những sự việc liên quan đến lũ khỉ Tam Giang, bởi anh chị có cái nhà ở ngay giữa bờ ranh phân biệt khu rừng giống với khu bảo tồn sinh thái, diện tích 100 ha. Anh Đức kể: “Năm năm trước, khi mới về đây tôi đâu có biết chuyện bầy khỉ nên tôi vô tư trồng khoai mì, hoa màu để cải thiện cuộc sống thêm. Khi khoai mì vừa có củ bằng ngón tay cái thì bầy khỉ mấy chục con trong rừng kéo ra nhổ sạch. Nó đông lắm, phá dữ lắm!”.
Chị Tươi, vợ anh, kể thêm: “Có đến hai bầy khỉ, bên rừng giống này có một bầy, bên bảo tồn có một bầy nữa. Chúng phân chia địa bàn rất rõ, vương quốc của ai nấy ở, không xâm phạm lẫn nhau. Thỉnh thoảng chúng đánh nhau chí chóe để tranh giành quyền kiếm ăn ở đường ranh chung. Bầy khỉ bên rừng giống ít con hơn nên thua trận thường xuyên, bỏ của chạy lấy người hoài”. Chị Tươi cho biết không chỉ riêng vợ chồng chị mà có rất nhiều người ở đây mỗi lần đi chợ Vàm Đầm mua hàng hóa đều đến các quầy bán đồ tươi xin rau củ úng để về ngang cánh rừng quẳng cho bầy khỉ. “Bà con ở đây thích khỉ lắm, cán bộ công ty và kiểm lâm thì bảo vệ rất nghiêm. Đàn khỉ rất an toàn!” - chị Tươi nói.
(Theo PL TPHCM)