“Lời nói, đọi máu” – chỉ những người trong cuộc thường xuyên phải chịu đựng sự cay nghiệt từ chính những người thân của mình mới hiểu hết ý nghĩa của câu này. Khi mà mỗi câu, mỗi từ nói ra đều như vạn mũi tên đâm thẳng vào tâm hồn, đớn đau hơn cả đòn roi…

Cả nhà ăn chửi chỉ vì bát nước mắm

Tâm sự với PV, em Nguyễn Thị Ngọt 24 tuổi ở Thái Bình nghẹn ngào: “Tên em là ngọt mà đời em chẳng ngọt ngào tí nào. Bao nhiêu năm em có mặt trên đời là bấy nhiêu thời gian em chứng kiến cảnh mấy mẹ con em bị bố rủa xả, chì chiết. Lắm lúc nghĩ thà bị đánh một vài roi chắc vẫn còn đỡ hơn bị ăn chửi cả ngày”.

Theo lời kể của Ngọt, hình ảnh của một ông bố cay nghiệt dần hiện ra. “Bố em chỉ cần một chuyện bé tí, kiểu như: nhà chưa dọn sạch, đồ ăn nấu không hợp khẩu vị, hay ai dám có ý kiến gì không hợp ý.., là ông ấy có thể ngay lập tức cáu giận lôi đình. Mà khi đã cáu lên, ông ấy chửi mẹ con em không bằng con vật.

Hình minh họa

Bố có thể chửi cả ngày, chửi cả buổi không chán. Lắm lúc chửi xong, ông đi đâu đấy, khi về, lại… chửi tiếp.

Bố em ưa thích sự hoàn hảo. Nên có bất cứ điều gì chưa hoàn hảo do ai gây ra, ông ấy nổi cáu và chửi tất cả nhà. Ví như sáng hôm nọ, mẹ em mua bún chả. Nước chấm người ta bán hơi cay, nên mẹ em pha riêng cho bà nội một bát, chắc lỡ tay, nên hơi chua. Thế là bố em chửi.

Ông chửi mẹ em là đồ chẳng ra gì. Rồi tiếp tục quay sang em gái em, chửi nó ngu, trời nóng mà bật quạt bé thế này. “Vui miệng”, ông chửi tiếp cả nhà trong đó có cả bà nội đang ngồi đấy rằng: "Cả lũ chúng mày toàn bọn ngu như lợn”. Sang năm em lấy chồng, chắc thoát. Chỉ khổ mẹ em phải chịu đựng cả đời, em em lại còn bé chẳng biết đi đâu cho đỡ nạn…”.

Chạy trốn vì mẹ chồng quá cay nghiệt

Trong nhật ký đón nạn nhân của mình, Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPNVN đã không ít lần đón những nạn nhân không hề có một vết bạo hành trên người, nhưng đổi lại câu chuyện cho họ cho thấy một sự đau khổ tột độ vì phải thường xuyên hứng chịu những lời chì chiết, chửi rủa cay nghiệt của người thân trong một thời gian dài. Như trường hợp của chị M.H ở Hưng Yên.

Lấy chồng khi chưa đầy 16 tuổi, chị M.H về làm dâu trong một gia đình có nguồn kinh tế chủ yếu dựa vào xưởng gỗ do mẹ chồng làm chủ. Chị M.H ít học, ít nói lại thêm chút vụng về, hay va vấp nên bị cả mẹ chồng và chị chồng - những người chủ nhà, chủ doanh nghiệp, tỏ ra khó chịu.

Lori Radun là một chuyên gia tâm lý người Mỹ, trong cuốn sách “101 cách cải thiện cuộc sống”, ông đã chỉ ra một số những cách ứng xử để cải hóa người có tính cách cay nghiệt.

Một trong những cách đó chính là điều mà chị Hương đã làm. Theo Lori Radun, khi trò chuyện với người cay nghiệt, luôn nhớ nguyên tắc kiên trì, mềm mỏng, chân thành tuyệt đối, không nói vội, đối đầu hay tỏ ra mất tinh thần.

