- “Xâm phạm đời tư của người khác là tật xấu của xã hội. Chúng ta cần có lối giáo dục tôn trọng quyền tự do cá nhân. Chỉ khi nào quyền tự do cá nhân của con người được tôn trọng, xã hội mới văn minh”, độc giả Đinh Minh Xuân bày tỏ.
Người Việt tọc mạch vì bản chất làng xã còn rơi rớt
Thói quen tọc mạch chủ yếu có ở người miền Bắc
Loạt bài viết về Thói tọc mạch của người Việt đăng tải trên VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Nhiều độc giả cho rằng bài viết phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện nay. Ngoài lý giải nguyên nhân, không ít độc giả còn “bày kế” khắc phục thực trạng này.
Vấn nạn của xã hội
Nhiều độc giả cho rằng, thói tọc mạch, nói xấu nhau không chỉ xảy ra ở một vài cá nhân, một cơ quan mà đã trở thành một vấn nạn của xã hội.
“Thời buổi ngày nay, bạn thì ít, bè thì nhiều. Từ nơi sang trọng, lịch sự đến quán xá vỉa hè, đâu đâu cũng chỉ thấy sự bon chen, đè nhau mà sống. Đạo đức xuống cấp hết rồi”, độc giả Văn Tình bày tỏ.
“Sao người ta cứ thích cười trên sự đau khổ của người khác nhỉ? Tại sao không đặt mình vào vị trí của người bị xỉa xói, bị nói xấu xem cảm giác thế nào. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình, xin hãy nhớ lấy câu nói bất hủ này của Nam Cao”, độc giả Minh Hiền tiếp lời.
Cho rằng bài báo phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện nay, độc giả Hà An kể tình huống mà mình gặp phải: “Cảnh này thiếu gì trên mọi miền đất nước Việt Nam này. Nó có từ lâu rồi, vùng nào cũng thế. Nhưng có vẻ như miền Bắc nhiều hơn.
Tôi có cô bạn ở TP. Hồ Chí Minh chuyển công tác ra Hà Nội chưa được bao lâu đã phải xin nghỉ quay về kiếm việc khác. Nguyên nhân cũng chỉ vì mấy bà cùng cơ quan gièm pha, suốt ngày kiếm chuyện khiến cô ấy stress không thể tập trung làm việc”.
“Theo tôi, đây là cái giá mà chúng ta phải trả cho việc đô thị hóa quá nhanh. Văn hóa không theo kịp với sự phát triển của cơ sở hạ tầng nên dù sống ở thành phố người ta vẫn giữ những thói ngồi lê đôi mách của dân quê”, độc giả này phân tích thêm.
Hãy tôn trọng tự do cá nhân!
Cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói xấu, tọc mạch chuyện của nhau là do quyền tự do cá nhân chưa được tôn trọng đúng mức, độc giả Đinh Minh Xuân bày tỏ: “Bài viết này phản ánh đúng với những thói hư tật xấu trong xã hội hiện nay. Theo tôi đó do lỗ hổng của nền giáo dục, và sự suy thoái về đạo đức của những kẻ giàu lên từ tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu, trốn thuế... gây ra một thứ văn hóa quái dị, tôn thờ chủ nghĩa vật chất.
Chỉ khi nào xã hội được minh bạch, giả dối phải được loại trừ, những con người làm ăn chân chính, mọi tài tăng phải được nẩy nở cần phải được xã hội tôn vinh, khích lệ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta cần có lối giáo dục tôn trọng quyền tự do cá nhân, không xâm phạm đời tư của người khác, đó là tật xấu xã hội. Chỉ khi mọi quyền tự do cá nhân của con người được tôn trọng, xã hội mới văn minh”.
Độc giả này phân tích thêm: “Ngày xưa văn hóa làng xã rất bền chặt, mang tính cộng đồng, giàu tình cảm, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, ít khi nói xấu lẫn nhau. Trong công việc vui buồn hiếu hỷ người ta lại đến với nhau để sẻ, chỉ cần ngụm nước, cơi trầu là vui, đâu có đặt ra những toan tính vụ lợi. Vậy chỉ cần nghe tiếng kẻng cháy nhà, người dân tất cả mọi nhà đều đổ ra đường sẵn sàng vào dập lửa. Nghe thấy tiếng hô trộm cướp, mọi người dân lao ngay ra hỗ trợ đuổi bắt. Tư duy người nông dân "một trăm cái lý, không bằng một tý cái tình" đã trở thành cố hữu từ đó. Kể từ cải cách ruộng đất đến nay văn hóa làng xã đã bị biến dạng, những tật xấu của xã hội lên ngôi mang tính kèn cựa, tâm lý cào bằng để lại di chứng đến hôm nay...”.
Còn độc giả Hưng lại lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do vấn đề giáo dục con người. Hưng bày tỏ: “Theo tôi, chả cần là GS, TS nghiên cứu nhiều cũng biết ngay nguyên nhân căn bản các thói xấu trong xã hội hiện nay là vấn đề giáo dục con người. Không có nền giáo dục tốt và toàn diện (kiến thức, đạo đức, ý thức xã hội...) thì không bao giờ thay đổi được. Chính các GS, TS phải thay đổi trước vì bản chất lớp trẻ là được dạy gì thì tiếp thu nấy, trò không ra gì, thanh niên không ra gì là do thầy, do người lớn không ra gì. Còn sống ở làng xã hay đô thị thì không thể là yếu tố quyết định đến sự hình thành phẩm giá con người được”.
Và nhiều độc giả cho rằng, chúng ta không nên nêu ra vấn đề chung chung rồi bỏ ngỏ ở đó, hãy phân tích nguyên nhân rồi tìm ra giải pháp để có những hành động thiết thực nhất.
“Chủ đề này đã được nói, được phản ánh ra rả từ lâu, qua hàng loạt phát ngôn của các nhà nghiên cứu, các cuốn sách, các bài viết. Ai cũng biết rằng, ừ! là như thế, nhưng cái cần và hữu ích là làm cách nào để khắc phục và giải quyết những vần đề xấu. Cái cần là biện pháp, là cái hành động chứ không phải là nói ra như thế”, độc giả Trần Dương lên tiếng.
K. Minh (tổng hợp)