Cô bé nghiện game đến mức mụ mị đầu óc. Một ngày, nó mải mê online đến quên bẵng
giờ học, quên cả về nhà.
Không có nổi 50.000đ để trả cho quán net, nhớ đến lời đứa bạn chat mách: “Tạo
phòng chat với nhiều người và kêu toáng lên là cần “cứu nét”, kiểu gì trong
10 người bạn ảo, cũng có một người chạy đến “cứu” mày”. Nó làm theo lời bạn và
“người tốt” đến thật. Chỉ có điều, anh ta không cứu nó trả về nhà, mà đem
thẳng đến “nhà thổ” ở phố Bần (Hưng Yên) bán cho một cặp vợ chồng trẻ. Nó,
một đứa bé 15 tuổi, dáng cao, chân thẳng, da trắng, phải trải qua những ngày
hoảng loạn khi chứng kiến cảnh nhiều bạn nhỏ bị lừa bán giống mình. Chỉ vì mê
game, nó và các bạn nhỏ ấy đã phải trả giá bằng những ngày tháng tăm tối, tại
một “động quỷ” ngay sát thành phố phồn hoa...
Mải lo mưu sinh, mẹ Thùy không còn thời gian quan tâm đến con cái. |
Một thiếu nữ mất tích
Sau cơn bão số 5, thành phố ngổn ngang, chúng tôi tìm đến nhà bé Thùy - người đã giúp cảnh sát hình sự triệt phá ổ mại dâm lớn nhất trong năm 2011. Con đường nhỏ dẫn vào nhà cô bé nằm ngay sát bờ sông Hồng. Nhà của Thùy nằm lọt thỏm giữa cái chợ cóc bé tẹo. Không có chỗ cho khách ngồi, mẹ cô bé dẫn chúng tôi ra quán trà đá sát bờ sông nói chuyện. Nhắc lại sự cố mất tích của con gái, chị khóc, nói như tự an ủi mình: “Còn người là may lắm rồi cô ạ!”.
Theo hồ sơ từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Thùy, 15 tuổi, học lớp 7, ở P.Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm, bị mất tích từ ngày 13/6/2011, không rõ nguyên nhân. Lúc đó, người cha của nạn nhân đang làm bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân phải bỏ việc, lục tung mọi ngõ ngách để tìm con. Người mẹ quẳng gánh cháo sườn, vốn là phương tiện kiếm cơm của cả gia đình vào góc bếp, vay tiền làm lộ phí tìm con đến tận biên giới Lào Cai, Lạng Sơn. “Đúng lúc tôi sức tàn, lực kiệt thì Thùy lò dò trở về”. Người mẹ khốn khổ kể: “Nó cùng một đứa bạn gái bằng tuổi, bước xuống từ một chiếc taxi. Tôi ôm nó khóc. Mặt nó thì thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Nó bảo: “Mẹ trả tiền taxi đi, con vừa trốn thoát khỏi một “động quỷ” ở thị trấn Bần (Hưng Yên) mà bọn con bị lừa bán vào đấy”. Tai tôi ù đi, chân đứng không vững. Tiền taxi hết 350.000đ thôi mà tôi lục khắp nhà cũng chẳng có nổi. Nhà còn mỗi một chiếc điện thoại của bố cái Thùy, mang ra hiệu cầm đồ, người ta cho vay 250.000đ chẵn. Tôi xin ông lái taxi làm ơn, làm phúc giảm cho cháu 100.000đ. Người lái taxi tỏ ra thông cảm”. Ông ta nhìn thấy hai đứa trẻ chạy thục mạng ra giữa Quốc lộ 5 (đoạn qua thị trấn Bần) để chặn xe, nên nghĩ hẳn chúng đang gặp nạn. Sự khó khăn của gia đình Thùy, cũng tương tự những gia đình ở xóm nhỏ ven sông này. Hầu hết mọi người đều sống bám vào chợ cóc trên phố Bảo Linh. Mẹ Thùy thừa nhận thất bại trong chuyện nuôi dạy con cái. Mải lo cơm áo gạo tiền, chị không còn thời gian quan tâm đến các con.
Tôi hỏi Thùy: “Gặp lại mẹ sau những ngày xa cách, sao con lại thản nhiên đến thế?”, Thùy cộc lốc: “Đã về đến nhà rồi thì sao phải “xoắn”?”. Nói xong, Thùy cười nhe hàm răng ố vàng, ánh nhìn toát lên sự bất cần đời. Mẹ Thùy ái ngại: “Nó đanh đá đến mức ở nhà không ai bắt nạt được, thế mà lại đột nhiên “bốc hơi” mất đấy. Tôi mải kiếm sống, chẳng biết con mình đã “trượt dốc” không phanh. Tôi không nghĩ game online lại có thể khiến tôi suýt mất con như vậy”.
Thùy nghiện game, mất hẳn khả năng điều khiển hành vi. Đang học rất giỏi, trở thành “đội sổ”, thường xuyên ăn cắp tiền của bố mẹ, bị đuổi học... Đó là vài chi tiết mẹ Thùy có thể miêu tả về con gái trước ngày mất tích.
