Các nhà sinh vật học, bác sĩ lý giải, phân tích thêm về thông tin thịt bị cấy
trứng đỉa, người ăn phải thịt này sẽ bị đỉa sinh sôi nảy nở trong bụng phá hoại
nội tạng.
Trứng đỉa có nở thành con trong cơ thể người?
Trao đổi với phóng viên VTC News, một quan chức trong ngành nông nghiệp cho
biết: "Việc người Trung Quốc thu mua đỉa có thể coi tương tự như các vụ việc thu
mua móng trâu, ốc bươu, rễ cây hồi trước đây.
Cũng không thể phủ nhận, đỉa được dùng như các phương thuốc y học cổ truyền để chữa bệnh máu đông, giúp cho người bị máu tích tụ ở thành mạch máu gây tai biến…
Theo quan điểm của tôi, trong dạ dày có men tiêu hóa nên dù có ăn phải đỉa, trứng đỉa thì cũng sẽ bị đào thải ra ngoài. Với tin đồn này phải xem xét cẩn thận, rõ ràng, không được hùa theo".
Còn ông Nguyễn Sơn Đông, bác sĩ thú y tại Hoài Đức, Hà Nội khẳng định: Trong các tài liệu qua khoa học, ông chưa từng nghe thấy việc cấy trứng đỉa vào thịt. Nếu nói xay thịt ra để làm thức ăn nuôi cấy vi khuẩn còn hợp lý. Và ông cho rằng, thông tin trên không chính xác.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn): “Vốn dĩ đỉa lấy thức ăn từ máu của vật chủ của động vật có xương sống như người. Do dó, đỉa khi sống trong các cơ quan cơ thể có thể dẫn đến lạc chỗ và gây ra các biến chứng nguy hiểm đến con người.
Nó có thể sống trong một thời gian nhất định tại các cơ quan, tạng rỗng như họng, hầu, thực quản, lỗ tai, lỗ mũi và một số chỗ vùng kín trên cơ thể như bộ phận sinh dục nam, nữ, niệu đạo và bàng quang. ..
Được một thời gian, đỉa sẽ gây ra nhiều biến chứng như tắc hoặc bán tắc nghẽn một cơ quan nào đó, gây xuất huyết, ho khạc ra máu như mũi, hầu họng, phế quản - phổi từ nhiều tuần đến nhiều tháng trước khi chúng được các nhà lâm sàng phát hiện và phẫu thuật gắp ra mới có thể cứu lấy tính mạng bệnh nhân (như các trường hợp đặc biệt đã được báo cáo trên y văn thế giới và Việt Nam trong nhiều năm qua).
Khi phân tích về việc đỉa có thể được ăn cùng thịt từ đó vào dạ dày hay không? Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang nói: “Nếu đỉa có vô tình đi vào dạ dày thì cũng khó hoặc không thể sống được trong môi trường có độ pH axit cùng các men tiêu hóa này.
Hoặc nếu có chẳng may lạc chỗ, di chuyển đến cơ quan dạ dày, phần lớn chúng sẽ nhanh chóng đi ngược lại thực quản lên vùng hầu họng và sau đó vào phế quản, phế nang, thậm chí nhu mô phổi để gây biến chứng xuất huyết nhu mô phổi. Điều này khiến bệnh nhân có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời vì bản thân đĩa khi hút máu có chất chống đông nên máu tại vết thương tổn có thể chảy ra liên tục.
Song nếu nói rằng “cấy trứng đỉa vào thịt, để sau đó người ăn thịt có chứa trứng đỉa vào cơ thể, trứng phát triển thành đỉa trong cơ thể người, phá hủy nội tạng" thì tôi cho rằng chưa có cơ sở khoa học bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, phần lớn ca bệnh đỉa chỉ di chuyển vào đến các phần của hệ hô hấp và thành thực quản, hiếm khi đỉa vào dạ dày do khó có thể tồn tại vì môi trường không thuận lợi.
Thứ hai, chu trình phát triển và sinh sản của đỉa rất dài và chậm. Đây là động vật lưỡng tính, trứng phát triển trong kén do đai sinh dục tiết ra. Cấu tạo của cơ quan sinh dục ở đỉa tương tự như ở lớp giun, nhưng phát triển rất chậm, phải tới vài năm mới đạt tới giai đoạn trưởng thành.
