“Đang ngủ say thì bị ba cắt tóc. Em thức dậy thấy tóc bị cắt rồi, em khóc. Em nói với ba là, thà ông lấy kéo đâm chết tôi đi chứ sao lại cắt tóc tôi”, đó là một trong rất nhiều câu chuyện người chuyển giới bị người thân bạo hành.
Mày không phải con tao!
Cha mẹ sỉ nhục: “Mày là cái thứ gì, mày không phải người, mày là đồ bệnh hoạn, mày không phải con tao”, hay đánh đập, nhốt không cho con ra ngoài là những phản ứng thường thấy khi phát hiện con là người chuyển giới. Không ít người cha, người mẹ sẵn sàng từ mặt con, đánh mất đứa con của mình.
Một người chuyển giới từ nữ sang nam ở TP.HCM kể lại câu chuyện nhói lòng của mình: "Khi công khai giới tính với bố mẹ, em nói với bố em là: 'Cái đầu của con là con trai nhưng thân con là thân con gái. Con muốn chỉnh thân hình cho phù hợp với cái suy nghĩ, tư tưởng của mình'.
Thế là bố bảo: 'Rồi, mai đi gặp bác sĩ tâm lý để chỉnh cái đầu mày'. Em buồn vì cái đầu là nơi lưu giữ tất cả kỷ niệm gia đình, bạn bè, là tất cả cái gì làm nên con người của mình, chứ không phải cái thân mà bố lại muốn chỉnh như vậy có nghĩa là bố sẵn sàng mất đứa con của mình”.
Vì sự kì thị, người chuyển giới phải hát đám ma để kiếm sống. Ảnh: tinmoi |
Thậm chí, có người mẹ ra đường không dám nhận con chỉ vì “con mình không giống con người ta”: “Ra đường ấy, em gặp mẹ em mà mẹ em không dám nhận, giống như cha mẹ em đã bỏ em rồi. Lúc đó cũng buồn bã và nghĩ tự tử”, một người chuyển giới từ nam sang nữ kể lại.
Sự kỳ thị còn đầy rẫy ở không gian trường học, cộng đồng. Người chuyển giới từ nam sang nữ cho biết thường xuyên bị gọi bằng các ngôn ngữ mang tính kỳ thị như pê đê, bóng.
“Lắm lúc nghĩ cũng tủi lắm mà phải sống. Ra đường người ta la làng lên: pê đê, pê đê kìa. Tức nhất là khi ra đường người ta kêu mình là “bóng chó”. Mình đã mang trong mình dòng máu như vậy là không ai muốn. Mình đã mặc cảm với người đời. Tại sao họ lại nói như vậy”, một người chuyển giới chua xót.
Hát đám ma và bán dâm kiếm sống
Vì sự kỳ thị mà người chuyển giới phải bỏ học sớm, không có học thức đồng nghĩa với cánh cửa việc làm cũng hẹp. Ngay cả những công việc chân tay như rửa bát, quét nhà thuê cũng khó vì người ta “không thuê pê đê”.
My (19 tuổi, ở TP.HCM) là một người chuyển giới từ nam sang nữ. Vì hay chơi các trò con gái nên My bị các bạn nam trêu chọc. Một lần mặc áo tay bồng đi học, thầy cô yêu cầu My đi thay áo. Không chịu nổi áp lực từ sự kỳ thị trong trường học, em bỏ học.
Sau một lần cãi lại gia đình khi bị xúc phạm là pê đê, My bị đuổi ra khỏi nhà. My sống lang thang trên đường phố, tối ngủ ngoài công viên, cần có một công việc làm để kiếm sống. Sau nhiều lần xin việc thất bại “nhiều chỗ nói thẳng vào mặt “ở đây không mướn pê đê”. Em xin việc ở quán cơm vỉa hè, họ nói “pê đê vô đây chỉ ăn trộm ăn cắp chứ gì”. My đi hát đám ma và bán dâm để kiếm sống.
Hay như Ken, 22 tuổi ở Hà Nội vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch khách sạn. Từ bé Ken không thích mặc đồ nữ và chưa bao giờ để tóc quá vai. Năm lớp 10 cắt tóc tém như con trai, Ken bị mẹ đánh vì “trông không giống ai”. Từ đó bố mẹ hạn chế cho tiền tiêu vặt để không cắt tóc, mua quần áo con trai nữa.
Ken đã nộp đơn xin việc ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì “nhân viên khách sạn cần phải có hình thức, nam phải ra nam, nữ phải ra nữ. Thí dụ như em vào làm bồi bàn thực tập, người ta cũng yêu cầu em đánh phấn son. Cũng khó”, Ken tâm sự.
TS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho biết, người chuyển giới là người đang bị kỳ thị nhiều nhất trong xã hội. Họ đang phải đối mặt với nghèo đói, bệnh tật và xâm hại an ninh thân thể.
“Đã đến lúc xã hội thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế”, ông Bình nói.
Nghiên cứu mới đây nhất (được thực hiện trong tháng 6-7/2012) của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường Isee chỉ ra rất nhiều vấn đề mà người chuyển giới đang phải đối mặt. Chịu sự kỳ thị xã hội, thiếu quy định pháp lý đặc thù, thiếu chăm sóc y tế, hiếm cơ hội việc làm, người chuyển giới đang thực sự tồn tại ngoài lề xã hội.
(còn nữa)
La Hoàn