- Cuộc đời lão tỷ phú Hai Hộ với những chuyện kể ly kỳ về tính hà tiện đã trở thành giai thoại sống có một không hai ở mảnh đất này. Nhiều người còn nói chắc với tôi rằng: Nếu có cuộc thi hà tiện thì chắc một điều rằng lão tỷ phú Hai Hộ đứng đầu bảng…!
Ăn để sống chứ không phải sống để ăn!
Điều tâm niệm suốt cuộc đời lão tỷ phú Hai Hộ được gói gọn một câu: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn…”. Đây là điều lão tỷ phú đặt ra cho riêng mình và ông cứ sống đúng như vậy.
Với người dân thị trấn Nam Phước này, ông lão kéo hàng thuê để kiếm sống là một người nghèo khó nên ai cũng nghĩ ông nghèo khó. Trên thực tế ông cũng sống cuộc sống hết sức đạm bạc, nếu không nói là bần hàn.
Chuẩn bị cho ngày làm việc mới khi tuổi đã 80. |
Nói về tính hà tiện, tiết kiệm của mình, lão tỷ phú Hai Hộ cười bảo: Mỗi người một ý nguyện chú à. Tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt của mình nếu không tiết kiệm, tằn tiện thì có ngồi trên đống vàng ăn mãi cũng hết. Người xưa bảo miệng ăn núi lở mà chú…!
“Mà tui tiết kiệm, chắt bóp để đề phòng bất trắc lúc đau ốm, khi về già không phải lo nghĩ lỡ có nằm xuống cũng còn có cái để lo. Nhiều người có chút của là ăn chơi phung phí, cuối cùng cũng mang một đống bệnh vô thân chớ có sướng chi chú hè. Mà đến khi nằm xuống không mảnh vải che thân lạnh lẽo lắm…”, ông Hai Hộ nói như tâm sự với riêng mình.
Lúc còn khoẻ mạnh ông làm việc như khổ sai. Nhiều người cứ nghĩ ông khó nghèo nên thường hay cho thức ăn hay cho tiền. Tất cả ông đều từ chối, không nhận.
Bữa ăn sáng đạm bạc chỉ là tô cơm với mắm, muối trước khi đi làm của ông Hai Hộ. |
Ông tâm niệm một điều, tiền mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt thì cố giữ và tiết kiệm. Còn những thứ không phải sức mình đổ mồ hôi làm ra thì không nên nhận. Triết lý sống của ông đơn giản, và suốt cả cuộc đời ông sống đạm bạc mà người ngoài nhìn thấy đều bảo ông điên, hay ông sống như tù khổ sai.
Cuộc sống đời thường hàng ngày của ông trở thành những giai thoại sống mà người dân nơi thị trấn này thường bảo khổ như tỷ phú Hai Hộ…
Tỷ phú Hai Hộ và những giai thoại sống
Kể chuyện cuộc sống thường nhật của ông Hai Hộ, một người chạy xe ôm thường đón khách nơi ngã tư gần nhà ông kể lại rằng, ông và ông Hai Hộ biết nhau từ sau giải phóng. Ông cũng đi nhiều nơi, biết nhiều người nhưng chưa hề thấy ai sống khổ sở và bần hàn như ông lão Hai Hộ.
“Nếu không hiểu bản tính của ổng có thể cho là ổng khùng, tâm thần. Nhưng sống gần gũi mới hiểu hết được tính khí của ổng. Ổng sống nghĩa tình và sòng phẳng lắm. Mượn ai một đồng, ổng trả một đồng, và cảm ơn rõ ràng. Không tham lam bất kỳ cái gì của ai. Nếu có ai mời cơm, ổng đều từ chối, từ sau giải phóng đến nay ổng chỉ có công việc, không hề thấy ổng la cà quán xá nhậu nhẹt…”, người lái xe ôm kể.
Những tấm ván nhặt được đem về lót dưới sàn nhà làm nơi ngả lưng hàng đêm của lão tỷ phú |
“Bà con sinh sống ở đây đến bây giờ vẫn không thể giải thích được vì sao ổng lại sống cực khổ, bần hàn đến vậy. Con cái đều thành đạt, tài sản tiền tỷ, nhưng ổng không một ngày nghỉ ngơi trừ những lúc đau ốm khi trái gió trở trời. Đến chừ tuổi đã 80 rồi mà ỗng vẫn làm việc quần quật. Tiền nhiều thế mà sao ông không nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già mà cứ làm vậy cũng không hiểu được…”, bà Lan, người bán rau ở chợ Nam Phước kể.
