“Lập bảo tàng ngoài việc muốn cho những thế hệ sau biết về cuộc sống của ông cha, tôi còn coi đây như một món quà để tặng vợ, người mà tôi thương yêu hết mực...”, anh Kiên chia sẻ.
Dựng bảo tàng làm món quà tặng vợ
Tìm đến xóm Mỏ, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình, hỏi thăm anh Kiều Văn Kiên (SN
1977), bà con dân tộc nơi đây chẳng ai là không biết. Bởi lẽ, chỉ mới ngoài 30
tuổi, anh Kiên đã lập nên hẳn một bảo tàng văn hóa Thái với hàng nghìn cổ vật
quý giá do chính anh lặn lội đi khắp các vùng miền để sưu tầm.
Ngồi nhâm nhi chén trà tại căn nhà sàn 2 tầng cũng chính là nơi trưng bày đồ vật
của bảo tàng văn hóa Thái, anh Kiên kể với tôi rằng, anh vốn là một chàng trai
quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Từ hồi còn học phổ thông cho đến khi lên đại học, anh
luôn có sở thích được đi đây đi đó nên cứ dịp nào được nghỉ dài ngày anh lại rủ
bạn bè hoặc một mình vác ba lô đi chu du trên những cung đường của miền núi Tây
Bắc. Cái đẹp hoang sơ của núi rừng và con người miền sơn cước luôn hấp dẫn anh.
Anh Kiên giới thiệu về những đồ vật của người Thái từ xa xưa. |
Thế rồi, nhờ cái sự “duyên kỳ ngộ” sắp đặt, anh Kiên tình cờ đã quen với cô gái người dân tộc Thái là Khà Thị Lê (ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, Hòa Bình). Sau một thời gian quen biết, anh Kiên đã đem lòng yêu say đắm và tiến tới kết hôn với cô gái Khà Thị Lê. Một phần vì muốn chiều vợ, một phần vì thích được khám phá những phong tục của đồng bào dân tộc, anh Kiên đã cùng vợ lên định cư hẳn ở Hòa Bình. Do khác nhau về dân tộc, vùng miền, nên ban đầu, anh Kiên phải tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người Thái để ứng xử với nhà vợ cho phải đạo, đúng lễ nghĩa. Anh học tiếng nói, chữ viết của người Thái và dành nhiều thời gian tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Từ những điều được nghe kể và những chuyến đi của anh tới các bản làng, anh hiểu hơn về những giá trị truyền thống văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái và rồi, văn hóa của đồng bào Thái Mai Châu đã ngấm vào người lúc nào không biết.
Dụng cụ dùng trong công việc bếp núc của người Thái đều được làm bằng tay. |
Trong lần đến chơi nhà người bác của vợ, anh Kiên bỗng bị thu hút bởi môt số đồ dùng săn bắn để trên gác bếp. Tò mò, anh xin phép gia chủ được xem và tấm tắc khen đẹp. Chủ nhà thấy anh thích thú với những thứ đồ cũ ấy thì tặng luôn cho anh bởi với chủ nhà, những thứ đó chỉ làm chật thêm gác bếp. Thật không ngờ, đó là những vật được làm cách đây mấy chục năm và bây giờ gần như đã không còn gia đình nào lưu giữ được nữa.
Anh hiểu được giá trị của những đồ vật hiếm hoi, đồng thời chứng kiến vô số đồ vật cổ của người Thái bị những tay đi buôn thu mua để về xuôi để bán, chưa kể nguy cơ tiềm ẩn từ đội quân thu mua phế liệu vẫn len lỏi tới các bản làng mua những vật dụng cũ của người dân và không ít trong số đó lại là những thứ đồ chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái. Ý nghĩ sưu tập những cổ vật của người Thái Mai Châu chợt nảy sinh đã thôi thúc anh Kiên tới các bản làng vùng sâu, vùng xa tìm mua lại những đồ vật cũ, cổ của người Thái.
Anh Kiên tâm sự, kể từ ngày ấy đến giờ, cái “duyên” với văn hóa Thái ngày càng gắn chặt với anh hơn bởi những tháng ngày rong ruổi tìm kiếm cổ vật. Anh cứ mải miết đi tìm với nỗi niềm sợ thời gian sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật mang giá trị tinh thần quan trọng, để rồi chúng không bao giờ tồn tại nữa.
Sau quãng thời gian đi sưu tầm đồ vật cổ của người Thái, tới năm 2010, anh Kiên đã xin phép phía chính quyền địa phương và dựng nên bảo tàng văn hóa Thái để làm nơi trưng bày, giới thiệu nền văn hóa dân tộc Thái cho mọi người cùng được biết, đồng thời cũng góp phần to lớn thúc đẩy du lịch ở Mai Châu, Hòa Bình.
“Lập bảo tàng ngoài việc muốn cho những thế hệ sau biết về cuộc sống của ông cha, tôi còn coi đây như một món quà để tặng vợ, người mà tôi thương yêu hết mực. Khi biết tôi yêu thích văn hóa Thái đến vậy, cô ấy dù bận việc vẫn cùng tôi rong ruổi khắp nơi để thu mua những đồ vật quý hiếm”, anh Kiên chia sẻ.
Ông “vua’ cổ vật dân tộc Thái
Nói về gia tài mà anh cất công sưu tầm, anh Kiên cho biết đã có trong tay gần 1.000 cổ vật. Trong số cổ vật đó, quý nhất là 3 cuốn gia phả của dòng tộc người Thái cách đây trên 200 năm. Những cuốn gia phả này đã ố vàng theo thời gian, gáy đã sờn hết, nhiều chữ trong đó bị mờ không còn đọc được nữa. Đa số những cổ vật anh sưu tập được là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người Thái ngày xưa như: Đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời trước; bộ đồ cúng của thầy mo gồm áo làm phép, trống, chiêng, lịch của thầy mo đi cúng.
3 pho sách tiếng Thái cổ quý hiếm mà anh Kiên sưu tầm được. |
Bộ sưu tập nhạc cụ gồm khèn bè, kèn đám ma, chiêng, cồng, trống, chập chóe, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi. Bộ dụng cụ chế biến lương thực gồm cối xay đá, nồi, niêu cơm, bát, đĩa, mâm, đũa, chum, bầu. Bộ dụng cụ săn bắn hái lượm, gồm bẫy, nỏ, súng chi mai. Bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai… Nếu nhìn toàn bộ số cổ vật này, phần nào ta sẽ hiểu hơn về cuộc sống, về sự hình thành và phát triển của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc này.
Một chiếc Chõ dùng để bắn ba tiếng khi có người qua đời. |
Nhắc lại những kỷ niệm trong quãng thời gian bôn ba đi tìm kiếm những cổ vật, anh Kiên kể rằng có những lần phải đi tới 300km để tìm được vào nhà dân có đồ vật người Thái, đường rừng núi không có quán xá, anh Kiên phải mang theo cơm nắm, muối vừng để ăn dọc đường. Đang đi còn gặp trời mưa, đường trơn trượt, bị ngã xe suýt bỏ mạng dưới vực thẳm, may có bà con dân tộc đi qua cứu giúp.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, bảo tàng của anh Kiên kể từ khi lập ra đã có hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến và nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi được nhìn thấy những cổ vật xa xưa đầy tính sáng tạo của ông cha.
(Theo Zing/Infonet)