Không giống như các khu chợ dân sinh thuần túy, gần 300 gian hàng ở chợ gỗ Phù Khê Thượng (Xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) chỉ có duy nhất một mặt hàng mua bán đó là gỗ trắc.

Khu chợ rộng trên 10.000m2 nằm trên khu đất thôn Thượng, người đến mua hàng đều làm nghề mộc trong ngoài xã. Ở khu chợ độc đáo này, gỗ được mua bán bằng đơn vị kg chứ không dùng m3 như thông thường.

Chợ gỗ Phù Khê Thượng được khánh thành đầu tháng 3/2012 giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân xã Phù Khê.
Chợ được xây dựng với gần 300 ki ốt bán hàng với giá thuê trên 30 triệu đồng/ năm cho diện tích 40 m2 mỗi gian hàng. So với giá thuê tại các địa điểm khác ngoài xã thì chỉ bằng phân nửa nên các gian hàng đã được tiểu thương thuê hết.
 Mặt hàng bày bán chỉ duy nhất là loại gỗ trắc với nhiều kích cỡ.
Chợ họp cả ngày nhưng nhộn nhịp nhất vào buổi sáng và người đến mua đều là các phó mộc trong ngoài xã.
Chiếc thước dây chỉ dùng để đo đạc kích thước xem có phù hợp với vật dụng cần đóng, không phải đơn vị đo để tính giá.
Giá cả được tính bằng kg tùy theo chất lượng và kích cỡ của miếng gỗ. Giá thường dao động từ 40 ngàn đến hàng triệu đồng/kg.
Anh Trương Văn Thắng, chủ một gian hàng bán gỗ trắc cho biết gỗ chất lượng tốt chỉ có một màu nâu thẫm, còn có khoang trắng (từ chuyên nghề gọi là có rác) như khúc anh đang giới thiệu thì chất lượng kém hơn.
Kinh phí 7 tỷ đồng xây dựng chợ được chủ yếu từ các hộ kinh doanh góp vốn cùng với nguồn tài chính của thôn.
 Khách vào hàng nào, hàng đó bán, tuyệt nhiên không có tình trạng chèo kéo, tranh khách tại khu chợ này.
Cũng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng mất cắp ở khu chợ gỗ Phù Khê Thượng dù mặt hàng này rất dễ lấy. Hết giờ, các hộ kinh doanh chỉ việc đậy bạt tránh nắng mưa, việc đảm bảo an ninh là nhiệm vụ của 6 bảo vệ thay phiên canh giữ.
Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng cho biết, ông cùng ban lãnh đạo thôn Thượng đã đưa ra ý tưởng xây dựng khu chợ là do trước đây đa số các hộ đều phải mua nguyên liệu từ một số cơ sở kinh doanh ngoài xã dẫn đến tình trạng bị tư thương ép giá, phụ thuộc gây khó khăn cho việc sản xuất của làng nghề. Toàn xã với 2.000 hộ dân, (trong đó 22 hộ thành lập doanh nghiệp) thì hầu hết đều tham gia làm nghề mộc truyền thống, chế tác, sản xuất sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ liên quan đến nhiều loại gỗ nên nhu cầu rất lớn.
Từ khi chợ gỗ hình thành, các phó mộc chỉ việc ra chợ là có thể chọn được những khúc gỗ có kích thước phù hợp với sản phấm cần gia công, chế tác vừa tiết kiệm thời gian, vừa không lãng phí với giá cả phải chăng hơn.
Phương án đầu tư xây dựng chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu sản xuất cho các hộ dân đã và đang thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của làng nghề truyền thống xã Phù Khê.
Lê Anh Dũng