Vào các ngày mùng 1, ngày rằm, chị Hồng (Lạc Trung, Hai Bà Trung, Hà Nội) đều mua rất nhiều quần áo, mỹ phẩm, thậm chí cả phiếu đi spa…để “gửi” cho cô con gái đã mất vì tai nạn giao thông.
Kinh tế khó khăn, hàng cho người âm vẫn "đắt"
Chưa đến ngày rằm tháng 7 nhưng ở “vương quốc vàng mã” như phố Hàng Mã,
Lương Văn Can, chợ Hôm… không khí mua, bán đã nhộn nhịp, tấp nập từ trước đó cả
tuần. Là đàn ông, nhưng anh T., nhân viên hành chính, vẫn chịu khó tỉ mỉ, lựa
chọn từng mặt hàng. Anh cho biết, cuối tuần nên anh tranh thủ ngày nghỉ để đi
sắm sửa lễ cho công ty vào rằm tháng 7 vì “sếp tôi rất coi trọng chuyện này”.
Phố Hàng Mã tấp nập vào dịp kinh doanh lớn nhất của năm |
Chủ 1 cửa hàng trên phố hàng Mã cho biết, mặc dù chưa cận ngày nhưng cửa hàng của chị đã bán được rất nhiều hàng. Theo chủ cửa hàng này, kinh tế đang khó khăn nhưng mặt hàng này vẫn tiêu thụ được. “Mỗi người mua hàng có thể giảm số tiền mua vàng mã xuống so với năm ngoái vì kinh tế khó khăn nhưng số lượng khách hàng thì không giảm”. Bà T., một người bán nước ở ngã tư phường Hàng Mã, lý giải: “Như 1 tục lệ rồi. Người ta có thể nhịn ăn, bớt mặc đi 1 chút nhưng không thể không sắm sửa đầy đủ lễ được. Như thế là các cụ trách chết”.
Cũng đang đi sắm lễ theo ý mẹ chồng, chị Ngân (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng), cho biết: “Mẹ chồng mình là người mê tín. Trước đó, cả gia đình đã thuyết phục được bà bỏ tục lệ đốt vàng mã. Nhưng năm ngoái, bà đi xem bói, người ta bảo người thân của mình thiếu cái nọ, cái kia, bà không cầm lòng được. Cứ nghĩ là mình ở thế giới này không đến nỗi nào mà để người thân ở thế giới bên kia túng thiếu thì bà áy náy lắm”. Chị Liên (Giáp Bát) lại kể: “Mẹ mình kể, ở quê có nhà bán đất mua được xe SH. Đêm về nằm mơ bị người âm trách “Mày có tiền mua xe mà chẳng nhớ gì đến chúng tao”.
“Người ta có thể nhịn ăn, bớt mặc đi một chút nhưng không thể không sắm sửa đầy đủ lễ”. |
Không quá mê tín nhưng chị Liên cũng mua vàng mã như 1 tục lệ khó bỏ: “Mình đốt xe, nhà, quần áo… cho các cụ không phải cầu mong những thứ đó mà chỉ muốn báo hiếu và để tâm an mà thôi”. Thậm chí, như trường hợp chị Thu (Từ Liêm, Hà Nội) có 1 người bác mất chưa kịp lấy vợ, gia đình chị còn mua cả hình nhân về đốt cho bác ở dưới âm… lấy được vợ. Chị Thu cho biết thêm, ở cơ quan chị làm, một chị có con gái bị mất sớm. Chị này còn đi đặt riêng các loại mỹ phẩm, phiếu làm đẹp… để đốt cho con gái. Vì lúc còn sống con chị rất thích làm đẹp.
Đốt vàng mã – đốt tiền
Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên khá nhiều gia đình nghĩ rằng phải đốt nhiều vàng mã, mua nhiều đồ dùng vào dịp rằm tháng 7 thì người dưới cõi âm mới không thiếu thốn, người trần cũng được mang tiếng là “trọn chữ hiếu”. Mỗi năm để tăng sức cạnh tranh đồ vàng mã đều có nhiều đổi mới hơn, đẹp hơn, tinh xảo hơn. Từ những vật dụng nhỏ như ví, túi xách, kính mắt, mũ bảo hiểm… đến tủ lạnh ô tô, máy bay, ti vi màn hình phẳng… đều được đáp ứng người tiêu dùng.
