Với nguyên liệu kém chất lượng, bảo quản không đủ chuẩn, kem làm “nhái” như ổ dịch bệnh chực chờ người tiêu dùng bất cứ lúc nào.
 

Kem nhái  hoành hành
 

Tháng 5/2012, tại Công An Hà Nội đã bắt giữ nhiều nơi sản xuất kem giả. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn nhan nhản các sản phẩm kem nhái bày bán công khai.
 
Tại một cửa hàng tạp hóa phố Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi khách hỏi mua kem, chủ cửa hàng đưa ra đủ loại nào kem que, nào ốc quế với  bao bì bắt mắt, giống các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Nhưng khi mở ăn thì thì đậu xanh trong kem que rất bở, rời rạc, vị ngọt rất gắt. Và sau khi ăn xong chưa đến nửa buổi, khách đã đau bụng và có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.
 
Không chỉ trên con phố này, các phố lân cận các trường học phổ thông, đại học, khu kí túc xá dành cho sinh viên, các kem nhái như thế vẫn được bán đầy. Chủ một cửa hàng cho biết: “Dù biết là kem nhái, kem giả nhưng giá bán và lợi nhuận rất tốt nên nhiều khi cũng nhắm mắt cho qua.”
 
Nhái nhãn hiệu, giả chất lượng
 
Thông thường, nguyên liệu để làm kem nhái là bột kem, nước và hương liệu không rõ nguồn gốc mua ở chợ cùng với đường hóa học. Đường hóa học trở thành lựa chọn đối ưu của các xưởng làm kem nhái vì giá thành rẻ rất nhiều so với đường cát trắng. Chỉ cần bỏ vào máy đánh kem cho xốp là kem đã có vị ngọt nhưng tác hại sau đó của sự ngon ngọt đó rất khó lường.
 
Để tiết kiệm tối đa giá thành sản xuất, các xưởng làm kem nhái cũng chẳng ngại mua các chất phụ gia gây tác hại đến sức khỏe như adao (keo dùng trong xây dựng) giúp kem cứng lâu hoặc chất phẩm màu công nghiệp để làm màu sắc kem hấp dẫn thay vì dùng nguyên liệu từ tự nhiên. 
 
Để tốn kém chi phí đầu tư trang thiết bị, máy móc tại các xưởng này khá thô sơ, thậm chí có các công đoạn là làm bằng tay như xoáy bột kem, đóng gói bao bì. Tuy nhiên, các công nhân làm việc tại đây thường hay “quên” mang theo đồ bảo hộ lao động.
 
Các thiết bị làm lạnh tại đây gần như cũng rất qua loa. Kem sau khi thành phẩm được bỏ vào các khay đựng rất mất vệ sinh, sau đó được các công nhân vận chuyển đến các chỗ bán.  
 
Như vậy, với nguyên liệu kém chất lượng, bảo quản không đủ chuẩn thì kem làm “nhái” như ổ dịch bệnh chực chờ người tiêu dùng bất cứ lúc nào.
           
Sản xuất kem sạch: Chỉ vài công ty đạt chuẩn
 
Theo số liệu của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cả nước hiện chỉ có ½ cơ sở kem đăng ký được phép sản xuất. Còn lại rất khó kiểm soát chất lượng và các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Nhà máy sản xuất kem của Merino. Theo Kido, nhà sản xuất kem uy tín tại Việt Nam cho biết để có được những kem đúng chất lượng, Kido đã phải đầu tư trang thiết bị sản xuất đến con số triệu đô, thực hiện đúng các nguyên tắc sản xuất kem sạch đạt chuẩn ISO 22000:2005 .

TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Nghiệm An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Quốc Gia cho biết: “Kem đạt chất lượng phải được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, nguyên liệu sản xuất phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải được kiểm soát về chất lượng trước khi đưa vào sản xuất.
 
Toàn bộ nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất, kho bảo quản và các thiết bị tiếp xúc với thực phẩm phải được kiểm soát và đánh giá trước khi sản xuất, các công nhân tham gia sản xuất phải được khám sức khoẻ, trang bị các bảo hộ lao động để tránh gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm.
 
Với những đòi hỏi như thế nên chỉ những đơn vị được đánh giá và cho phép sản xuất mới cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng và an toàn. Chúng tôi luôn khuyến cáo người tiêu dùng nên chỉ sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bản thân.”

Hữu Oanh