Giống như họ giun đất, đỉa là loài lưỡng tính. Đây là sinh vật lưỡng tính nhưng lại không thể tự thụ tinh, chúng sinh sản bằng cách tạo ra nhiều kén nhỏ hình trái xoan, tiếp đó những kén này được thụ tinh bởi một con đỉa khác và bị bỏ lại trên bờ sông hoặc bờ ao chờ tới ngày nở.
Thứ ba, ở đỉa không có ấu trùng sống tự do, sự thụ tinh xảy ra khác nhau ở các nhóm đỉa, trong đó một số loài đỉa có cơ quan giao phối thì thụ tinh trực tiếp (thụ tinh trong), còn lại một số loài không có cơ quan giao phối sẽ thụ tinh gián tiếp (nghĩa là bao tinh của cá thể này được gắn vào một vùng nhất định sau lỗ sinh dục cái của cá thể cái khác.
Tinh trùng sẽ từ bao tinh chui vào cơ thể con cái và di chuyển về tuyến trứng nhờ vào một loại mô phân hóa ở vùng thụ tinh được gọi là mô định hướng. Sau khi thụ tinh được vài ngày đến vài tháng, đai sinh dục tuột về phía trước, hình thành kén chứa trứng đã thụ tinh, hình dạng và số lượng trứng trong kén thay đổi tùy theo nhóm loài hay tùy loài).
Thứ tư, mặc dù có một số loài thì trứng có thể phân cắt trực tiếp thành đỉa trưởng thành, song chúng ta cũng nên xem xét các yếu tố thích hợp cho phát triển của trứng, kén, đỉa trưởng thành, nhất là nhiệt độ, độ pH. Nếu thịt sau đó được xử lý chín sẽ còn đâu là trứng là đỉa mà gây bệnh. Hơn nữa trong điều kiện cấy trứng vào liệu trứng có sống tồn tại trong mẫu thịt hay không?
Như vậy, với cơ sở khoa học ở trên trước khi chúng ta kết luận thông tin “cấy trứng” đỉa vào trong thịt, tiếp đó thịt được ăn vào bởi người sẽ phát triển thành con đĩa trưởng thành cần phải có chứng minh dựa trên các kết luận của y sinh học, chứng cứ từ giới khoa học chứ không nên kết luận quá sớm, làm hoang mang trong cộng đồng.
Đỉa được dùng trong y học thế nào?
Đỉa là một nhóm sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt (Annelida) có thân mềm và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước.
Thức ăn của đỉa là máu các loại động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị chảy máu liên tục. Đỉa có nhiều loài khác nhau, có loài sống ở cạn, có loài sống ở nước ngọt.
Bác sĩ Quang cho biết: Từ năm 1884, người ta đã tìm ra trong nước bọt đỉa có
chất hirudin chống đông máu. Nước bọt của đỉa tiết ra hỗn hợp hóa chất như thuốc
gây tê và chất giãn mạch mở rộng mạch máu nơi vết cắn để đỉa hút được nhiều máu;
chất chống đông và chất kháng sinh.
Đông y dùng đỉa để chữa bệnh sau khi phơi khô. Vị thuốc này vị mặn đắng, tính
bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh
thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít
kinh...
Một số tài liệu cho biết đỉa có tác dụng trị nhọt độc, phong lở, bế kinh...
Trong “Nam Dược Thần Hiệu” của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến
khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...
Trong y học hiện đại, đỉa được dùng trong vi phẫu nhằm hỗ trợ việc nối các mạch
máu nhỏ, chẳng hạn như khi ráp nối các phần bị đứt rời. Trong vai trò này, đỉa
sẽ hút 10-15 ml máu cho một lần sử dụng. Nó làm máu rỉ liên tục tại chỗ bị cắn,
giúp máu lưu thông hiệu quả trong thời gian vết thương chưa liền.
Những hóa chất do đỉa tiết ra cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu và bào
chế các dược phẩm dùng điều trị các bệnh về tim mạch.
Năm 2004, việc sử dụng đỉa hút máu đã được chính phủ Mỹ thông qua để điều trị
cho những người vừa trải qua phẫu thuật ghép da, hoặc để phục hồi tuần hoàn cho
người bệnh.
(Theo VTC News)