Chị H., người bán hàng trên phố Hàng Mã, cho biết: “Tất cả các mặt hàng chúng tôi đều có sẵn để bán cho khách, tuy nhiên những sản phẩm tinh xảo, đắt tiền thì khách phải đặt riêng”. Chị này cũng cho biết, sau khi đặt chỉ khoảng 2 ngày sau là khách nhận được hàng. Giá vàng mã năm nay đều tăng so với năm ngoái. Đối với các loại mã truyền thống gồm: giấy tiền vàng, sớ, quần áo, giày dép, mũ nón... theo chất liệu của giấy có giá dao động khoảng 20.000-100.000 đồng/bộ. Những mặt hàng đặc biệt như xe máy SH, Vespa có giá từ 70.000-150.000 đồng/xe; xe ô tô loại 4 chỗ có giá từ 150.000-200.000 đồng/chiếc.
Giá cả các sản phẩm đều tăng nhưng sức mua không giảm. |
Ngoài ra, một số mặt hàng hiện đại, công nghệ cao như Iphone 4, Samsung Galaxy Tab, máy tính, thẻ tín dụng... cũng thu hút sự chú ý của nhiều khách mua hàng. Để cho đồng bộ, một số khách hàng còn đặt mua cả nhà lầu, biệt thự. Mỗi “lễ” này giá thấp nhất cũng đã 4 - 5 triệu đồng/bộ, những loại to hơn có khi giá lên tới cả trên chục triệu đồng. Mỗi gia đình trung bình sắm mã cúng Rằm khoảng 30.000-50.000 đồng/lễ, nhà nào khá giả thì khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Những gia đình quan chức và dân buôn bán giàu có sắm lễ tới vài triệu là chuyện không còn hiếm.
Đặc biệt, các mặt hàng mỗi năm đều phong phú, đa dạng hơn và được làm khá tinh xảo, “giống như thật” bởi theo những người bán hàng thì “các cụ ở dưới đó không thích màu mè, lòe loẹt”. Mỗi lần có khách vào mua hàng, chị H. liên tục tư vấn mua hàng: “Mua lễ thiếu các cụ quở cho thì đừng trách”. Đốt vàng mã vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường nên trên diễn đàn Webtretho, một thành viên chia sẻ: “Nhà mình không đốt vàng mã chỉ cúng hoa quả, thắp đúng 1 nén hương.
Tết rồi mẹ chồng mình mua một đống mũ, áo…bằng giấy cho mình, nhưng mình không lấy. Bà có giận thì cũng phải chịu, mình kiên quyết không lấy để bà đỡ phải mua lần hai”. Thành viên này chia sẻ thêm: “Mình có cô em họ suốt ngày lên đồng, cúng bái, mỗi lần đốt vàng mã ít nhất là 5 triệu. Nhưng chả bao giờ thấy “lộc” chỉ thấy nhà mỗi ngày mỗi nghèo, 2 vợ chồng đau ốm, gia đình thì không hạnh phúc, cãi cọ cả ngày…”.
Mặc dù vậy, nhưng tục lệ đốt vàng mã trong các ngày rằm, ngày tết vẫn tiếp diễn như một thói quen khó bỏ trong tiềm thức từ nhiều năm nay của người Việt.
Cho rằng trong Phật giáo không có quyển kinh sách nào ghi lại việc Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã, tại Việt Nam cũng chưa thấy có sách nào nói đến nguồn gốc ra đời của tục đốt vàng mã, tiền âm phủ... Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (đường Thái Phiên, thuộc phường 8, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) đã vận động người dân 12 năm nay không đốt vàng mã mà để dành tiền để giúp đỡ người nghèo, làm việc thiện. Thượng tọa Thích Duy Trấn khuyên: "Mỗi người hãy cân nhắc kỹ trước mỗi việc mình làm. Chúng ta mua và đốt vàng mã, đồ mã quá nhiều để làm gì? Phải chăng để mong vong hồn người quá cố sớm siêu thoát? Nếu vì điều đó thì hãy dành thời gian tụng kinh niệm Phật và dành tiền bạc đó để làm từ thiện, có ý nghĩa cho cộng đồng. Hãy tin tôi, đã là Thượng tọa thì không bao giờ hướng dẫn phật tử đi sai đường cả..." |
Lê Hiếu