Cắt cổ, mổ bụng, đập đầu tù nhân vào gốc cây thốt nốt…là những “món tủ” của đám cai ngục nhà tù Toul Sleng.

Một chiều cuối hạ 2012, tôi đến Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” dưới thời Khmer Đỏ. Nằm ở cuối con phố nhỏ mang tên Toul Svay Prey (phía nam Thủ đô Phnom Penh), thoạt trông Tuol Sleng không có gì ấn tượng: Một khối nhà 3 tầng hắt màu xám xịt lên nền trời nắng hanh hao.

Nhưng vừa bước chân vào trong, qua khỏi cánh cổng sắt, cảm giác ghê rợn liền ập đến: Đầu tiên là 14 ngôi mộ nằm chặn ngay lối vào, tất cả đều vuông vức, lùn lè tè giống nhau và đặc biệt không có bia mộ, nằm tập trung trên một khoảnh sân xi-măng lát sỏi.

Đó chính là 14 nạn nhân vô danh cuối cùng của nhà tù Tuol Sleng (có tên chính thức là “Security Prison 21”- Nhà tù An ninh 21, viết tắt là S21), thi thể của họ được tìm thấy khi bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng khu vực này. Những bức ảnh về cái chết của họ còn được lưu lại bên trong các phòng tra tấn- nơi mà giờ đây vẫn còn vương vãi những vệt máu thâm đen trên nền nhà, tường phòng.

  Một ngón đòn tra tấn điển hình tại S21

Nhưng con số 14 cũng chỉ là “hạt cát” nếu so sánh với 17.000 tù nhân (có nguồn thống kê khác cho rằng con số này thậm chí còn là 20.000) từng bị giam giữ tại đây, trong quãng thời gian từ năm 1975-1979. Cần nhớ rằng, tất cả tù nhân bị đưa đến “địa ngục trần gian” Tuol Sleng là để chết, bất kể đó là đàn ông, đàn bà, người lớn hay trẻ nhỏ.

Công cụ tra tấn vẫn còn đây.

Chỉ có điều, cách họ chết khác nhau: Nhiều người bị cắt cổ, một số lớn khác bị mổ bụng hoặc bị đóng đinh vào đầu. Nhưng trước hết, một thời gian dài họ còn bị tra tấn cực kỳ dã man: rút móng tay móng chân, khoét ngực cho rết cắn, dội nước vôi hoặc axit vào mặt… Vào thời kỳ đen tối nói trên, hầu như ngày nào cũng có những chuyến xe chở tù nhân đến S21, để “giải quyết” nhanh gọn và đỡ tốn kém, bọn cai ngục “ưu tiên” cầm trẻ em quật vào gốc cây. Nhiều gốc cây trong và xung quanh nhà tù, thậm chí đã mòn vẹt cả gốc vì sọ người đập vào.

Sự man rợ của chế độ Khmer Đỏ nằm ở chỗ, trước năm 1975, S21 vốn là…trường trung học. Khi Duch (tên thật là Kaing Guek Eav) được Bộ trưởng Quốc phòng Son Sen của chế độ Khmer Đỏ triệu tập tới một cuộc họp tổ chức tại nhà ga Phnom Penh để lên kế hoạch thành lập nhà tù S21, hắn đã vui mừng cho quây toàn bộ ngôi trường trung học trong vòng dây thép gai, cũng như thiết kế lại các lớp học cho phù hợp với mục đích giam giữ, tra tấn và hành hình tù nhân. Duch sau đó trở thành giám đốc nhà tù.

Tôi đi dọc hành lang vắng lặng, băng ngang qua những phòng tra tấn, tự hỏi không biết bao nhiêu thi thể tù nhân đã bị kéo lê lết qua đây? Bao nhiêu tiếng khóc than ai oán vang lên từ những căn phòng chết chóc này?

Có lẽ không thể kể xiết, bởi tới giờ, trong một căn phòng của Bảo tàng, người ta vẫn còn bày hàng trăm hộp sọ chất chồng lên nhau mà phần lớn trong đó đều có vết tích của sự tra tấn: một cây đinh cắm đúng đỉnh đầu, một lỗ hở toang hoác bên thái dương- vết tích của đầu búa chim…

Chùm ảnh về “địa ngục trần gian” Tuol Sleng:

S21 nhìn từ ngoài cổng, trông rất bình thường, không mấy ấn tượng

Trước năm 1975, nơi đây vốn là trường trung học

Đây là tấm bia tưởng niệm của Unesco, lấp ló phía sau là 14 ngôi mộ tù nhân vô danh...

... họ là những nạn nhân cuối cùng tại S21

Cảnh vẽ lại, cách mà đám cai ngục cho tù nhân đi "tàu ngầm"

Chiếc xà treo và những lu nước vẫn hiển hiện

1 trong 14 nạn nhân cuối cùng tử vong tại "địa ngục trần gian" S21

Chiếc giường "tử thần" trong phòng tra tấn

Tất cả tù nhân đều sẽ chết, nhưng không được chết dễ dàng

Bao nhiêu người đã vong mạng trong cái bể này?

Câu trả lời là: Rất nhiều!

Những chiếc sọ người chồng chất lên nhau, hầu hết đều biến dạng do bị tác động bằng vật nhọn, cứng

(Theo ANTĐ)