Anh Quân lấy danh dự của một nhà giáo để khẳng định rằng, rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật, chứ không phải huyền thoại. Hổ mây chính là con nưa, một loài cùng họ với trăn.
Cuộc chiến huyền thoại với hổ mây khổng lồ
Đạo sĩ ẩn tu và quyền cước vô song chém rắn khổng lồ
Kỳ 4: Những người đối mặt rắn khổng lồ
Để khách quan trong việc tả lại những câu chuyện về rắn hổ mây khổng lồ, tôi đã
chép lại toàn bộ cuộc trao đổi với đạo sĩ Ba Lưới trong kỳ báo trước. Tuy nhiên,
câu chuyện về những đạo sĩ vùng Thất Sơn vẫn mang hơi hướng huyền thoại, huyễn
hoặc. Ngay cả cuộc đời của họ cũng vậy.
Tôi đã làm cuộc khảo sát quanh vùng Thất Sơn để làm sáng tỏ hơn nữa những câu
chuyện của đạo sĩ Ba Lưới. Thật bất ngờ, những câu chuyện của người dân vùng
Thất Sơn về loài rắn hổ mây chẳng khác gì chuyện đạo sĩ Ba Lưới kể.
Con người vào rừng sinh sống, nên loài hổ mây bỏ đi hết? |
Nhắc đến chị Mai Thị Nguyệt, người dân xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) đều biết đến. Chị Nguyệt nổi tiếng không phải vì giàu có, xinh đẹp, mà bởi chị từng gặp rắn khổng lồ.
Chị Nguyệt là cán bộ phụ nữ ấp Vồ Dầu, nhưng có thêm nghề thuốc. Trong chuyến vào rừng cách nay 27 năm, chị đã đối mặt với rắn khổng lồ.
Bữa đó, đang hái thuốc thì gặp một cái hang. Tò mò, chị chui vào khám phá, thì hồn bay phách lạc, khi một con rắn khổng lồ khoanh tròn trong hang, phần đầu dựng đứng lên, mang bành, hai mắt đỏ lòm. Hai mắt của con rắn lập lòe trong bóng tối cách nhau tới 2 gang tay.
Dù sợ lắm, song chị vẫn chắp tay, miệng ú ớ xin lỗi “ông rắn”, vì đã xâm phạm nơi ở của ông. Vái xong rắn, chị lùi dần ra miệng hang, rồi ba chân bốn cẳng chạy về. Từ bấy, chị không dám vào rừng rú khu vực đó hái thuốc nữa.
Biết tin đạo sĩ Ba Lưới từng gặp rắn khổng lồ, lại biết nhiều bài thuốc quý chữa rắn độc, lương y Phạm Văn Thanh đã từ Lào Cai vào núi Cấm để tìm hiểu. |
Sau này, một số người nghe chuyện của chị, cũng vác dao, súng kéo nhau vào tìm “ông rắn”, tuy nhiên hang thì còn đó, mà rắn khổng lồ thì không thấy đâu. Chị Nguyệt khẳng định rằng, chuyện chị gặp rắn khổng lồ là sự thật 100%. Còn giờ “ông rắn” bỏ hang định cư ở đâu thì chị không thể biết được.
Một chuyện mà bất kỳ ai ở quanh núi Cấm đều biết, là vụ nhóm 10 người gặp rắn khổng lồ, vào năm 1980. Nhóm người này ở huyện Châu Phú, lên núi Cấm tìm thuốc.
Họ lên núi cấm buổi sáng, thì buổi trưa chạy tán loạn xuống chân núi. Họ trốn vào nhà ông Tư Đậu ở ấp Rau Tần, không dám ló ra ngoài. Theo nhóm người này kể, thì khi họ ngồi nghỉ bên tảng đá, một người tưởng cây mục, nên chém dao vào.
Tiêu bản rắn ở trại rắn Đồng Tâm. Ảnh internet |
Không ngờ, người này chém vào thân con rắn khổng lồ, to như cây thốt nốt. Con rắn dựng đứng thân lên tận ngọn cây. Nhóm người này sợ quá chạy te tua xuống núi, rồi không dám lên núi Cấm nữa.
Ngay như ông Tư Đậu, thợ săn thiện nghệ, cũng từng gặp rắn khổng lồ. Theo ông Tư Đậu, ông không có duyên gặp rắn khổng lồ vài trăm ký, nhưng những con hổ mây nặng cỡ 100 kg, thân to hơn cái phích, thì ông gặp nhiều.
Năm 1980, ông cùng một số thợ săn vào rừng Vồ Bà. Đang mải săn khỉ, ông bỗng nghe tiếng chó sủa, rồi tiếng chó kêu ăng ẳng. Lần theo tiếng kêu, ông cùng nhóm thợ săn kinh hồn bạt vía, khi tận mắt con hổ mây khổng lồ, to bằng cây chuối hột, dài 10 mét, nặng cỡ 100kg, đang nuốt con chó săn của ông.