Nhiều người dân sinh sống trong khu phố thường xuyên gặp ông kể lại rằng, mỗi khi kéo xe đi trên đường, nếu ai ăn bánh mỳ còn thừa bỏ trong bao vứt ra đường, ổng liền nhặt về ăn. Nhưng nếu những loại thức ăn thừa ấy vứt trong thùng rác, hoặc người nào đó mang cho là ông kiên quyết từ chối không ăn, không nhận.
Đang kéo hàng trên đường, nếu ông phát hiện lọ dầu gió vừa hết ai đó vứt đi, ngay lập tức ông dừng xe lại nhặt lên rồi mở nắp ra “hít” một cách khoan khoái, sau đó đậy nắp lại bỏ vào túi áo ngực.
Tờ báo Thanh Niên ông cùng bà Tư hàng xóm mua và đọc chung, mỗi người góp một nửa số tiền báo mỗi ngày. Nhà ông không có ti vi, vì ông bảo tốn điện và ồn ào. Nhưng đến mùa bóng đá, ông lại không bỏ sót trận nào.
Cứ đến giờ bóng lăn là ông đứng bên hiên quán cà phê sát bên nhà xem. Ông cũng chẳng vào quán để ngồi xem vì không uống cà phê mà chiếm chỗ sợ phiền lòng chủ quán.
Chuyện ăn uống hàng ngày của ông cũng hết sức đơn giản. Ông bảo: “Mỗi sáng tui nấu 1 lon gạo ăn sáng một nửa, còn một nửa để lại trưa. Thức ăn cũng đạm bạc, chỉ là rau dưa, mắm muối...”.
Hỏi ông có đi chợ mua cá thịt không? Ông lắc đầu bảo: Mỗi năm tui đi chợ mua cá thịt 2 lần vào ngày tết và ngày đám giỗ. Còn lại thì không, tốn tiền vô ích…”.
Buổi tối ông ăn hủ tiếu của cô chủ quán trước hiên nhà. Cứ đến tối, cô chủ quán mang vào cho ông một tô hủ tiếu đầy không lấy tiền, coi như là tiền thuê mặt bằng.
Lúc đầu nhìn thấy ông hay nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi đem về dùng ai cũng nghĩ ông khùng. Nhưng những người dân tôi gặp nơi thị trấn nghèo này xác nhận chắc chắn một điều rằng tỷ phú Hai Hộ không bao giờ khùng. “Ổng rất minh mẫn, biết phân biệt đúng sai. Cái gì của mình thì giữ và chi tiêu một cách tằn tiện. Còn không phải của mình thì ông không hề màng đến. Nếu có thành tâm đem cho chưa chắc ông đã nhận…”, nhiều người dân sống cạnh nhà ông kể.
Đem câu chuyện người dân kể để hỏi ông. Lão tỷ phú Hai Hộ không xác nhận cũng không phản đối. Lão chỉ nói một câu: “Ăn để sống, chứ có phải sống để ăn đâu! Nhiều người giàu có họ ăn không hết bỏ thì mình nhặt, xem có dùng được thì dùng, bỏ đi lãng phí lắm…”
Cuối cùng lão tỷ phú Hai Hộ thở dài nói với tôi như triết lý: “Những người ăn một nửa, vứt một nửa chắc là họ chưa bao giờ bị đói nên họ mới lãng phí như vậy chú à! Đời tui đã trải qua nhiều bận đói vàng mắt rồi, nên tui hiểu và yêu quí tất cả, cho dù đó là những thứ họ bỏ đi…”.
Chính ông đã vượt qua bóng đêm của khó nghèo, của đói khát từ những năm chiến tranh loạn lạc để sinh tồn, mà đôi khi người ngoài không hiểu cứ nghĩ ông khùng. Bởi chẳng ai chịu nghe và hiểu ông giữa thời buổi người ta tranh nhau sống, làm giàu và tiêu xài hoang phí. Thì ông vẫn là ông, cho dù có tiền tỷ trong tay và con cái trưởng thành giàu có ông cũng sống bình thường và kham khổ như bao người dân khó nghèo nơi mảnh đất miền Trung này…
Còn tiếp...
Vũ Trung