Cho rằng chị M.H không đủ khả năng chi tiêu phù hợp, mẹ và chị chồng chị quyết định giữ lại lương của hai vợ chồng, chỉ trả khoản nhỏ để cả hai chi tiêu tằn tiện.

Tháng nào mà con ốm thì chị M.H không biết xoay xở vào đâu. Thêm vào đó, chị M.H làm bất cứ việc gì cũng bị mẹ và các chị chồng chê bai, chửi bới. Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi mẹ chồng chị M.H chia tài sản.

Là con trai duy nhất, vợ chồng M.H không thể không có phần. Nhưng khi chia M.H nhận được sự chì chiết, khó chịu vì mẹ chồng nghĩ M.H tự nhiên được mọi thứ. Thậm chí, mẹ chồng còn muốn chồng chị lấy vợ khác nên đã tìm cách nói xấu, chửi rủa khiến chị mắc chứng trầm cảm.

Cuối cùng chị đã tìm đến Ngôi nhà Bình yên. Một nhân viên tham vấn Ngôi nhà bình yên cho biết: “Chúng tôi đã về tận nhà chị M.H chứng kiến cuộc sống gia đình đó. Mẹ và chị chồng là những người ghê gớm. H. không được lòng họ nên thường xuyên bị nói xấu sau lưng…”. Điều đáng tiếc là người chồng, sau một thời gian bị mẹ và chị đầu độc, cũng đã dần dần thấy khó chịu với vợ. Gia đình họ tan vỡ.

Có khó thay đổi?

Nghiên cứu tâm lý cho thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tính cách một con người trở nên cay nghiệt như: đặt niềm tin sai lầm về cuộc sống, chịu ảnh hưởng từ những suy nghĩ tiêu cực của gia đình, bất mãn với cuộc sống…, và tuy có thể thay đổi được thói xấu này nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo và quyết tâm như câu chuyện của chị Phan Hương 30 tuổi ở Hải Dương dưới đây.

Gia đình chị Hương có 3 chị em gái, bố chị cũng thường xuyên chửi rủa thậm chí còn đánh đập vợ con. Khác với mẹ và hai chị, ngay từ bé chị Hương đã phản kháng lại những câu chửa rủa mạt sát nhân cách của bố và cố gắng bỏ chạy mỗi khi bố đánh.

Có lẽ vì thế nên chị Hương cũng ít bị "ăn" chửi và đòn roi hơn cả. Rồi chị Hương lên Hà Nội học, lấy chồng và lập nghiệp tại đây. Qua lời kể của láng giềng chị Hương biết bố mình vẫn chứng nào tật ấy hành hạ chửi rủa vợ. Cách đây một năm chị Hương được tin bố mình vừa đánh mẹ một trận rất đau.

“Mình nghẹn lại, thương mẹ, hận bố vô cùng, nhưng chưa biết phải làm gì. Mấy ngày sau tự dưng ông lên chơi một mình, mình thấy đây là cơ hội tốt” – chị Hương kể.

Ăn cơm tối xong chị Hương bảo chồng cho đứa lớn đi chơi, bảo bà giúp việc cho đứa nhỏ sang hàng xóm, chị ở nhà một mình nói chuyện với bố. Chị nói hết những chất chứa trong lòng trong suốt 30 năm qua, rằng bố đã hành hạ ba mẹ con chị cả tâm hồn và thể xác thế nào.

Rồi chị khẳng định chị đã biết chuyện bố mới đánh mẹ, nếu bố còn dám động vào mẹ một lần nữa chị sẽ không nể tình mà gọi công an phường đến giải quyết như một vụ bạo hành gia đình. Khi đó chắc chắn bố sẽ bị ảnh hưởng dư luận vì ông vẫn đang đi làm... Và kết quả bố chị Hương đã thay đổi, tôn trọng mẹ chị hơn rất nhiều.

(Theo PLVN)