Không chỉ ông Tư Đậu, mà rất nhiều thợ săn đều bị mất chó trong những chuyến vào rừng. Nhiều người tin rằng, chỉ có rắn hổ mây mới đủ sức xơi tái chó săn hung dữ.
Thợ săn Nguyễn Văn Hòa, ở ấp Thiên Tuế, cũng không ít lần giáp mặt hổ mây khổng lồ. Ông cũng là người gan dạ nhất khi đối mặt với rắn hổ mây.
Một con trăn nặng 100 kg do người dân bắt được ở núi Cấm. Con trăn này đã được kiểm lâm thả về rừng. |
Có lần, đi săn ở ấp Vồ Bà, con rắn hổ mây phóng từ ngọn cây xuống đất đớp con chó săn của ông. Tức mình, ông xông lại gần giương súng bắn rắn. Con rắn sợ quá, thả chó chạy mất hút. Mặc dù con rắn trúng đạn, nhưng nó không chết. Con chó của ông dù không bị rắn nuốt, nhưng trúng độc, chết sùi bọt mép.
Ông Hòa tin rằng, trong vùng Bảy Núi, chỉ có 2 loài có thể xơi tái được chó săn, đó là rắn hổ mây và nưa khổng lồ.
Các thợ săn ở vùng Bảy Núi cung cấp một thông tin thú vị, đó là ngoài rắn hổ mây, núi Cấm còn có nưa khổng lồ. Hai loài này là giống bò sát lớn nhất vùng Thất Sơn, nặng vài trăm ký, đến cả nửa tấn.
Tuy nhiên, các thợ săn đều khẳng định, loài hổ mây khổng lồ dường như mất hút từ 20 năm trước. 20 năm nay, nhiều người vẫn chạm mặt hổ mây, nhưng chỉ gặp những con hổ mây cỡ 40-50kg.
Riêng loài nưa khổng lồ, nặng trên 200kg, thì thi thoảng người dân trong vùng vẫn tóm được. Người ta chỉ bắt được nó, khi nó đang nuốt con vật lớn, không chạy tháo thân được.
Anh Đoàn Hoàng Quân tin rằng hổ mây chính là con nưa khổng lồ |
Anh xe ôm Đoàn Hoàng Quân (An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), nguyên là giáo viên tiểu học, cán bộ xã An Hảo, đặt giả thuyết rằng, rắn hổ mây chính là con nưa.
Theo anh, trăn và nưa núi Cấm đều rất lớn, con to nặng 200 đến 300 kg. Ngay mới đây, người ta bắt được con trăn 100 kg ở núi Cấm và đã thả lại nó vào rừng. Nưa là loài có hình thức khá giống trăn, da mốc vàng, nhưng có tới 5 lỗi mũi, gồm 2 lỗ mũi thật và 3 lỗ mũi giả. Cũng có con nưa có tới 9 lỗ mũi.
Bản thân anh Quân từng tận mắt chứng kiến nhóm thợ săn ở núi Cấm bắn chết một con nưa khổng lồ, nặng ước chừng 300 kg.
Hồi đó là năm 1985, khi anh 15 tuổi. Nghe tiếng súng xả liên thanh, người dân cả xã An Hảo chạy ra xem. Lát sau, anh thấy một nhóm người hò dô kéo xác một con nưa khổng lồ từ rừng ra, để vắt ngang lộ. Cái lộ rộng tới 15m, căng con nưa ra, mà đầu và đuôi nó vẫn nằm dưới rãnh.
Anh chàng Quân khi đó bạo dạn, liều lĩnh xông đến ôm con nưa thấy đủ một vòng tay. Thân của nó phải bằng cây thốt nốt già như lời kể của các cụ về hổ mây.
Nhóm người này dùng dao lột da, xả thịt, chia cho cả làng. Lúc mổ bụng nó, mọi người đếm được 5 con lợn rừng trong bao tử. Đấy là chưa kể vô số lông lợn, xương lợn vẫn nằm trong dạ dày của nó, chưa tiêu hóa hết.
Một con trăn khổng lồ nặng cả trăm kg bắt được ở Thất Sơn. Ảnh internet. |
Theo một số cụ già, từng hiểu biết rất rõ về rắn hổ mây, nưa, thì với trọng lượng này, nó đủ sức nuốt chửng 5 người trưởng thành. Đúng là một con quái vật tưởng như chỉ có trong truyền thuyết.
Sau vụ tận mắt chứng kiến đó, bản thân anh Quân cũng được nghe kể nhiều về rắn hổ mây, hay con nưa, nhưng chưa có duyên được gặp lại lần nữa. Anh Quân lấy danh dự của một nhà giáo để khẳng định rằng, rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật, chứ không phải huyền thoại. Hổ mây có thể là con nưa, một loài cùng họ với trăn.
(Theo VTC News)