Những nạn nhân vừa được Công an TP. Hà Nội giải cứu khỏi đường dây buôn người. |
Những đứa trẻ “đổi màu”
Tôi hỏi: “Lý do đến với game của cháu là gì?”. Thùy đáp nhanh: “Cháu bị “choét” ấy mà”. Tôi suýt bật cười vì câu trả lời tỉnh bơ của Thùy. “Choét” có nghĩa là như thế nào?”. Cô bé cười khẩy: “Cô không hiểu thật à? “Choét” có nghĩa là căng thẳng đầu óc, là chán đời, chát tất cả ra í ạ”! “Thường cháu hay “choét” vì những lý do nào?”. Thùy nói: “Là khi bố chửi cháu là đồ súc vật, hoặc con chó, hoặc con đĩ...”. “Sao bố cháu nặng lời với cháu thế?”. Thùy hồn nhiên: “Tại cháu mê game, ăn trộm tiền của bố nên ông chửi cháu cho hả cơn tức. Cáu giận, chửi bới là cách để bố cháu xả “choét” cô ạ! Cháu chán, không muốn sống trong cảnh ấy, nên đành phải tìm vui trên mạng. Các bạn cháu chơi game quên ngày tháng, bố mẹ chúng cũng quá quen với việc chúng vắng nhà mấy ngày liền. Có đứa đứng lên thì hết tiền thanh toán cho chủ quán net, phải lên mạng nhờ “cứu nét”. Tất nhiên, ai cứu mình thì mình phải trả ơn họ, đấy là “luật” rồi. Vì thế nên khi bị người “cứu nét” bán vào động mại dâm, cháu không sợ mấy, chỉ rình lúc bọn chủ động sơ hở là trốn. Sau nửa tháng xa mẹ, lúc về nhà được thì cháu cũng chỉ có cảm giác hơi mừng chút thôi”.
Tâm sự của Thùy khiến tôi nhớ đến cuộc phỏng vấn một cậu nhóc 16 tuổi, bị bắt về tội cướp giật. Nó không biết mẹ nó làm gì để nuôi nó, vì nó chưa bao giờ hỏi, và có thể cũng vì mẹ nó chưa bao giờ nói cho nó biết. Chỉ thấy rõ ràng là nó không hề quan tâm gì đến mẹ. Khi biết con bị bắt, mẹ nó đứng bên ngoài cơ quan công an, liên tục đưa tay đấm vào ngực trái để giảm bớt những cơn đau nhói nơi lồng ngực, thì thằng con trai vẫn thản nhiên như không. Dường như nó đã chai lì cảm xúc. Tôi hỏi: “Cháu có biết vì sao mẹ cháu phải tự đấm vào ngực mình không?”. Nó thản nhiên lắc đầu: “Cháu không biết”! Nhìn năm thằng bé ngồi lọt thỏm trên một băng ghế của Phòng Cảnh sát hình sự thật chẳng giống ai. Đứa thì nhuộm tóc vàng chóe, đứa nhuộm màu bạch kim, đứa thì đỏ quạch... Chúng đang phải viết bản tường trình về những vụ cướp giật trên đường mà chúng đã cùng tham gia.
Trước khi bị bắt, năm đứa trẻ này đều có nhà cửa đàng hoàng, thỉnh thoảng kéo nhau bỏ nhà đi bụi, lý do rất đơn giản: không thích học, cũng không muốn sống cùng bố mẹ nữa. Có đứa đã rất lâu không cầm đến bút, bản tường trình sai lỗi chính tả be bét. Tôi hỏi: “Tiền cướp được các cháu làm gì?”. Thằng nhóc cầm đầu băng cướp trả lời ráo hoảnh: “Bọn cháu ăn uống, chơi điện tử, trả tiền phòng. Cháu nuôi thằng này mấy tháng nay đấy. Mới đây nó mới dám làm ăn chứ trước thì nhát lắm”. Thằng nhỏ như cái kẹo bị bóc mẽ nên cay cú, mắt gườm gườm nhìn thằng kia. Tôi hỏi tiếp: “Thế ở nhà nghỉ thích hơn hay ở nhà thích hơn?”. “Tất nhiên là nhà nghỉ! Vừa thoải mái lại không bị ai quản lý”.
Tùng, đứa trẻ nhìn có vẻ lành nhất trong bọn, vốn là con nhà gia giáo. Chỉ từ khi bố nó phát hiện mẹ nó ngoại tình thì tất cả bị đảo lộn. Tùng lẳng lặng giả vờ không biết đến sóng gió đang diễn ra trong mái nhà tưởng như ngập tràn hạnh phúc của mình. Bố mẹ Tùng thống nhất với nhau là sẽ không ly hôn vì nó. Trước mặt Tùng, họ vẫn tỏ ra hạnh phúc, nhưng đằng sau thì hát bài “đôi ngã chia ly”. Tùng thấy ngột ngạt khi phải sống giả tạo nên được mẹ đưa đến trường xong, Tùng chỉ chờ mẹ đi khuất bóng là bắt xe ôm mò đến “đại bản doanh” với lũ bạn “dạt vòm”. Một thằng trong toán cướp, chưa đầy 15 tuổi, có gương mặt ngây thơ đến tội nghiệp. Nó bỏ học từ lớp 6, chưa biết đi xe máy nhưng vẫn ngồi sau đồng bọn làm “nhiệm vụ” cản đường khi bị truy đuổi. Cả bọn “đóng đô” tại nhà nghỉ, mỗi đợt kéo dài cả tháng. Ban ngày đi cướp, ban đêm về ngủ nghê, đi vũ trường “đập phá” sức trẻ. Chúng rủ nhau sinh hoạt tình dục tập thể, đập đá cũng tập thể.
Tôi hỏi Thắng, thằng nhóc có vẻ trẻ nhất trong nhóm: “Cháu có người yêu chưa?”. Thắng nói còn ngọng líu, gương mặt trẻ con bỗng đỏ bừng vì xấu hổ. Vậy mới lạ, nó biết đỏ mặt khi được hỏi chuyện tình cảm, nhưng lại không hề run tay khi cùng đồng bọn gây ra những vụ cướp giật. Hỏi: “Lâu không về nhà, có ai đi tìm không?”. Thắng buông thõng một câu: “Cháu “dạt vòm” lâu rồi, mọi người không đi tìm nữa”.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
(Theo PNO)